TP.HCM: Kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử Nam Bộ

VHO - UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức Kỷ niệm 10 năm ngày UNESCO chính thức ghi danh loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (5.12.2013-5/12.2023). Chương trình do Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố là đơn vị thực hiện.

TP.HCM: Kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử Nam Bộ - Anh 1

Trình diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ tại TP.HCM

Theo đó, chương trình Kỷ niệm sẽ diễn ra vào 19h ngày 8.12.2023, tại Khu A, Công viên 23/9, Quận 1, với các hoạt động: Trao tặng Bằng khen của UBND TP.HCM đến các nghệ nhân Đờn ca tài tử trên địa bàn TP; trao giải Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ TP.HCM, giải “Hoa sen vàng” và chương trình nghệ thuật đặc biệt. Chương trình được trực tiếp truyền hình - truyền thanh và phát trên các hạ tầng truyền thông số.

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm này, TP.HCM cũng sẽ tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn TP.HCM" vào sáng ngày 8.12, Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ TP.HCM giải "Hoa sen vàng" lần thứ VI năm 2023 và các hoạt động khác.

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đây là loại hình nghệ thuật của đờn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động. 

TP.HCM: Kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử Nam Bộ - Anh 2

Các nghệ nhân Đờn ca tài tử trình diễn phục vụ công chúng tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM

Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt). Về sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm…

Nghệ thuật Đờn ca tài tử hiện đang được phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam Việt Nam là: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, TP.HCM và Vĩnh Long. 

Đờn ca tài tử Nam Bộ là sản phẩm văn hóa phi vật thể của Nam Bộ, vừa mang tính bác học,vừa mang tính dân gian gắn liền với mọi sinh hoạt cộng đồng dân cư Nam Bộ. Với những giá trị về văn hóa, giáo dục và khoa học, Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào ngày 5.12.2013.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc