Triển lãm gốm Champa Bình Định
VHO- Chiều ngày 23.11, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức Triển lãm gốm Champa Bình Định và Triển lãm ảnh Kết nối đền tháp Champa Nam Trung Bộ nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
Phù điêu sử tử chất liệu đất nung, thế kỷ XII
Phù điêu KaLa chất liệu đất nung, thế kỷ XII
HIện vật đầu ngói ống lợp diêm mái trang trí mặt hề đất nung, thế kỷ IV-VI
Du khách hứng thú trước các hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Tại triển lãm Gốm Champa Bình Định, 80 hiện vật, gồm 3 loại hình cơ bản đã được trưng bày: Gốm trang trí kiến trúc; gốm trang trí kiến trúc đền tháp và gốm gia dụng tráng men khai quật trong các khu lò gốm cổ Champa Bình Định. Trong đó hiện vật có niên đại sớm nhất là bộ sưu tập gốm đất nung trang trí kiến trúc, các ngói âm, dương, đầu ngói ống khai quật tại di tích Thành Cha, niên đại thế kỷ IV-VI; Bộ sưu tập phù điêu gốm đất nung trang trí kiến trúc đền tháp như: voi, sư tử, kala, tai lửa... niên đại thế kỷ XII khai quạt tại phế tích Lại Nghĩ, tháp Bánh Ít. Hiện vật có niên đại muộn nhất đó là bộ sưu tập gốm tráng men độc đáo đã từng xuất hiện trên thị trường thế giới trong giai đoạn thế kỷ XIV-XV.
Tái hiện cuộc sống của dân tộc Champa qua những điệu múa
Kết hợp trong chương trình, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với nhà khảo cổ Hồ Xuân Tịnh trưng bày bộ ảnh Kết nối đền tháp Champa Nam Trung Bộ. Trong đó giới thiệu đến du khách hơn 120 bức ảnh, thể hiện nhiều góc nhìn về đền tháp Champa vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam.
NGỌC HÀ