Trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”
VHO - Tối 17.12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng” với chủ đề “Vang mãi khúc quân hành”.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, Cuộc thi Tìm hiểu 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng không chỉ là dịp để tri ân những đóng góp của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 80 năm qua mà còn là hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội, nghệ thuật rất lớn, góp phần khơi dậy sự quan tâm, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ; khơi dậy tinh thần sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; ca ngợi phẩm chất, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.
Đồng thời, góp phần thúc đẩy trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước, xây dựng Quân đội nhân dân thông qua việc tôn vinh những đóng góp của lực lượng quân đội.
Tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng nhờ sự nỗ lực của Ban Tổ chức kết hợp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, sau 40 ngày, cuộc thi đã khép lại với kết quả tốt đẹp ngoài mong đợi.
Đã có hơn 4000 người từ các tập thể, cá nhân trong cả nước gửi bài về tham dự. Thành phần tham dự cuộc thi khá đa dạng, họ là những văn nghệ sĩ, chiến sĩ quân đội, công an, cảnh sát biển, cán bộ, công chức, viên chức, cựu chiến binh, cán bộ nghỉ hưu, giáo viên, người dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên, doanh nhân…
Đặc biệt có cả cựu chiến binh cấp tướng, anh hùng lực lượng vũ trang tham dự. Bên cạnh đó, cuộc thi còn nhận bài dự thi của sinh viên thạc sĩ người Nga tại Viện Nghiên cứu Châu Á - Phi của Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov Moskva, sinh viên nước Liên bang Nga đang học tiếng Việt và sinh sống, làm việc tại Hà Nội, du học sinh Việt Nam ở học tập ở nước ngoài.
Tổng số bài viết, tác phẩm dự cuộc thi là 4008. Cụ thể, số lượng bài dự thi gửi qua đường bưu điện là 339 bài; số lượng bài dự thi gửi qua email của cuộc thi là 185 bài; số lượng bài tập thể là 3484 bài.
Qua công tác lựa chọn và chấm thi, Ban Giám khảo cho biết có nhiều bài thi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng tốt, bố cục chặt chẽ, cách thức thể hiện gần gũi, sinh động, sáng tạo, hấp dẫn người đọc.
Nhiều tác phẩm thể hiện sự công phu trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và sưu tầm tài liệu, hình ảnh, sáng tác văn học nghệ thuật về bối cảnh ra đời, quá trình xây dựng và trưởng thành cùng những truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, những thành tựu của Văn học nghệ thuật về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Tại Lễ trao giải, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất; 3 giải Nhì; 5 giải Ba; 10 giải Khuyến khích cùng các giải thưởng: Người dự thi cao tuổi nhất; Người dự thi nhỏ tuổi nhất có bài thi ấn tượng; Nhà giáo có bài thi ấn tượng nhất; Bài dự thi sáng tạo; Người nước ngoài có bài dự thi ấn tượng nhất; Anh hùng Lực lượng vũ trang cổ vũ cuộc thi; Cống hiến đặc biệt; Người truyền cảm hứng.
Trong đó, Ban Tổ chức nhận được bài dự thi viết tay, có kèm hình ảnh tư liệu minh họa của 2 tác giả cao tuổi là cụ Trần Quân Bảo sinh năm 1934 và cụ Nguyễn Trấn sinh năm 1936; các tác giả truyền cảm hứng cho cuộc thi như thương binh 1/4 Nguyễn Đức Nguyên, cô giáo người đồng bào dân tộc Co Hoàng Thị Ngọc Thúy; tác giả có bài thi chuẩn bị dày công, kỹ lưỡng, đồ sộ như bộ 8 quyển album, mỗi quyển dày khoảng 1000 trang có nội dung chi tiết, hình ảnh tư liệu sinh động của tác giả Nguyễn Ngọc Thu; hay bài dự thi sáng tạo của tác giả Lưu Quỳnh Trang gồm phần nội dung trả lời và bộ tranh vẽ minh họa cho từng câu hỏi...
Ban Tổ chức cũng vinh danh các tập thể với các giải: Tập thể dự thi xuất sắc nhất; Tập thể trường Tiểu học đầu tiên phát động và có nhiều bài dự thi nhất; Trường phổ thông cơ sở có hình thức tham dự cuộc thi ấn tượng nhất; Trường Tiểu học có nhiều cán bộ, giáo viên dự thi nhất; Đơn vị Lực lượng vũ trang có đông người dự thi nhất; Đơn vị có nhiều cán bộ cấp cao quân đội, công an dự thi nhất; Tập thể có đông cán bộ hưu trí trung, cao cấp dự thi nhất; Đơn vị có nhiều nhà văn nữ dự thi nhất; Đơn vị có nhiều nhà thơ dự thi nhất.