Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu

NGUYỄN LINH

VHO - Nghi thức rước kiệu là một trong những điểm nhấn đặc sắc tại lễ hội đền Bà Triệu, ngôi đền không chỉ là chứng tích lịch sử, văn hóa, tri ân, tưởng nhớ nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh mà còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, đồng thời là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 1
HNghi thức rước kiệu truyền thống đặc sắc tại lễ hội đền Bà Triệu

Sáng 21.3 (tức 22.2 Âm lịch), tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ hội đền Bà Triệu năm 2025, kỷ niệm 1.777 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22.2 năm Mậu Thìn 248 – 22.2 năm Ất Tỵ 2025).

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 2
Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 3
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá và đại biểu dự lễ dâng hương kính cáo Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh

Lễ hội truyền thống đền Bà Triệu là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa nhằm tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và các nghĩa sĩ trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Đây cũng là dịp quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu, qua đó nâng cao hiểu biết, trách nhiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 4
Nghi lễ tấu trình chúc văn, dâng hương tại Lễ hội đền Bà Triệu

Lễ hội đền Bà Triệu năm 2025, diễn ra trong 3 ngày từ ngày 20.3 đến ngày 23.3 (tức ngày 21.2 đến 24.2 Âm lịch) với các nghi lễ như lễ Mộc Dục, lễ Trình cáo, Tế lễ, lễ Yên vị; lễ dâng hương tại đền Bà Triệu; dâng hương tại lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng; lăng mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng; đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc).

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 5
Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện hình ảnh nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh trong cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô xâm lược
Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 6

Một trong những hoạt động độc đáo nhất được đông đảo người dân và du khách thập phương hào hứng chờ đón tại Lễ hội Bà Triệu là nghi thức rước kiệu.

Trong nghi thức này, ban tổ chức sẽ huy động hàng trăm trai tráng, đàn ông, phụ nữ có sức khỏe tốt để tiến hành rước 5 chiếc kiệu gồm: Kiệu Bà Triệu, kiệu Song Loan, kiệu Long Đình, kiệu Hương Án và kiệu Võng. 

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 7

Theo tục lệ, trước lễ hội, dân làng Phú Điền phải chọn những người rước kiệu là thanh niên hoặc đàn ông từ 18-35 tuổi, có sức khỏe tốt, cao lớn, bản thân và gia đình thanh sạch, không có tang và trước lễ hội ít nhất 1 tuần những người này phải giữ mình, không được làm những điều cấm kỵ.

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 8

Quá trình rước kiệu, họ sẽ đi vòng tròn, di chuyển trong nhiều giờ đồng hồ. Do phải di chuyển trong thời gian dài, những người tham gia rước kiệu sẽ được thay phiên nhau thực hiện. 

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 9
Trong 5 chiếc kiệu, nghi thức rước kiệu Võng sẽ do những người phụ nữ thực hiện

Khoảng 11 giờ 30 phút, ngày 21.3, sau nhiều giờ đồng hồ rước chạy vòng quanh sân đền, kiệu Bà Triệu được rước ra ngoài khu vực nghi môn nội và cổng Tam Quan về đình làng Phú Điền, đền Đệ Tứ, miếu Bàn Thề và Lăng mộ Bà Triệu cuối cùng về đình làng Phú Điền.

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 10

Sau đó, từ 7h sáng, ngày 23.3 (tức ngày 24.2 âm lịch), Ban tổ chức tổ chức lễ rước kiệu từ đình làng Phú Điền về khu đền Bà Triệu.

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 11
Đông đảo người dân và du khách thập phương đứng xem nghi thức rước kiệu ở lễ hội Bà Triệu

Cũng trong khuôn khổ lễ hội, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Thanh Hoá phối hợp với các đơn vị liên quan trưng bày pano ảnh giới thiệu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của khu di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu, Lễ hội Đền Bà Triệu và các di tích nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo sử sách, Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (còn gọi là Triệu Trinh Nương, Triệu Ẩn, Bà Triệu) sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ, tại vùng núi Quan Yên (nay thuộc xã Định Công, huyện Yên Định).

Căm thù lũ giặc tàn bạo, Bà Triệu đã cùng anh là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa, được Nhân dân khắp nơi nhiệt tình hưởng ứng.

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 12
Một trong những hoạt động độc đáo nhất được đông đảo người dân và du khách thập phương hào hứng chờ đón là nghi thức rước kiệu

Từ Quan Yên quê nhà, bà đã cùng nghĩa quân vượt sông Chu sang núi Nưa (Nông Cống, Triệu Sơn) xây dựng căn cứ, tích luỹ lương binh lập căn cứ lâu dài cho cuộc khởi nghĩa.

Năm 247, từ núi Nưa, nghĩa quân của bà đã tấn công thành Tư Phố và giành thắng lợi trọn vẹn.

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 13
Càng về trưa, lượng người càng đông

Trên đà thắng lợi, nghĩa quân tiến xuống Bồ Điền (Triệu Lộc, Hậu Lộc) cùng với Nhân dân địa phương xây dựng căn cứ lâu dài cho cuộc kháng chiến.

Trước tinh thần và khí phách của người con gái mới ngoài 20 tuổi, Nhân dân Cửu Chân (Thanh Hoá) đã nô nức gia nhập nghĩa quân của bà.

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 14
Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu

Từ căn cứ Bồ Điền, nghĩa quân đã tiến đánh các thành ấp của giặc Ngô khiến cho quan quân địch từ Thái thú đến Huyện lệnh, kẻ bị giết, kẻ phải tháo chạy trong cơn hoảng loạn.

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 15
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng đánh trống khai hội

Hoảng sợ trước thanh thế và sức mạnh của khởi nghĩa Bà Triệu, nhà Ngô đã phái Lục Dận, một tên tướng khét tiếng tàn ác cùng 8.000 quân với nhiều lâu thuyền hùng hổ kéo sang hòng đè bẹp cuộc khởi nghĩa.

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 16
Bên trong khu vực đền Bà Triệu, người dân và du khách thập phương thành tâm dâng hương cầu may mắn

Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, trong một trận giao tranh ác liệt, Bà Triệu đã anh dũng quyên sinh trong sự tiếc thương, kính phục của Nhân dân, vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn 248.

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 17
Lễ hội đền bà Triệu thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương

Để tưởng nhớ công đức của Bà, Nhân dân lập đền dưới chân núi Gai, xây lăng, dựng tháp trên đỉnh núi Tùng để hương khói phụng thờ.

Ngày nay, đền thờ Bà được Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đặc sắc nghi thức rước kiệu trong ngày khai hội đền Bà Triệu - ảnh 18
Đông đảo người dân tham quan trưng bày ảnh giới thiệu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của khu di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu, Lễ hội Đền Bà Triệu và các di tích nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Từ bao đời nay, Nhân dân Thanh Hóa, mà trực tiếp là Nhân dân làng Phú Điền (huyện Hậu Lộc) đã bảo quản, giữ gìn, tổ chức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tuân theo phong tục cổ truyền.

Trong đó, lễ hội đền Bà Triệu luôn thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham dự.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc