Trao tặng di ảnh màu 10 cô gái Lam Hạ
VHO - Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2024), sáng 23.7 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), Tổ chức Trái tim Người lính Việt Nam phối hợp với CLB Mãi mãi tuổi 20, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Hội đồng Họ Đặng Việt Nam giới thiệu di ảnh 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ. Những tấm di ảnh vừa được phục dựng màu từ ảnh đen trắng.
Huyền thoại 10 cô gái Lam Hạ
Những năm 1965- 1967, địa bàn phường Lam Hạ (TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hiện nay) là một trong những trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt ở miền Bắc, vì có tuyến đường sắt và đường bộ tiếp tế cho chiến trường miền Nam, với mục tiêu chính là 2 cây cầu bắc qua sông Châu dành cho ô tô, xe lửa và cống 7 cửa đập Lạc Tràng giữ nước cho 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đó là giai đoạn bom đạn Mỹ trút xuống Hà Nam suốt ngày đêm. Lam Hạ được coi như “Đồng Lộc” thứ 2 ở Việt Nam.
Tham gia chiến đấu bảo vệ địa bàn này, Trung đội nữ dân quân Lam Hạ, được trang bị pháo phòng không tầm thấp 37 ly và 57 ly. Tuổi đời họ còn rất trẻ, chỉ từ 17- 20. Trong những trận chiến đấu ác liệt với máy bay Mỹ, lần lượt 10 nữ dân quân đã anh dũng hi sinh trong những năm 1966 - 1967…
Đầu tiên là trận ngày 1.10.1966, tại trận địa pháo cao xạ đặt cách cầu Phủ Lý khoảng 300m, 6 nữ pháo thủ dân quân là Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương đã anh dũng hi sinh.
8 ngày sau, ngày 9.10.1966, máy bay Mỹ điên cuồng tấn công trận địa phòng không đặt tại thôn Đường Ấm. Trong trận chiến này có ba nữ pháo thủ dân quân là Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh đã anh dũng hi sinh.
Gần một năm sau, ngày 7.7.1967, tại trận địa pháo đặt ở thôn Hòa Mạc, nữ dân quân Đặng Thị Chung đã chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, 10 cô gái Đồng Lộc là Thanh niên xung phong, đã dũng cảm hi sinh trong khi làm nhiệm vụ san lấp hố bom và bảo đảm giao thông tuyến lửa... Còn 10 cô gái Lam Hạ là dân quân trực tiếp chiến đấu, họ hi sinh khi ngẩng cao đầu trên mâm pháo, bắn trả máy bay Mỹ.
Nhưng đáng tiếc là còn rất ít người biết về huyền thoại 10 cô gái Lam Hạ. Ngay sau chuyến đi từ năm 2016, nhà văn Đặng Vương Hưng đã viết bài đăng trên facebook cá nhân; soạn thảo công văn của Quỹ Mãi mãi tuổi 20 đề xuất tổ chức hội thảo khoa học và đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Tiểu đội nữ dân quân Lam Hạ; phát động Cuộc vận động sáng tác văn - thơ - ca khúc và tượng đài về 10 cô gái Lam Hạ; giao lưu các nhân chứng lịch sử; cùng nhiều hoạt động ý nghĩa vào dịp ngày giỗ chung của 10 cô gái Lam Hạ…
Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết, đến nay, nhiều nội dung đề xuất đã thành hiện thực. Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, nhóm họa sĩ trẻ của Trái tim Người lính Việt Nam phối hợp với CLB Mãi mãi tuổi 20 vừa phục dựng màu di ảnh chân dung 10 cô gái Lam Hạ và một số liệt sĩ của CLB Mãi mãi tuổi 20 để giới thiệu, trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Nhật ký Trở về trong giấc mơ tiếp tục tái bản
Trong vô vàn những câu chuyện thời chiến, có một câu chuyện cảm động về mối tình của đôi trai tài gái sắc một thời xứ Hà Đông. Trước khi ra trận và hi sinh, Trần Minh Tiến là một cầu thủ bóng đá của đội tuyển trẻ Hà Tây và Đội bóng Sư đoàn 308. Còn chị Lưu Liên là một thiếu nữ xinh đẹp, diễn viên của Đoàn Văn công xung kích tỉnh Hà Tây.
Hai người có nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng trước sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, họ đã lựa chọn chia xa. Trong khoảng thời gian đó, họ vẫn trao cho nhau những tình cảm nồng thắm, nỗi nhớ nhung da diết, cùng nhau vượt qua những năm tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Xúc động hơn nữa, dù đã hi sinh từ năm 1968 nhưng hơn nửa thế kỷ qua, liệt sĩ Trần Minh Tiến vẫn được chồng và các con của người bạn gái năm xưa chấp nhận như một “thành viên” trong gia đình: có bàn thờ riêng, để mọi người cùng thắp hương nhân mùng Một, ngày Rằm theo lịch âm hằng tháng và “xin ý kiến” khi có công việc “đại sự”…
Cuốn sách Trở về trong giấc mơ được Nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu từ những trang sổ tay nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến (1945-1968). Bản thảo được viết trong khoảng thời gian từ tháng 11.1966 đến tháng 3.1968.
Qua những trang nhật ký, người chiến sĩ trẻ Trần Minh Tiến đã ghi lại những tháng ngày tập luyện gian nan, vất vả, để chuẩn bị cho cuộc hành quân vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Cuốn nhật ký nhỏ đã trở thành người bạn tâm tình, là nơi để người lính trẻ bộc bạch tâm tư, tình cảm sâu kín nhất của lòng mình.
Xuất bản năm 2005, do NXB Hội Nhà văn ấn hành, Trở về trong giấc mơ đã được NXB Công an Nhân dân tái bản lần đầu năm 2010 và nay tiếp tục được NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tái bản lần thứ 2.
Điều đặc biệt là trong lần tái bản năm 2024, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã làm mới Trở về trong giấc mơ bằng cách kết hợp sách giấy và sách điện tử, với nhiều trang có in các mã QR. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên được ứng dụng chuyển đổi số phục vụ bạn đọc.
Ngoài phần nhật ký, sách còn cung cấp thêm cho độc giả nội dung đầy đủ 109 bức thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến gửi cho người yêu là Vũ Thị Lưu Liên. Vượt trên những cảm xúc riêng tư của tình yêu đôi lứa, cuốn sách khơi nguồn cảm hứng giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến trường kỳ, nhiều hi sinh mất mát nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc cũng như hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước của thế hệ cha anh, để vững vàng bước tiếp trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, BTC đã trao tặng Tủ sách Đặng Thùy Trâm cho Trường THCS Lương Văn Nắm- tên vị lãnh tụ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Yên Thế cuối thế kỷ 19.
Là tủ sách thứ 3 được trao tại tỉnh Bắc Giang, nhưng là tủ sách thứ 14 được trao trên toàn quốc (kể từ tháng 11.2023), Tủ sách Đặng Thùy Trâm tại Trường THCS Lương Văn Nắm trị giá 100 triệu đồng, đã hoàn thành bước đầu và được bàn giao đúng dịp tháng 7 tri ân nhiều ý nghĩa.