Triển lãm chuyên đề “Đà Nẵng - Dấu xưa vang vọng”
VHO - Ngày 11.7, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với các tổ chức, nhà sưu tập tư nhân, tổ chức triển lãm chuyên đề “Đà Nẵng - Dấu xưa vang vọng”.
Đây là triển lãm đầu tiên có sự tham gia phối hợp của đông đảo các nhà sưu tập ở ba miền Bắc, Trung, Nam.
Theo đó, các nhà sưu tập trên cả nước thuộc các Hội cổ vật như: Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội; Hội Cổ vật xứ Đông - Hải Dương; câu lạc bộ Cổ Ngoạn Phố Hiến - Hưng Yên; Hội Cổ vật TP.HCM; các nhà sưu tập tư nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng… đã đóng góp, giới thiệu hơn 200 cổ vật gồm nhiều loại hình, chất liệu khác nhau, có niên đại từ thế kỷ XV đến thời nhà Nguyễn.

Triển lãm góp phần tôn vinh giá trị đặc biệt của cổ vật, đồng thời cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân chung tay xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng.
Trong triển lãm “Đà Nẵng - Dấu xưa vang vọng” tại Bảo tàng Đà Nẵng, mỗi cổ vật đều chứa đựng nhiều yếu tố về nghệ thuật, lịch sử cùng những câu chuyện riêng, được trưng bày theo từng nhà sưu tập, để công chúng có thể dễ dàng tìm hiểu.
Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, để sưu tầm một hiện vật đã khó, để sưu tầm một bộ sưu tập càng khó hơn, đòi hỏi mỗi nhà sưu tập phải bỏ công sức, tiền bạc, thời gian để tìm kiếm, nghiên cứu. Tuy nhiên, có được cổ vật trong tay không có nghĩa là cất vào trong kho để bảo quản, lưu giữ bất động, mà cần phải làm cho nó trở thành cổ vật “sống”, phát huy giá trị của cổ vật trong thời hiện đại.

“Hiện nay, nhiều cổ vật được tìm thấy, bảo quản, lưu giữ tại các bảo tàng, các tổ chức, cá nhân sưu tầm ở khắp nơi trong cả nước nhưng cũng có không ít những cổ vật giá trị còn lưu lạc ở nước ngoài. Để giới thiệu đến công chúng những cổ vật có giá trị, đã có một số cuộc triển lãm được tổ chức và nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng nói chung và những người yêu cổ vật nói riêng.
Trong đợt này, Bảo tàng Đà Nẵng đã tiếp nhận 96 cổ vật từ 16 nhà sưu tập tư nhân với đa dạng loại hình từ đồ gốm thời Lý -Trần, gốm Chu Đậu, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, đồ pháp lam hay đồ dùng sinh hoạt của người Việt xưa…
Tiêu biểu như: Lư đồng (thế kỷ XIX) của Nhà sưu tập Hoàng Văn Kim, đồ pháp lam của Nhà sưu tập Trần Đình Nam, chiếc âu gốm thời Lý – Trần của Nhà sưu tập Trần Thanh Hải, Rìu đồng văn hóa Đông Sơn, Tô thời Trần của nhà sưu tập Phạm Văn Dân… và nhiều hiện vật đặc sắc khác.
Tất cả các hiện vật sẽ được lưu giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị một cách tốt nhất để những đóng góp quý giá này lan tỏa đến đông đảo người dân và cộng đồng khách tham quan”, ông Thiện cho biết.