Thanh Hoá:
Tổ chức lễ hội tôn vinh Nhà sử học Lê Văn Hưu
VHO - Việc phục dựng và tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Văn Hưu theo kịch bản lễ hội không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh Nhà sử học Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam mà còn tạo ra tiền đề để tổ chức lễ hội một cách bài bản, nghiêm túc, đúng truyền thống.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản về việc thống nhất tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá.

Cụ thể, lễ hội sẽ được tổ chức tại Di tích quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung.
Thời gian diễn ra từ ngày 22.3 đến hết ngày 24.3 âm lịch hằng năm; lấy ngày 23.3, ngày húy kỵ của Nhà sử học Lê Văn Hưu làm chính lễ.
Phần lễ bao gồm: Ngày 22.3 có nghi thức mở cửa đền, lễ mộc dục; rước lễ, tiến lễ của các thôn, ngõ xóm, con cháu dòng họ Lê, các bản hội, các đơn vị trong và ngoài xã Thiệu Trung; rước kiệu, tiến lễ tại lăng mộ Lê Văn Hưu; lễ khai bút, khen thưởng, trao thưởng.
Ngày 23.3 là ngày chính lễ gồm: Lễ dâng hương, tuyên đọc chúc văn, diễn văn khai mạc lễ hội, đánh trống khai mạc và chương trình nghệ thuật sân khấu hoá. Buổi chiều tổ chức tế nam. Ngày 24.3 tổ chức tế tạ (tế giã).
Phần hội sẽ tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm, giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống, các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.
Trưng bày giới thiệu phiên bản tư liệu mộc bản; trưng bày tái hiện lịch sử giáo dục và khoa cử Nho học thời Trần, giáo dục và khoa cử Nho học Việt Nam.
Thi tìm hiểu về Nhà sử học Lê Văn Hưu và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thi đấu thể thao, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống.
Trước đây, vào ngày 23.3 Âm lịch hàng năm, chính quyền địa phương cùng bà con Nhân dân và con cháu dòng họ tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Văn Hưu để tưởng nhớ công lao của Nhà sử học Lê Văn Hưu.
Do sự biến thiên của lịch sử cũng như thời kỳ bài phong, phản đế, việc thực hiện nghi lễ bị gián đoạn, vì vậy, nghi thức lễ hội bị mai một, chưa đầy đủ nghi lễ, quy mô tổ chức chỉ dừng lại cấp xã.
Việc phục dựng và tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Văn Hưu theo kịch bản lễ hội không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh Nhà sử học Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam mà còn tạo ra tiền đề để tổ chức lễ hội một cách bài bản, nghiêm túc, đúng truyền thống.

Thông qua các nghi thức trang trọng cùng những hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, lễ hội góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tái hiện tinh thần xây dựng nước, giữ nước của cha ông.
Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh quê hương, thúc đẩy phát triển du lịch huyện Thiệu Hoá nói riêng, tỉnh Thanh Hoá nói chung.
Tại văn bản, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị kết hợp chặt chẽ để tổ chức lễ hội an toàn, trang trọng, đúng quy định, bảo đảm phát huy giá trị lịch sử và văn hóa di tích.
Giao Sở VHTTDL căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật, nhiệm vụ và quyền hạn được giao để hướng dẫn cụ thể cho cơ quan, đơn vị tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Văn Hưu về công tác chuẩn bị, tổ chức Lễ hội.
Đồng thời, có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội, đảm bảo lễ hội nêu trên được tổ chức đúng theo quy định và đạt hiệu quả cao nhất.
Kịp thời đề xuất và tham mưu, trình cấp có thẩm quyền chỉ đạo, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
Lê Văn Hưu sinh năm 1230 ở làng Phủ Lý (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi.
Ông đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Đinh Mùi (1247) đời vua Trần Thái Tông và được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình như: Kiểm pháp quan, Hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc sử viện giám tu, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải, tương đương với chức Thượng thư bộ binh sau này.
Trong thời kỳ làm quan của mình, ông được biết đến là người có học vấn uyên thâm, đức độ hơn người, được vào cung theo lệnh của vua Trần Thái Tông, giảng sách cho hoàng tử Quang Khải.

Không chỉ là nhà giáo, nhà chính trị, quân sự, nhà văn hoá lớn ở thế kỷ XIII, XIV, Lê Văn Hưu còn là người đặt nền móng cho Quốc sử dân tộc.
Bằng sự tinh anh và tài trí, ông đã soạn nên bộ “Đại Việt sử ký”, bộ sách gồm 30 quyển, trình bày diện mạo lịch sử nước ta qua gần 15 thế kỷ (từ năm 207 trước Công nguyên đến năm 1244).
"Đại Việt sử ký" ngay từ khi mới ra đời đã có những đóng góp xứng tầm vào những kỳ công xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa Vương triều Trần phát triển đến đỉnh cao huy hoàng.
Lê Văn Hưu đã để lại cho dân tộc Việt Nam một bộ Quốc sử quý giá, là cơ sở quan trọng cho các sử gia sau này.
Sau khi ông mất, phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông vẫn còn trên đất Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.
Năm 1990, đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận Di tích lịch sử quốc gia.
Từ năm 2018 - 2022, tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu với tổng mức đầu tư trên 29 tỉ đồng và khánh thành vào tháng 4.2022.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhà giáo Lê Văn Hưu đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn không chỉ của người Thanh Hoá mà nhiều nơi trong cả nước.