Tọa đàm khoa học “Danh nhân Đặng Huy Trứ với Hội An”
VHO - Các tham luận tại tọa đàm góp phần nhận diện và làm rõ hơn mối thâm tình sâu sắc của danh nhân Đặng Huy Trứ với vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung, cũng như giá trị của những di sản mà ông để lại nơi đây.
Ngày 20.8, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Danh nhân Đặng Huy Trứ với Hội An”.
Tham dự tọa đàm có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ, Trường Đại học Thăng Long (Hà Nội), Trường Đại học Quảng Nam, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, Chi hội Văn nghệ Dân gian Quảng Nam, Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam, Chi hội Khoa học Lịch sử Hội An,… Đại diện hậu duệ danh nhân Đặng Huy Trứ tại Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An
Đây là hoạt động được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày mất của danh nhân (7.8.1874 - 2024), đồng thời hướng đến kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.
Qua đó, góp phần nhận diện và làm rõ hơn mối thâm tình sâu sắc của danh nhân Đặng Huy Trứ với vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung, cũng như giá trị của những di sản mà ông để lại nơi đây.
Danh nhân Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) tự là Hoàng Trung, hiệu là Vọng Tân, Tĩnh Trai, quê ở làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà (nay là phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Được sinh ra và giáo dưỡng trong gia đình có truyền thống hiếu học, khoa cử, quan trường nên từ nhỏ Đặng Huy Trứ nổi tiếng là người tư chất thông minh học giỏi, hiếu lễ.
Năm 18 tuổi (1843) ông thi đỗ Cử nhân, năm 22 tuổi (1847) đỗ Tiến sĩ và được chọn vào thi Đình, do dùng chữ phạm huý trong bài thi nên ông bị cách học vị tiến sĩ và cử nhân, sau đó ông được tham dự khoa thi Hương và đỗ Giải nguyên.
Do những trắc trở nên mãi từ sau năm 1856 ông mới bắt đầu sự nghiệp quan lộ của mình và trở thành một trong những vị quan nổi tiếng thời Nguyễn, có nhiều đóng góp đối với lịch sử dân tộc, được đánh giá là một nhà cải cách thực hành của nước ta vào giữa thế kỷ 19.
Ông giữ nhiều chức vụ trong triều đình nhà Nguyễn như Thông phán Ty Bố chính Thanh Hoá, Tri huyện Quảng Xương (Thanh Hoá), Tri phủ Thiên Trường (Nam Định), Hàn Lâm viện trước tác...
Năm 1864, ông được bổ nhiệm giữ chức Bố chánh Quảng Nam. Với tài năng, đức độ trong lúc làm quan, Đặng Huy Trứ đã có những kế sách giúp người Quảng Nam vượt qua hạn hán và nạn đói lúc bấy giờ.
Đặc biệt bằng tài năng văn chương, chữ nghĩa nên Đặng Huy Trứ được mời soạn thảo lời văn để khắc lên bia đá lưu truyền hậu thế tại một số di tích ở Hội An. Ngoài ra, ông cũng đã để lại nhiều trước tác thơ văn liên quan đến mảnh đất này.
“Trong cuộc đời của mình, danh nhân Đặng Huy Trứ đi làm việc, công cán ở nhiều địa phương, mỗi nơi ông đều để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân. Song có lẽ với vùng đất Hội An, Quảng Nam, Đặng Huy Trứ có mối thâm tình sâu sắc. Và vùng đất này cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sự nghiệp, tư tưởng cách tân của ông”, ông Quảng Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An chia sẻ.
Qua kết quả khảo sát, một số di tích ở Hội An còn lưu giữ các dấu tích, bút tích của ông như hoành phi “Quan ư hải giả nan vi thủy” và văn bia tại Văn chỉ Minh Hương, văn bia tại Chùa Ông, nhà thờ chi phái tộc Đặng ở Hội An, bản khai hành trạng thiền sư Quán Thông,… và những sáng tác thơ văn về Hội An.
Những dấu tích, bút tích này là nguồn tư liệu có giá trị khoa học để nghiên cứu, làm rõ hơn những vấn đề lịch sử - văn hóa nói chung và những đóng góp của Đặng Huy Trứ nói riêng đối với Hội An.
Việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn các ấn phẩm về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đặng Huy Trứ được thực hiện từ khá sớm. Ngoài ra, đã có 2 hội thảo liên quan về Đặng Huy Trứ được tổ chức vào năm 1993 và năm 2018 tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
2 chủ đề chính tại tọa đàm lần này là: Di sản và đóng góp của Đặng Huy Trứ đối với Hội An, Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung; Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản (bút tích, di tích,…) của danh nhân Đặng Huy Trứ ở Hội An, Quảng Nam.
Qua đó tiếp tục bổ sung, công bố những kết quả, tư liệu nghiên cứu mới về danh nhân Đặng Huy Trứ với vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung. Góp phần nhận diện, làm rõ hơn giá trị về các di sản cũng như đóng góp của danh nhân Đặng Huy Trứ đối với vùng đất này.
Theo ông Trần Văn An, Chi hội Khoa học Lịch sử Hội An, danh nhân Đặng Huy Trứ đã để lại dấu ấn sâu sắc ở Hội An và ngược lại, Hội An cũng đã có những tác động nhất định đến cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ. Những tháng ngày sống ở Hội An, hoạt động buôn bán nhộn nhịp ở đây có lẽ đã ảnh hưởng đến tầm nhìn để Đặng Huy Trứ đề xuất thành lập Ty Bình Chuẩn ở Hà Nội nhằm kinh doanh buôn bán, gây dựng tài chính quốc gia với những quan điểm rất tiến bộ.
“Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc sử khảo đã đánh giá Đặng Huy Trứ là “một trong những người trồng cái mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”. Cái mầm khai hóa này sẽ được các sĩ phu xứ Quảng kế thừa, phát triển mạnh mẽ ở các phong trào Việt Nam quang phục hội, Đông Du, Duy Tân sau này làm lung lay nền móng thống trị của thực dân Pháp và tay sai”, ông An nhấn mạnh.
Theo ThS. Nguyễn Hữu Phúc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: Là một vị quan có nhiều công lao dưới triều Nguyễn, riêng đối với Quảng Nam, Đặng Huy Trứ cũng để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp thông qua nhiều công việc trên nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục trong thời gian ông trấn nhậm nơi đây.
"Mặc dù làm quan ở Quảng Nam không bao lâu nhưng những đóng góp quan trọng của Đặng Huy Trứ đã góp phần vào sự ổn định và phát triển Quảng Nam. Đây được coi là một dấu ấn mà Đặng Huy Trứ đã để lại trên đất Quảng, xứng đáng là một danh nhân văn hóa kiệt xuất dưới thời Nguyễn", ông Phúc nhấn mạnh.
Ngoài các tham luận trình bày tại tọa đàm, đại biểu tham gia tọa đàm cũng có nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, gợi mở hướng tiếp cận mới, những vấn đề đặt ra và đóng góp nhiều ý tưởng có hàm lượng khoa học cao giúp cho các cơ quan quản lý ở địa phương có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này trong thời gian tới được tốt hơn.