TP.HCM sẽ triển khai nhiều dự án lớn, mang tính biểu tượng

TRẦN THẾ THUẬN, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM

VHO - Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa và thể thao là một trong những mục tiêu trọng tâm trong chiến lược phát triển của ngành văn hóa và thể thao TP.HCM. Thành phố luôn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này, với mong muốn thu hút nguồn lực từ trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao, cũng như xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao tầm cỡ, đa năng và hiện đại.

TP.HCM sẽ triển khai nhiều dự án lớn, mang tính biểu tượng - ảnh 1
Công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán đang tu bổ giai đoạn 2

 Trong kỳ trung hạn 2021- 2025, TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư công cho 105 dự án văn hóa - thể thao, trong đó có 67 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, HĐND TP.HCM cũng đã thông qua 23 dự án để kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Nhằm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sở VHTT TP.HCM đã phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan triển khai 17 dự án đầu tư với quy mô lớn, tạo dấu ấn riêng, độc đáo, mang tính biểu tượng của thành phố trong tiến trình phát triển và hội nhập. Cụ thể, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có 7 dự án; Lĩnh vực bảo tàng - di tích: 3 dự án; Lĩnh vực thể thao: 7 dự án.

Trong 17 dự án, có một số công trình tiêu biểu như: Rạp xiếc và Biểu diễn đa năng Phú Thọ: Công trình này bao gồm một khối công trình chính với 12 tầng, diện tích 3.910m² và sân khấu có sức chứa 2.000 chỗ. Công trình đã khởi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4.2025. Đây sẽ là nơi tổ chức các chương trình nghệ thuật phong phú, từ dân tộc đến hiện đại, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Xiếc và Múa rối. Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng: Công trình mới gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích hơn 8.551m², với hệ thống trưng bày hiện đại sử dụng công nghệ thông tin. Dự án nhằm tôn vinh hình ảnh Chủ tịch Tôn Đức Thắng và khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Công trình đã hoàn thành công tác an vị phòng tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

TP.HCM sẽ triển khai nhiều dự án lớn, mang tính biểu tượng - ảnh 2
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành VHTT TP.HCM (tháng 10.2024). Ảnh: QUỐC THANH

Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán: Dự án này tái hiện và bảo tồn khu di tích nơi đồng chí Trần Phú hy sinh (giai đoạn 1). Dự án khởi công vào tháng 12.2023 và hoàn thành vào tháng 4.2024. Công trình mang giá trị lịch sử - văn hóa để giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục thế hệ trẻ về những hy sinh, đóng góp của Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương - nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với đó là các công trình như: Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM; Cung Văn hóa Thiếu nhi TP.HCM; Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch tại Thủ Thiêm; Công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM; Cải tạo, nâng cấp 6 công trình thể thao: Bao gồm các sân vận động, nhà thi đấu, và trung tâm thể thao, các công trình này sẽ hoàn thành để phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ X vào năm 2026.

Đối với Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch tại Thủ Thiêm: Dự án với quy mô 1.700 chỗ ngồi đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc quốc tế. Thiết kế của công trình lấy cảm hứng từ hình ảnh ngôi sao năm cánh, tượng trưng cho nghệ thuật và sự sáng tạo của TP.HCM… Những dự án này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân mà còn khẳng định vị thế của TP.HCM trong quá trình hội nhập và phát triển.

Những năm qua, việc thực hiện các chiến lược và quy hoạch phát triển ngành VHTT đã góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, thể thao trong thực tiễn. Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, thể thao đến năm 2030 và các chiến lược, đề án, quy hoạch đã giúp nâng cấp, cải tạo và xây mới một số nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, công trình thi đấu, luyện tập thể thao… có chất lượng cao, tầm cỡ lớn, tính chất hiện đại và hệ thống thiết chế ở cơ sở đã phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và cơ bản đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, thể thao của nhân dân. Tuy nhiên, sự phát triển của các thiết chế văn hóa, thể thao vẫn còn một số hạn chế. TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, tuy nhiên sự phát triển của các công trình văn hóa và thể thao chỉ khoảng 1,5 công trình/vạn dân; định mức chỉ tiêu quy hoạch xây dựng vẫn còn thấp; không gian công cộng bị thu hẹp; quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao là 2.826 ha (đạt tỷ lệ 1,35% quỹ đất của thành phố)…

Cùng với đó, nhiều chính sách ưu đãi, mang tính đặc thù của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao chỉ ghi nhận mang tính nguyên tắc, còn phụ thuộc vào các pháp luật chuyên ngành có liên quan khác như đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch… Mặc dù Nghị quyết số 98 đưa ra cơ chế đột phá cho các dự án hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các thủ tục hành chính phức tạp và thay đổi thường xuyên. Một ví dụ điển hình là Khu Liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc (186,78 ha), dù đã được quy hoạch nhưng vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, gây khó khăn trong việc mời gọi đầu tư.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần phải đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao không chỉ là những công trình đơn lẻ mà là các cụm công trình, khu liên hợp đa năng, hiện đại, tích hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí, phát triển công nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch, và kích cầu đầu tư. Vì vậy, thành phố cần sớm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khu Liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc để đảm bảo phát triển thể thao và đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu thể thao tại thành phố. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc