Tọa đàm truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong lĩnh vực văn hóa
VHO - Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 3317/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Tọa đàm truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội qua kết quả nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa.
Dự kiến, Tọa đàm sẽ diễn ra tại Hà Nội trong tháng 11.2024 với sự tham dự khoảng 150 đại biểu Ban, Bộ, ngành; đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL… Toạ đàm do Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.
Mục đích của việc tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội qua kết quả nghiên cứu, rà soát các VBQPPL trong lĩnh vực văn hóa nhằm kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của VBQPPL, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, triển khai có hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg, Quyết định số 2114/QĐ-TTg và Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch, Tọa đàm sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, truyền thông chính sách về đánh giá mức độ phù hợp, tính khả thi và hiệu quả thực tế của các quy định trong các VBQPPL đang điều chỉnh lĩnh vực văn hóa. Xác định rõ nội dung bất cập, hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan.
Trọng tâm là các nội dung được nêu trong báo cáo, phương án xử lý đối với các phản ảnh, kiến nghị về quy định vướng mắc, bất cập tại các văn bản quy phạm pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ VHTTDL.
Thứ hai, tham luận về dự báo bối cảnh, yêu cầu trong thời gian tới đòi hỏi việc hoàn thiện chính sách pháp luật về văn hóa; các kết luận, kiến nghị của các Hội nghị toàn quốc về văn hóa; các chiến lược, chương trình, đề án lớn của ngành Văn hóa trọng tâm là Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ; kinh nghiệm chính sách pháp luật về văn hóa của quốc tế có tính chất tương đồng, có thể nghiên cứu, áp dụng truyền thông.
Thứ ba, tham luận đề xuất giải pháp cụ thể xử lý kết quả nghiên cứu, rà soát theo hướng: không hoặc cần thiết sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong lĩnh vực văn hóa qua kết quả rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL để phát hiện vướng mắc, bất cập trong hệ thống VBQPPL theo yêu cầu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18.6.2024 của Chính phủ, kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh... nhất là các vấn đề phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sự linh hoạt, chủ động trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương, đồng thời đề xuất nhiệm vụ lập pháp mới trong lĩnh vực văn hóa để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Thứ tư, xây dựng nội dung video clip phóng sự truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội qua kết quả nghiên cứu, rà soát các VBQPPL trong lĩnh vực văn hóa kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của VBQPPL, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, triển khai có hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg, Quyết định số 2114/QĐ-TTg và Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để tổ chức thành công, Kế hoạch cũng đề ra yêu cầu việc tổ chức Tọa đàm phải được chuẩn bị chu đáo, tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan theo đúng Kế hoạch đề ra.
Đồng thời bảo đảm rộng rãi, tương tác đa chiều giữa chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản qua kết quả rà soát các VBQPPL trong lĩnh vực văn hóa.