Tọa đàm về thực trạng việc tang trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2024
VHO - Từ ngày 9-14.12, Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc tọa đàm về thực trạng việc tang trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận và tìm kiếm giải pháp nhằm thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang lễ, đồng thời đánh giá thực trạng và những vấn đề còn tồn tại trong công tác tổ chức tang lễ tại các địa phương.
Đây là hoạt động triển khai thực hiện hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh theo tinh thần kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 26.6.2024 của UBND tỉnh Sóc Trăng.
Các cuộc tọa đàm được tổ chức tại 4 địa điểm gồm thành phố Sóc Trăng, huyện Kế Sách, thị xã Ngã Năm và huyện Trần Đề, với tổng cộng 427 đại biểu tham dự.
Đại biểu tham gia tọa đàm là lãnh đạo, công chức các phòng Văn hóa và Thông tin, UBND các xã, phường, thị trấn, các trưởng ban công tác mặt trận, cùng đại diện các đội và ban nhạc lễ trong tỉnh.
Thành phần diễn giả tại các tọa đàm gồm đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Liên đoàn Lao động tỉnh và Phòng Quản lý văn hóa và gia đình thuộc Sở VHTTDL.
Các diễn giả đã giải đáp những câu hỏi, trao đổi ý kiến và lắng nghe các ý kiến đóng góp từ phía đại biểu về các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức tang lễ và việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc tang.
Tổng hợp từ 4 cuộc tọa đàm, đã có 12 tham luận, 18 câu hỏi chính thức và hàng chục câu hỏi trao đổi giữa các đại biểu và diễn giả.
Các vấn đề được thảo luận chủ yếu xoay quanh thực trạng việc tang trên địa bàn tỉnh, việc triển khai và thực hiện Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25.11.2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội, cùng với Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm bài trừ, phòng ngừa những biến tướng trong việc tổ chức tang lễ, đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội khi tiến hành các nghi thức tang lễ cho người thân khi qua đời ở thành thị và nông thôn hiện nay.
Phát biểu giải trình tại các tọa đàm, ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh rằng hiện nay phần lớn các gia đình khi có người thân qua đời đều thực hiện đúng thủ tục khai tử và thông báo cho chính quyền địa phương.
Tang lễ được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm và phù hợp với khả năng của từng gia đình. Các nghi thức tang lễ ngày càng được thực hiện văn minh, giảm thiểu thời gian lưu giữ thi hài quá 48 giờ.
Xu hướng hỏa táng cũng đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong cộng đồng người Khmer, khi họ thường chọn hình thức này khi có người thân qua đời. Trong khi đó, người Kinh và người Hoa ở các khu vực thành phố và thị xã thường chọn mai táng tại các nghĩa trang nhân dân hoặc khu đất của dòng họ.
Tuy nhiên, ông Đâu cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại trong việc tổ chức tang lễ, còn tồn tại ở một số gia đình. Theo đó, họ vẫn còn giữ thói quen xem thầy số để chọn ngày, giờ khâm liệm và chôn cất người chết, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Ngoài ra, tình trạng rắc vàng mã trong lễ tang vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Ở các vùng nông thôn, nhiều gia đình vẫn giữ phong tục chôn cất người thân trên đất nhà, vì quan niệm rằng sống và chết gắn liền với mảnh đất của mình.
Cùng với đó, vẫn có tình trạng kéo dài thời gian tổ chức tang lễ do việc chọn ngày chôn không thuận lợi hoặc vì người thân từ xa không kịp về.
Từ thực tế trên, ông Phạm Văn Đâu đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tổ chức và tuyên truyền nếp sống văn minh trong việc tang.
Ông cũng nhấn mạnh rằng công tác tuyên truyền cần được triển khai rộng rãi, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và các cộng đồng dân tộc thiểu số. Việc này sẽ tạo ra dư luận xã hội, giúp thay đổi nhận thức và hành vi của từng cá nhân, từng gia đình, thúc đẩy hình thành các tập tục văn minh, tiết kiệm.
Điều này không chỉ giúp giảm bớt những hủ tục rườm rà mà còn rút ngắn thời gian tổ chức tang lễ, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương và giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình trong những thời điểm khó khăn này.