Triển khai Đề án “Huế- Kinh đô Áo dài” đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa

VHO- UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định số 678 phê duyệt Đề án “Huế- Kinh đô Áo dài”. Qua đó, nhằm khai thác các thế mạnh về văn hóa, con người Huế; phát triển ngành công nghiệp văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội cảu địa phương.

Việc xây dựng đề án nhằm khẳng định giá trị, vị trí của Áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam. Tôn vinh nét đẹp văn hóa của Áo dài Huế, tôn vinh những người đã khai sáng và phát triển áo dài trong lịch sử và phát triển. Đồng thời, hướng đến việc khai thác, phát huy vị thế Áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ phù hợp, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Triển khai Đề án “Huế- Kinh đô Áo dài” đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa - Anh 1

Ngày càng có nhiều du khách mang áo dài truyền thống tham quan di sản Huế

Theo đề án, mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh Áo dài Huế qua các thời kỳ. Cũng trong thời gian tới, sẽ tổ chức định kỳ “Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế” trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là dịp Festival Huế. Xây dựng bộ truyền thông về Áo dài; tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế- Kinh đô Áo dài”; hình thành một sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế.

Đến năm 2030, sẽ hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo Áo dài phục vụ khách du lịch. Ban hành tối thiểu một chính sách hỗ trợ phát triển Áo dài Huế. Đặc biệt, hoàn thiện hồ sơ Nghề may đo Áo dài và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để các chương trình, kế hoạch của đề án được triển khai đồng bộ, đúng kế hoạch và hiệu quả, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực. Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu Áo dài Huế, mở rộng nghiên cứu đề xuất các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua việc sử dụng Áo dài thường xuyên trong các hoạt động đối ngoại; nghiên cứu việc đa dạng hóa chất liệu, màu sắc, kiểu cách để bắt nhịp thị hiếu thời trang, phù hợp với cuộc sống đương đại để Áo dài ngày càng phổ biến, được yêu thích nhưng vẫn luôn giữ được giá trị văn hóa truyền thống; nghiên cứu các giá trị liên quan đến Áo dài nam nhằm tôn vinh, quảng bá đúng với nội hàm văn hóa lịch sử từng có, góp phần hồi sinh quốc phục Việt. Xây dựng thí điểm khu phố may đo Áo dài để thu hút du khách khi đến Huế tham quan và mua sắm, đề xuất không gian Bảo tàng văn hóa Áo dài, tạo tính chuyên nghiệp và phát triển thị trường. Nghiên cứu các chế định, cách thức sử dụng trang phục Áo dài trong một số nghi lễ tín ngưỡng- tôn giáo phổ biến tại Huế…

Triển khai Đề án “Huế- Kinh đô Áo dài” đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa - Anh 2

Một chương trình nghệ thuật trình diễn áo dài truyền thống tại Huế

Tổ chức “Tuần lễ Áo dài Huế” định kỳ hàng năm, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế, với chuỗi hoạt động tri ân, quảng diễn, trình diễn Áo dài, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, kết hợp với các hình thức tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh hình ảnh Áo dài. Trong đó, huy động nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích, huy động sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng khi tham gia “Tuần lễ Áo dài Huế” với nhiều hình thức, nội dung hoạt động phong phú đa dạng, khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa, di sản ở Huế.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng các Sở, ngành liên quan xây dựng hồ sơ để xác lập quyền nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài” cho sản phẩm Áo dài của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, xây dựng các quy định quản lý, kiểm soát nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài”; xây dựng mô hình tổ chức quản lý và khai thác trên thực tế. Hình thành các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế.

Đề án cũng sẽ hướng đến thực hiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng và đề nghị phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước (Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú) cho các cá nhân có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân truyền dạy kỹ năng, bí quyết nghề may đo Áo dài truyền thống Huế trong các gia đình, nhà trường, câu lạc bộ... nhằm bảo vệ, gìn giữ di sản.

Theo quyết định, đề án có tổng kinh phí thực hiện là 535,5 tỉ đồng; trong đó phần lớn là nguồn lực từ xã hội hóa với hơn 524 tỉ đồng, ngân sách của địa phương hơn 11,1 tỉ đồng.

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc