Nghệ An:
Triển khai phòng chống cháy rừng tại các khu di tích
VHO - Trước nguy cơ cháy rừng cao do thời tiết nắng nóng và lượng du khách lớn trong mùa Lễ hội làng Sen, Nam Đàn (Nghệ An) đang triển khai công tác phòng cháy rừng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng nhằm bảo vệ rừng và di tích lịch sử, văn hóa.
Trong thời điểm thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nguy cơ cháy rừng đang hiện hữu tại nhiều địa phương có diện tích rừng lớn, đặc biệt là những khu vực có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng.
Tại huyện Nam Đàn (Nghệ An), nơi được biết đến không chỉ với giá trị lịch sử mà còn sở hữu hệ sinh thái rừng thông rộng lớn, công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) đang được chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng chú trọng triển khai.

Nhiều cánh rừng ở Nam Đàn nằm liền kề hoặc bao quanh các di tích nổi tiếng như Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, Núi Chung hay Đền Vua Mai.
Vào mùa nắng nóng kéo dài, kết hợp với lượng lớn du khách đổ về hành hương và tham quan vào mùa lễ hội, khu vực này luôn đối mặt với nguy cơ cháy rừng ở mức cao.
Việc bảo vệ rừng không chỉ là nhiệm vụ môi trường mà còn gắn liền với công tác gìn giữ những di sản văn hóa quan trọng của quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chính quyền huyện Nam Đàn đã chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý các di tích và lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên trách để triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Từ công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát, đến việc đầu tư trang thiết bị và xây dựng kế hoạch tác chiến chi tiết.
Tại Khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan, xã Nam Giang, một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch và người dân cả nước, công tác PCCR được triển khai hết sức nghiêm ngặt.

Với tổng diện tích khuôn viên hơn 48 ha, trong đó có hơn 20 ha rừng thông, khu vực này luôn nằm trong diện cảnh báo nguy cơ cháy cao. Ngay từ đầu mùa khô, Ban quản lý khu di tích đã tổ chức thu dọn thực bì, lá rụng theo định kỳ; đồng thời duy trì đội tuần tra canh gác liên tục, nhất là vào các khung giờ cao điểm.
Đặc biệt, hệ thống phòng cháy tại đây đã được đầu tư đồng bộ, gồm 2 hệ thống bơm nước áp lực cao, 12 vòi rồng đặt ở các vị trí chiến lược, cùng hệ thống tưới ẩm tự động kéo dài gần 1 km từ chân lên đến đỉnh khu mộ.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng Ban quản lý khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan cho biết: “Chúng tôi xác định công tác phòng cháy không chỉ là trách nhiệm, mà quan trọng hơn là gìn giữ không gian văn hóa linh thiêng. Vì vậy, ngoài hệ thống thiết bị hiện đại, chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở du khách không sử dụng lửa, không vứt tàn thuốc trong khu vực rừng”.
Không chỉ riêng tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan, các điểm di tích khác cũng đang được đẩy mạnh công tác phòng cháy.

Tại khu vực Núi Chung, xã Kim Liên, nơi gắn liền với thời thơ ấu của Bác Hồ, lực lượng kiểm lâm đã xử lý thực bì trên diện tích hơn 70 ha. Còn tại khu di tích Đền Vua Mai, một trong những điểm tâm linh lớn của huyện, gần 10 km đường băng cản lửa đã được nâng cấp, sửa chữa trước mùa cao điểm nắng nóng.
Đáng chú ý, toàn huyện Nam Đàn đã hoàn tất việc duy tu, sửa chữa toàn bộ hệ thống chòi canh; củng cố gần 40 km đường băng cản lửa; trang bị hàng chục máy thổi lửa, máy cắt cỏ và gần 1.000 vỉ dập lửa.
Mỗi xã, mỗi cụm di tích đều được xây dựng bản đồ tác chiến chi tiết, trong đó xác định rõ các điểm có nguy cơ cháy cao, các tuyến đường tiếp cận, điểm tập kết nhân lực, phương tiện, khu vực hậu cần, sơ cứu… Điều này giúp đảm bảo phản ứng nhanh, chính xác và hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
Sự vào cuộc chủ động, đồng bộ của chính quyền địa phương, ngành kiểm lâm và các đơn vị liên quan đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng tại các khu vực di tích lịch sử.
Qua đó, không chỉ bảo vệ được diện tích rừng quý giá mà còn giữ gìn những giá trị văn hóa, tâm linh thiêng liêng, góp phần phát triển du lịch bền vững và giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.