Trái tim tình nguyện nơi đảo xa

VHO - Trước khi đến Côn Đảo, tôi chỉ biết hòn đảo tù từng mệnh danh “địa ngục trần gian” này đang dần khởi sắc, trở thành hòn ngọc kiệt tác giữa Biển Đông, với một màu xanh quyến rũ. Cho đến khi được gặp gỡ, nghe câu chuyện kể từ những con người yêu đảo, bám đảo nơi này, tôi mới biết Côn Đảo còn có nhiều màu xanh khác nữa. Màu xanh của những trái tim tình nguyện, của những chàng trai chẳng ngần ngại vai khoác ba lô lên đường khi còn không biết Côn Đảo ở đâu, khi đảo còn hoang vắng đến mịt mùng.

Trái tim tình nguyện nơi đảo xa - Anh 1

Anh Trương Văn Út kể câu chuyện gần 30 năm gắn bó với Côn Đảo

Anh bảo: “Riết rồi ở mãi, vì yêu và muốn làm điều gì đó cho hòn đảo ngọc…”

Ngỡ đâu thoả chí tang bồng

Nắng, gió Côn Đảo giữa những ngày cơn bão số một vừa qua khiến câu chuyện ký ức mà anh Trương Văn Út- trí thức trẻ tình nguyện ra xây dựng Côn Đảo gần 30 năm về trước kể với chúng tôi  càng cuốn hút hơn. Gần 3 thập kỷ, con số quá lớn trong cuộc đời một con người, lại bắt đầu từ những tháng năm tuổi trẻ tươi đẹp nhất, anh Út đã dành cả cho Côn Đảo. Ở tuổi trung niên nhưng ánh mắt, nụ cười và dòng ký ức như thác chảy vẫn được anh kể cho tôi nghe, như câu chuyện mới hôm qua. Không biết từ khi nào, chàng trai Trương Văn Út đã tình nguyện gắn bó cuộc đời với hòn đảo cách xa đất Sài Gòn đô hội- nơi mà trước đó, anh dự định sẽ gây dựng sự nghiệp của mình.

Anh Út đứng trên bãi cát trải dài trong khuôn viên khách sạn Tân Sơn Nhất, chỉ tay phía Cảng tàu khách Côn Đảo vừa khai trương hồi sáng, mắt vui lấp lánh: “Em biết không, Côn Đảo giờ khác lắm so với ngày anh Út ra đây…”. Năm 1995, khi mùa hè tình nguyện đưa Ánh sáng văn hoá hè đến với người dân chỉ mới bắt đầu, khi Trương Văn Út vẫn đang miệt mài đứng lớp xoá mù chữ ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), cán bộ Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh thông báo và vận động anh tham gia Đội trí thức trẻ tình nguyện xây dựng Côn Đảo, theo dự án của Trung ương đoàn và Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh phát động. “Các anh nói Út tốt nghiệp chuyên ngành văn hoá mà Côn Đảo thì đang rất thiếu cán bộ làm văn hoá, Út đi đi…”, anh nhớ lại. Côn Đảo 28 năm trước trong tâm trí chàng trai mới ra trường còn mơ hồ lắm, đến nỗi anh Út ngày đó còn tưởng đâu Côn Đảo có xa đến mấy thì khi nhớ nhà cũng có thể tự bắt xe mà về.

Trái tim tình nguyện nơi đảo xa - Anh 2

Trương Văn Út là cái tên cuối cùng trong danh sách 14 trí thức trẻ tình nguyện ra Côn Đảo ngày ấy

Không biết Côn Đảo ở đâu, nhưng trong thâm tâm hai chữ Tình nguyện thôi thúc, và dường như cái chí tang bồng tuổi trẻ đã khiến anh Út gật đầu. Bao dự định ở lại Thành phố tráng lệ phút chốc thay đổi. “Dự án đi hai năm. Có lúc nghĩ hai năm ấy dài thăm thẳm, tôi do dự, nhưng rồi lại tự động viên mình. Cứ nghĩ đi hai năm rồi trở về, cũng như những mùa hè tình nguyện mang ánh sáng văn hoá đến cho người dân nghèo vậy. Nhưng không ngờ rằng, sau chuyến đi ấy tương lai của mình đã rẽ sang một ngã hoàn toàn khác…”, anh Út trầm tư, mắt xa xăm nhìn biển cả.

Trương Văn Út là cái tên cuối cùng trong danh sách 14 trí thức trẻ tình nguyện ra Côn Đảo ngày ấy. Cảnh sắc và cuộc sống hoang sơ khiến cậu trai trẻ hoang mang bật khóc. Cảm giác lo lắng đến sợ hãi khi suốt dọc đường từ sân bay về trung tâm không có lấy một ngôi nhà. “Sài Gòn tráng lệ của tôi giờ xa quá, trước mắt chỉ là hoang vắng, những tiếc nuối cứ tràn trong tâm trí. Tôi nói với các anh Thành đoàn chiều đó Út sẽ theo các anh về đất liền, nhưng tất nhiên là không được…”. Máy bay cất cánh, Út bật khóc. Những ngày đầu trên đảo, anh kể mình “mít ướt hoài”. Cái tuổi trẻ trung, sôi động nhất thì chàng trai lại sống những ngày lặng lẽ, ở nơi mà chỗ nào cũng thưa thớt bóng người.

Dần dà, quen đảo. Trương Văn Út bắt đầu trăn trở với câu hỏi mà ngay khi bắt đầu cuộc hành trình, rất nhiều người đã hỏi anh: Ra Côn Đảo để làm gì? Út tự hỏi: “Mình sẽ làm gì đây cho Côn Đảo?”. Trái tim anh từ ngày đó đã bắt đầu đập nhịp đập của Côn Đảo, hòn đảo tiền tiêu Tổ quốc.  Chắc anh cũng không tự mình nhận ra, chuyến đi ấy, tình yêu ấy không chỉ để thoả chí tang bồng.

Vọng cổ, đờn ca trên đảo

“Ở riết rồi cũng quen. Với những gì được học ở trường, tôi quan sát Côn Đảo và nghĩ cách phải làm gì đó để đời sống tinh thần trên đảo vui hơn. Côn Đảo buồn hiu hắt, người vắng, hoạt động văn hoá thưa thớt. Vào dịp kỷ niệm, lễ Tết, người ta chỉ lên sân khấu hát thô mộc, không dàn dựng. Nhưng có điều, tinh thần yêu văn nghệ của dân Côn Đảo thì cao lắm, họ cần có món ăn tinh thần để thêm yêu mến, kiên trì bám đảo…”, nghĩ vậy, anh Út bắt tay vào làm. 

Trái tim tình nguyện nơi đảo xa - Anh 3

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Côn Đảo có lớp kịch nói đầu tiên. Anh bảo, trước khi tư vấn mở lớp, Côn Đảo chỉ có duy nhất lớp kịch nói do các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam tù đày tự tổ chức trong chốn tù ngục. Lớp kịch nói đầu tiên trên đảo rất đông, trên 60 học viên, từ bộ đội, hải quân ra đa, lính biên phòng đến cán bộ, công chức, viên chức, học sinh… Sau lớp học, các học viên được Sở VHTT cấp giấy chứng nhận. “Tôi tiếp tục gây dựng phong trào vừa ca hát, vừa diễn kịch. Những chương trình đầu tiên được dàn dựng công phu giúp trình độ thưởng thức văn hoá nghệ thuật của người dân Côn Đảo dần được nâng cao. Tôi nhớ có chương trình biểu diễn đầu tiên trên đảo, bà con mê lắm. Nhiều chương trình khi kết thúc bà con không về, họ tìm tôi nói rằng sao chương trình ngắn vậy, họ muốn coi nữa….”, anh Út xúc động.

Từng sân khấu mộc mạc mà thấm tình trên hòn đảo xa xôi dần nhen lên những đốm lửa ấm áp, để tâm tư, tình cảm và những nhiệt huyết tuổi trẻ của lứa trí thức tình nguyện như anh Út dành hết cho Côn Đảo. Những gương mặt háo hức, những tràng pháo tay rộn ràng không dứt khiến Trương Văn Út thấy mình cần cống hiến nhiều hơn nữa để giúp Côn Đảo giàu có về đời sống tinh thần. “Tôi gần gũi với người dân Côn Đảo nhiều hơn, len lỏi trong từng địa bàn khu dân cư để xem họ thích gì, đam mê gì để khuây khoả nỗi nhớ nhà. Trong cộng đồng dân cư tứ xứ tụ hội về Côn Đảo, người miền Tây nhiều nhất, họ mê vọng cổ, đờn ca tài tử, chập cải lương, dân ca, những ca khúc cách mạng… Tôi đi sâu khai thác những loại hình này, nghiên cứu hài hoà với văn hoá, khí chất vùng biển đảo”, anh Út chia sẻ.

Trái tim tình nguyện nơi đảo xa - Anh 4

Anh Trương Văn Út, ảnh: Nhân vật cung cấp

Liên tiếp các lớp ca vọng cổ, đờn ca tài tử được mở sau đó, bồi đắp không gian văn hoá văn nghệ vốn rất thiếu thốn trên đảo. Những thanh âm, giai điệu của vọng cổ, của đờn ca tài tử mênh mang sông nước miền Tây vang lên giữa đất trời Côn Đảo, ngọt ngào đến thế. Từ những lớp học văn hoá văn nghệ do anh Út khởi xướng, phong trào phát triển, Côn Đảo thường xuyên có tiết mục đưa về đất liền dự thi và đạt giải cao. Anh Út thì thỏ thẻ: “Tất cả để góp phần cho Côn Đảo giữ gìn, phát huy danh hiệu huyện văn hoá. Hơn nữa, cuộc sống có nhạc, có ca thì sẽ vui hơn…”.

 Biển là nhà, đảo là quê hương, anh Út trùng giọng, Côn Đảo giờ đã là quê hương thứ hai của anh. Trả lời tôi câu hỏi vì sao anh quyết định gắn bó quãng đời đẹp nhất của mình ở Côn Đảo, Trương Văn Út tâm sự, từ khi biết Côn Đảo ở đâu thì trong trái tim anh luôn trỗi dậy một cảm xúc vô hình, thôi thúc giữ chân anh ở lại.  “Côn Đảo là mảnh đất thiêng, nơi có hơn 20 ngàn anh hùng liệt sĩ đã nằm lại giữa trùng khơi, hi sinh thân mình cho Tổ quốc và còn rất nhiều nữa những chiến sĩ cách mạng vượt ngục tù Côn Đảo nhưng không may mắn nằm lại dưới lòng biển khơi. Điều đó thôi thúc tôi ở lại để góp sức mình cho Côn Đảo, để anh linh những người đã ngã xuống trên mảnh đất này vui hơn, ấm áp nhiều hơn …”, anh Út nói, và chỉ tay ra ngoài khơi xa.

Tạm biệt Côn Đảo và những câu chuyện dài như không có hồi kết của người trí thức trẻ tình nguyện năm xưa, chúng tôi còn được anh Út khoe mình sắp về đất liền tham dự kỷ niệm 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của Thanh niên TP. Hồ Chí Minh. Chưa kịp viết về  anh trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm, vẳng bên tai chúng tôi vẫn là câu nói nhỏ nhẹ của anh giữa muôn trùng sóng gió, “mới đó mà đã 30 năm rồi!...”

PHƯƠNG ANH, ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc