Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam:

Từ ghi danh UNESCO đến phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững

THÙY TRANG

VHO - Với danh hiệu UNESCO, việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội cũng là một thách thức lớn. Làm sao để bảo tồn di sản gắn phát triển du lịch bền vững và hội nhập toàn cầu?

Từ ghi danh UNESCO đến phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững - ảnh 1
Lãnh đạo tỉnh An Giang nhận bằng của Tổ chức UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

UBND tỉnh An Giang phối hợp cùng Bộ VHTTDL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, vừa tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đối với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

UBND tỉnh An Giang cho rằng, việc ghi danh đã khó, nhưng bảo vệ và phát huy danh hiệu lại càng thách thức hơn.

Di sản văn hóa phi vật thể thực hành Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam ở Châu Đốc, An Giang - một lễ hội đặc sắc có từ lâu đời, mang đậm giá trị văn hóa tâm linh của người dân Nam Bộ.

Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh, đồng thời là di sản đầu tiên của Việt Nam có chủ thể là các dân tộc cả đa số và thiểu số.

Lễ hội là sự kế thừa, tiếp thu và sáng tạo của cư dân Việt trong quá trình khẩn hoang, là sự tổng hòa của tín ngưỡng thờ Mẫu của các dân tộc Việt, Khmer, Chăm và Hoa.

Giá trị di sản của lễ hội vừa thể hiện ở mặt tín ngưỡng, đồng thời còn nằm ở các nghi thức truyền thống, các lễ hội diễn xướng như Hát Bội, nhạc Ngũ âm và múa Lân sư rồng.

Bên cạnh đó, lễ hội còn có giá trị kinh tế và xã hội sâu rộng, đóng góp vào sự phát triển du lịch, tạo nguồn thu cho địa phương và khôi phục các nghề truyền thống…

Hơn nữa, lễ hội cũng là dịp để tăng cường nhận thức cộng đồng về bảo vệ giá trị di sản văn hóa, thể hiện lòng thành kính với các thế hệ đi trước và những giá trị tinh thần truyền thống…

Từ ghi danh UNESCO đến phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững - ảnh 2
Đông đảo người dân và du khách cùng thực hiện nghi thức di kiệu Bà từ đài liệt sĩ lên đỉnh núi Sam

Sau khi được ghi danh UNESCO, việc bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một thách thức không nhỏ.

UBND tỉnh An Giang cũng đã chỉ ra những thách thức cần phải đối mặt. Một trong những thách thức lớn là nguy cơ thương mại hóa di sản, điều này có thể dẫn đến việc mất đi tính nguyên bản và các giá trị truyền thống.

Bên cạnh đó, sự thay đổi không gian văn hóa gốc do ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế và xã hội hiện đại cũng là một vấn đề đáng lo ngại.

Ngoài ra, sự thiếu đồng thuận trong cộng đồng địa phương về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản sẽ làm tăng khó khăn trong công tác bảo vệ.

Để khắc phục những thách thức này, các chương trình tuyên truyền đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di sản.

UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh rằng sự đồng thuận giữa chính quyền và cộng đồng là yếu tố quyết định trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Đồng thời, sự tham gia của các nhà nghiên cứu và chuyên gia văn hóa đã đóng vai trò quan trọng để hoàn thiện hồ sơ một cách khoa học và toàn diện.

Từ ghi danh UNESCO đến phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững - ảnh 3
Không gian miếu bà chúa Xứ ở núi Sam - nơi thờ tự Bà Chúa Xứ

Theo UBND tỉnh An Giang, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng hồ sơ di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, khẳng định năng lực và sự đóng góp của trường trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã hỗ trợ tích cực trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ lịch sử và văn hóa để xây dựng một hồ sơ di sản đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trường cũng tổ chức các hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế, thu thập ý kiến từ các chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân tộc để đảm bảo hồ sơ phản ánh đầy đủ các giá trị di sản.

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức các hoạt động nghiên cứu điền dã, kiểm kê các giá trị di sản, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quá trình xây dựng hồ sơ.

Đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm tính đại diện và sự đồng thuận cao trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản của lễ hội. 

Nhà trường cũng đã và đang thực hiện các hoạt động giáo dục về tầm quan trọng của di sản văn hóa đối với cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ các giá trị truyền thống và duy trì sự kết nối giữa các thế hệ…

Từ ghi danh UNESCO đến phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững - ảnh 4
Người dân và du khách tham gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Về vấn đề phát huy danh hiệu sau khi ghi danh, UBND tỉnh An Giang cho biết, trước khi trình hồ sơ lên UNESCO, địa phương đã xác định rõ các bước để phát huy giá trị di sản sau khi ghi danh.

“Việc ghi danh đã khó, nhưng bảo vệ và phát huy danh hiệu lại càng thách thức hơn. Vì vậy, tỉnh tiếp tục cùng các chuyên gia bàn thảo kỹ lưỡng các giải pháp”, UBND tỉnh An Giang chia sẻ.

Theo đó, trong thời gian tới, địa phương phối hợp cùng chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê và tư liệu hóa di sản. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cũng như giáo dục về truyền thống yêu nước và hòa hợp dân tộc.

Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng, khuyến khích nghệ nhân cao tuổi truyền dạy cho thế hệ trẻ, tăng cường các hình thức giáo dục trong và ngoài trường học.

Cùng với đó, tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có đóng góp lớn trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản, có chính sách khen thưởng xứng đáng cho nghệ nhân. 

Đặc biệt, UBND tỉnh An Giang sẽ thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước để bảo vệ di sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng di sản để trục lợi hay làm sai lệch di sản. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các chương trình quảng bá về giá trị di sản, gắn bảo tồn với phát triển du lịch bền vững.