Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII:
Tôn vinh 122 tác phẩm báo chí xuất sắc
VHO - Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII – năm 2023 sẽ được tổ chức trọng thể vào tối ngày 21.6 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam), phát thanh trực tiếp trên VOV1 (Đài Tiếng nói Việt Nam). Tại Giải lần này, 122 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trao giải.
Sáng 19.6 Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Họp báo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII – năm 2023.
Giải Báo chí Quốc gia hằng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà; là dịp tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm, theo Quyết định số 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải Báo chí quốc gia và Quyết định số 1694/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia.
Qua 18 năm tổ chức, đến nay, Giải tiếp tục nhận được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của 18/21 Liên chi hội, 30/223 Chi hội trực thuộc, đặc biệt là 63/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố... Số tác phẩm của tác giả không phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 127 tác phẩm. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải, sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, năm nay, số lượng tác phẩm gửi về dự Giải là 1905 tác phẩm. Trong đó, có 1827 tác phẩm đủ điều kiện theo quy định. Quá trình chấm Sơ khảo được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng hướng dẫn và quy chế của Hội đồng Giải. 11 Tiểu ban của Hội đồng Sơ khảo đã làm việc công tâm, hoàn thành chấm Sơ khảo đúng thời hạn, đạt chất lượng tốt.
Quá trình chấm Chung khảo được thực hiện đúng Điều lệ Giải và quy chế làm việc, thể thức bỏ phiếu của Hội đồng Giải. Trong số 165 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII.
Cũng theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, nhìn chung các tác phẩm tham dự Giải năm nay có chất lượng tốt. Hầu hết các tác phẩm bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng trong năm 2023 trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng… Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, bố cục chặt chẽ, cách thể hiện gần gũi, sinh động. Nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan toả, ảnh hưởng trong xã hội, hấp dẫn được bạn đọc.
Các tác phẩm cũng đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện lớn, vấn đề quan trọng của đất nước với những mảng đề tài nổi bật như nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020 - 2030; công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc; các đề tài về văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng các thiết chế văn hóa tại cộng đồng; bảo vệ các giá trị văn hóa trong thời kỳ mới; các vấn đề về bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Các vấn đề xã hội nóng cũng được đề cập như vụ khủng bố tại Đắk Lắk, chống tham nhũng trong ngành đăng kiểm, hệ lụy của chung cư mini, nạn cắt xén bữa ăn bán trú của học sinh… Cùng với đó là những tác phẩm viết về những tấm gương người tốt việc tốt, những cán bộ “6 dám” nơi đất khó, những cô giáo dân tộc, những sứ giả đại ngàn… với nghĩa cử cao đẹp, có tính thuyết phục, lay động lòng người.
Điểm nổi bật năm nay chính là các sản phẩm báo chí đa phương tiện được đầu tư công phu, hấp dẫn. Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện và các hình thức báo chí sáng tạo nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận của công chúng.
Ngoài các cơ quan báo chí ở trung ương, một số báo, đài địa phương cũng có thay đổi trong cách chọn chủ đề, đề tài và triển khai theo phương thức mới mẻ, hiện đại, được đánh giá cao cả về chất lượng và hình thức thể hiện. Có thể thấy, qua mỗi mùa giải, chất lượng tác phẩm dự thi càng ngày càng tốt hơn, khoảng cách giữa báo chí trung ương và báo chí địa phương ngày càng được thu hẹp.
Bước sang năm thứ XVIII, đồng thời là năm thứ 99 báo chí cách mạng Việt Nam, uy tín của Giải Báo chí Quốc gia tiếp tục được khẳng định vững chắc. Giá trị và hình ảnh Giải được lan tỏa rộng khắp các cấp Hội và các hội viên. Nhiều Liên Chi hội, cấp Hội lớn vẫn duy trì được chất lượng tác phẩm dự Giải tốt như Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Bộ Công an, Báo Quân đội nhân dân, Hội Nông dân Việt Nam…
Bên cạnh đó, nhiều Hội Nhà báo cấp tỉnh đã đầu tư từ công tác chọn đề tài đến hỗ trợ nâng cao chất lượng và tuyển chọn tác phẩm dự Giải như Hội Nhà báo TP. Hà Nội, Hội Nhà báo TP.HCM, Hội Nhà báo Tỉnh Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thái Bình…
Ảnh báo chí mùa giả năm nay có nhiều tác phẩm tốt hơn năm trước, nhiều bộ ảnh thể hiện tính phát hiện đề tài, cách thể hiện chuyên nghiệp, tuy nhiên ảnh đơn còn ít và yếu. Những tác phẩm xã luận, bình luận, chuyên luận hiện nay vẫn chưa nâng cao được số lượng và chất lượng…
Năm nay, vẫn còn tình trạng một số đơn vị gửi tác phẩm chưa đúng hướng dẫn, nhiều cấp Hội gửi tác phẩm rất muộn. Một số địa phương chưa dành thời gian nghiên cứu, lựa chọn những tác phẩm thật sự xuất sắc, nổi trội…
Thông tin về công tác tổ chức Lễ trao giải, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, công tác tổ chức Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII sẽ được đặc biệt chú trọng để sự kiện đặc biệt này hấp dẫn, cuốn hút hơn. Bên cạnh chương trình trao giải còn có chương trình biểu diễn nghệ thuật, hoạt động bên lề... Mục tiêu đặt ra là nhân vật trung tâm của Lễ trao giải phải là các nhà báo. Ông cũng mong muốn các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để lan toả mạnh mẽ sức ảnh hưởng của Giải.