Trưng bày chuyên đề “Hải Dương in dấu chân Người”
VHO - Nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Côn Sơn (1965 - 2025), từ ngày 12-20.2, Sở VHTTDL Hải Dương tổ chức trưng bày chuyên đề “Hải Dương in dấu chân Người” tại khuôn viên tam quan nội chùa Côn Sơn, thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh.

Trưng bày chuyên đề gồm gần 200 hình ảnh, hiện vật được chia làm ba chủ đề gồm: Chủ đề 1: Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, có khoảng 55 ảnh tư liệu, giới thiệu tóm tắt về quê hương, gia đình và thời thơ ấu của Bác. Hồ Chí Minh - Người thanh niên yêu nước, người chiến sĩ cộng sản, vị lãnh đạo thiên tài của cách mạng Việt Nam: Những dấu mốc chính trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ đề 2: Bác Hồ với Hải Dương - Hải Dương với Bác Hồ, khoảng 60 ảnh tư liệu giới thiệu những hình ảnh, tài liệu và những địa điểm có liên quan đến 5 lần Bác Hồ về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương.
Trong đó có nhấn mạnh nội dung Bác về thăm Côn Sơn ngày 15.2.1965. Những tư liệu, hình ảnh thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Người đối với Nhân dân Hải Dương và thể hiện sự quan tâm của Bác đối với các tầng lớp nhân dân Hải Dương và tình cảm sự tôn kính, lòng biết ơn của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong Hải Dương đối với Người.
Chủ đề 3: Hải Dương học tập và làm theo lời Bác, có khoảng 50 ảnh tư liệu. Giới thiệu tư liệu hình ảnh về thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của Hải Dương giai đoạn 2020-2025; một số gương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trưng bày chuyên đề “Hải Dương in dấu chân Người" nhằm giới thiệu tư liệu, hình ảnh ôn lại sự kiện những lần Bác Hồ về thăm cán bộ và Nhân dân tỉnh Hải Dương, khắc sâu những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với Đảng bộ và Nhân dân Hải Dương.
Qua đó bồi đắp niềm tin yêu, tự hào của Nhân dân đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tiếp tục thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng thời tăng cường quảng bá các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích trong thời gian Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) của Trung tâm Di sản Thế giới đang tổ chức quy trình đánh giá đối với Hồ sơ đề cử di sản thế giới Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.
*Trước đó, trong chương trình nghệ thuật tại Lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025 đã diễn ra hoạt cảnh “Hải Dương in dấu chân Người” nhằm tái hiện sự kiện Bác Hồ về thăm Côn Sơn 60 năm trước.
Hoạt cảnh “Hải Dương in dấu chân Người” có thời lượng 30 phút, tái hiện lại câu chuyện Bác Hồ về thăm Côn Sơn ngày 15.2.1965. Người dâng hương ở chùa và dừng lại, dịch tấm bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi". Bác lên núi Côn Sơn thăm phong cảnh Thanh Hư động và Thạch Bàn, nơi Nguyễn Trãi thường ngồi đọc sách, làm thơ và suy tư việc nước; nói chuyện với cán bộ, nhân dân địa phương và tăng ni trong chùa. Người căn dặn: “Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn trở thành tùng lâm đẹp đẽ”…
Hoạt cảnh có sự tham gia của trên 60 diễn viên Nhà hát Chèo và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Hình tượng Bác Hồ do Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Thắng, Nhà hát Chèo Hải Dương thể hiện. Hoạt cảnh do Tiến sĩ, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn viết kịch bản, Nghệ sĩ Ưu tú Đoàn Vinh đạo diễn.
Hoạt cảnh là một phần nội dung kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Côn Sơn, tri ân tình cảm của Người dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 5 lần về thăm Hải Dương: Ngày 21.10.1946, 31.5.1957, 1.4.1959, 26.7.1962 và lần cuối cùng vào ngày 15.2.1965. Trong lần thứ 5 về Hải Dương, Bác đã về thăm xã Hồng Thái (Ninh Giang) - lá cờ đầu của ngành thủy lợi toàn miền Bắc. Buổi trưa, Bác đến thăm xã Nam Chính (Nam Sách), xã có phong trào vệ sinh khá nhất tỉnh. Buổi chiều, Bác về Côn Sơn (Chí Linh).