Tiếp bài Báo chí với sứ mệnh truyền thông chính sách: Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả
VHO- Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan thông tấn báo chí. Điều này là hết sức cần thiết, bởi việc đại diện các cơ quan chủ trì soạn thảo, ban hành chính sách trả lời báo chí một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác sẽ khiến công chúng tin tưởng vào thông tin được truyền tải, từ đó giúp chính sách được lan tỏa rộng hơn…
Đẩy mạnh truyền thông chính sách văn hóa cũng chính là lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn hóa sâu rộng trong đời sống nhân dân
Ảnh minh họa
Chính sách phải mang hơi thở cuộc sống và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn
Cần phân định rõ vai trò, trách nhiệm giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan báo chí trong công tác truyền thông chính sách. Phía cơ quan chủ trì soạn thảo phải có kế hoạch truyền thông cụ thể, xác định rõ nội dung, thời điểm tuyên truyền; chủ động tiến hành biên soạn tài liệu nguồn đảm bảo thông tin trung thực, khách quan, kịp thời về nội dung cần truyền thông, đặc biệt là những vấn đề “nóng” đang được xã hội quan tâm để cung cấp cho cơ quan báo chí. Về phía cơ quan báo chí cũng phải chủ động phối hợp, nắm bắt các kế hoạch, chương trình xây dựng chính sách của cơ quan chủ trì soạn thảo theo từng lộ trình, từ đó xây dựng kế hoạch truyền thông một cách phù hợp, khả thi và hiệu quả. Kế hoạch truyền thông phải có mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường được, xác định được thời gian thực hiện từng mục, từng giai đoạn một cách cụ thể.
Hai bên cần xác định rõ quan điểm truyền thông phải từ sớm, từ xa, đảm bảo xuyên suốt trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Ngay khi bắt tay xây dựng dự thảo, cần gợi mở những vấn đề mới đang được dư luận quan tâm, tác động nhiều đến đời sống xã hội để lấy ý kiến chuyên gia, người dân, các tổ chức thụ hưởng/chịu tác động trực tiếp từ chính sách, nhằm bảo đảm, phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí của người dân trong xây dựng và ban hành chính sách, để chính sách thực sự mang hơi thở cuộc sống và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.
Thực hiện tốt việc này đòi hỏi cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách cũng như cơ quan thông tấn, báo chí phải thiết lập được các đầu mối, bộ phận chuyên trách, thường trực, chuyên sâu, chuyên nghiệp về truyền thông chính sách; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục nhằm tạo thành cầu nối thông suốt hai chiều giữa các bên.
Trong bối cảnh kinh tế báo chí còn nhiều khó khăn, cần phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để tăng thêm nguồn lực tài chính, đảm bảo duy trì nguồn kinh phí ổn định cho công tác truyền thông chính sách. Đặc biệt, rất cần sự đầu tư mạnh mẽ trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để cơ quan báo chí có thể giành lại thị phần người dùng với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, từ đó làm chủ luồng thông tin, dẫn dắt, định hướng dư luận nhằm mang lại hiệu quả cho truyền thông chính sách. Cần thiết phải xây dựng bộ chỉ số công cụ đo lường để đánh giá hiệu quả công tác truyền thông cho từng loại hình báo chí, từng phương thức thể hiện...
Đẩy mạnh truyền thông chính sách văn hóa chính là lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn hóa
Để những chủ trương, chính sách “thấm” vào người dân một cách tự nhiên, không khô khan, gò ép, cứng nhắc, việc lựa chọn phương thức, hình thức thể hiện có thể được xem là một “thao tác nghệ thuật” trong công tác truyền thông. Mỗi loại hình báo chí cần phải có những cách thức tuyên truyền riêng để có thể tạo bản sắc, thế mạnh theo đặc trưng từng thể loại.
Với thế mạnh sở hữu khối lượng lớn người dùng và khả năng tương tác cao của các nền tảng mạng xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách và cơ quan báo chí không thể bỏ qua công cụ hết sức hữu hiệu này để phục vụ cho công tác truyền thông chính sách. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng mạng xã hội cho công tác này đặc biệt hiệu quả. Mỗi lĩnh vực cũng cần có cách truyền thông riêng, hình thành điểm nhấn cho từng lĩnh vực. Trong một số trường hợp nhất định, có thể sử dụng các loại hình văn học, nghệ thuật để “mềm hóa” những văn bản khô cứng. Các cơ quan báo chí cũng nên cân nhắc việc kết hợp với người có uy tín, người nổi tiếng, người của công chúng trong công tác truyền thông chính sách với những hình thức thể hiện sinh động, hấp dẫn. Và điều kiện tiên quyết là dù làm theo phương thức, hình thức nào cũng đều cần có sự đầu tư công phu, phương pháp bài bản, khoa học, phù hợp với từng tình hình, hoàn cảnh, điều kiện...
Công tác truyền thông chính sách trên các cơ quan báo chí thời gian tới cũng rất cần sự cân đối giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Đặc biệt, đối với lĩnh vực văn hóa - một lĩnh vực có nhiều chính sách tác động lớn đến đời sống, xã hội. Chính sách văn hóa là thành tố quan trọng, tạo động lực cho chính sách kinh tế - xã hội nói chung phát triển; đồng thời có ý nghĩa lớn trong việc sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực về con người để phát triển đất nước. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, có thể thấy chưa bao giờ văn hóa được quan tâm như hiện nay, và cũng chưa bao giờ văn hóa đạt được nhiều thành tựu như hiện nay. Đẩy mạnh truyền thông chính sách văn hóa cũng chính là lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn hóa, để văn hóa trở thành động lực của sự phát triển, là sức mạnh nội sinh, như lời Bác Hồ căn dặn: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi!
Có thể nói, thực hiện tốt công tác truyền thông sẽ mang lại nguồn lực, sức mạnh to lớn để tạo nên hiệu quả cho việc xây dựng, ban hành và thực thi chính sách. Báo chí cách mạng Việt Nam với tư cách là công cụ tuyên truyền của Đảng, là diễn đàn của nhân dân chắc chắn sẽ là một kênh thông tin chủ lực, truyền hơi thở “nóng hổi” để chính sách đi vào đời sống, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Chính sách văn hóa là thành tố quan trọng, tạo động lực cho chính sách kinh tế - xã hội nói chung phát triển; đồng thời có ý nghĩa lớn trong việc sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực về con người để phát triển đất nước. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, có thể thấy chưa bao giờ văn hóa được quan tâm như hiện nay, và cũng chưa bao giờ văn hóa đạt được nhiều thành tựu như hiện nay. Đẩy mạnh truyền thông chính sách văn hóa cũng chính là lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn hóa, để văn hóa trở thành động lực của sự phát triển, là sức mạnh nội sinh, như lời Bác Hồ căn dặn: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi! |
NGUYỄN ANH VŨ