Triển vọng tham gia Công ước 2001 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
VHO - Ngày 14.5 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn sơ bộ về triển vọng tham gia Công ước 2001 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) từ năm 1976, từ đó đến nay Việt Nam đã tham gia 04/06 Công ước của UNESCO.
Trên cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam tham gia, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được quan tâm triển khai và đạt được những kết quả tích cực với hơn 40.000 di tích được kiểm kê, 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.628 di tích quốc gia, trên 11.000 di tích cấp tỉnh.
Nhiều di tích, di chỉ khảo cổ liên quan đến di sản văn hóa dưới nước đã được xếp hạng các cấp như Phố cổ Hội An, Thương cảng Vân Đồn, Bãi cọc Bạch Đằng, Bãi cọc Cao Quỳ; các di tích, di chỉ khảo cổ tại Cù Lao Chàm; cùng nhiều con tàu cổ đã được phát hiện và khai quật như Tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang), Tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Tàu cổ Cà Mau (Cà Mau), Tàu cổ Bình Thuận (Bình Thuận) và Tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi), Tàu cổ Dung Quất (Quảng Ngãi)...
Cùng với những kết quả đạt được, hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thiếu nhân lực có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn; thiếu trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu, khai quật khảo cổ dưới nước, kinh phí đầu tư thấp.
Thực tế này đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện cả về lý luận lẫn thực tiễn, thông qua việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các tổ chức, quốc gia trong khu vực và quốc tế. Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khả năng Việt Nam tham gia Công ước UNESCO 2001 trong Kế hoạch công tác hàng năm của Tiểu ban Văn hóa.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Bộ VHTTDL cùng các địa phương đang tích cực, tập trung thực hiện mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa, hướng tới việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam xác định việc hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó tăng cường hợp tác với UNESCO là một trong những giải pháp đột phá để thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030.
Hội thảo tham vấn về Triển vọng gia nhập Công ước UNESCO 2001 có ý nghĩa thiết thực để cụ thể hóa nội dung hợp tác giữa Việt Nam- UNESCO giai đoạn 2021 - 2025.
“Tôi tin tưởng rằng, những kinh nghiệm mà quý vị đại biểu chia sẻ, gợi mở sẽ là tiền đề, định hướng quý báu để Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước trong thời gian tới", Thứ trưởng khẳng định.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker ghi nhận những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong bảo tồn di sản văn hóa, được quốc tế công nhận và thể hiện một hình ảnh đa chiều về sự phát triển toàn diện, bền vững.
Công ước bảo vệ di sản văn hóa dưới nước năm 2001 tập trung vào phần thường bị bỏ qua của di sản văn hóa thế giới, đó là các địa điểm dưới nước và di tích có ý nghĩa lịch sử đối với nhân loại.
Công ước này cho phép các quốc gia thúc đẩy các phương thức khảo cổ dưới nước bền vững và có trách nhiệm, gắn di sản không thể thay thế này vào cơ chế của văn hóa để phát triển.
Việt Nam đã tham gia vào tuyến đường thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có nhiều địa điểm nơi các con tàu bị đắm và vô số hiện vật giá trị. Những địa điểm và hiện vật này nếu được bảo vệ đúng cách có thể củng cố niềm tự hào dân tộc, giới thiệu hình ảnh hấp dẫn về Việt Nam với thế giới, thu hút cả đầu tư quốc tế và trong nước.
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Lê Thị Thu Hiền cho biết, xác định tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, thời gian qua, Cục Di sản văn hóa đã tham mưu Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Quốc hội ban hành một số văn bản pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa, thường xuyên được áp dụng trực tiếp vào việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.
Bên cạnh đó là các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan trực tiếp tới việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước…
"Có thể nói, các quy định pháp lý về cơ bản đã giúp cho việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện.
Hiện nay, Cục Di sản văn hóa đang tham mưu Bộ VHTTDL trình Quốc hội và Chính phủ sửa đổi Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung quản lý, bảo vệ đối với loại hình di sản văn hóa dưới nước mang tính đặc thù, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn cao này", bà Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Từ những văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di sản dưới nước được Nhà nước ban hành, nhiều địa phương đã tiến hành nghiên cứu, khai quật nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị di sản này.
Phó Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Quảng Văn Quý cho biết, bên cạnh hệ thống di sản văn hóa hiện diện trên mặt đất và nằm dưới lòng đất đã được ghi nhận, nghiên cứu, quản lý, xếp hạng, phát huy giá trị, Hội An còn có tiềm năng dồi dào về di sản văn hóa dưới nước.
Từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, những hiện vật gốm sứ liên quan đến con tàu đắm cổ đã được phát hiện ở ngoài khơi Cù Lao Chàm. Kết quả của đợt thám sát và khai quật từ năm 1997-1999 đã minh chứng điều đó. Những năm đầu thế kỷ 21, xác của 1 chiếc ghe bầu đã được phát hiện tại một con hói ở Cẩm Thanh.
Cuối năm 2023, xác của một con thuyền khá lớn cũng xuất lộ ở vùng bờ biển Cẩm An - Hội An. Cùng với đó, một số dấu vết cư trú xưa cũng xuất hiện tại khu vực này. Ngoài các bộ phận của ghe thuyền như lô ghe, bánh lái, mỏ neo và các đồ gốm sứ, một số di sản văn hóa dưới nước ở Hội An như cọc cừ/kè - gia cố bờ sông bến cảng, súng thần công… cũng được phát hiện.
Theo ông Quý, đến nay, việc sưu tầm, bảo quản, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước được Hội An quan tâm thực hiện. Nhiều sưu tập hiện vật đã được trưng bày phát huy giá trị tại các bảo tàng chuyên đề ở Hội An như Bảo tàng Lịch sử - văn hóa Hội An, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch.
Năm 2022, Trung tâm đã thiết lập phòng trưng bày chuyên đề với chủ đề "Gốm Chu Đậu - Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm", giới thiệu giá trị đặc trưng của gốm Chu Đậu đến với công chúng, qua đó tạo thêm điểm nhấn, sức hấp dẫn của bảo tàng đối với du khách.
Công tác vận động nhân dân bảo vệ, hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng liên quan đến di sản văn hóa dưới nước được chú trọng. Mới đây, một số bà con nhân dân ở Cẩm An đã hiến tặng cho Bảo tàng Hội An 18 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật liên quan đến di sản văn hóa dưới nước.