Thanh Hoá:

Ngày 21.3, khai mạc Lễ hội đền Bà Triệu

NGUYỄN LINH

VHO - Lễ hội đền Bà Triệu thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân, tôn vinh trước những cống hiến, hy sinh lớn lao của Bà Triệu và các nghĩa sĩ đối với công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc, đồng thời khơi dậy nét đẹp văn hóa, truyền thống lâu đời đậm đà bản sắc xứ Thanh.

Đây cũng là dịp quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu, qua đó nâng cao hiểu biết, trách nhiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo Sở VHTTDL Thanh Hóa, Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2025, kỷ niệm 1.777 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22.2 năm Mậu Thìn 248 – 22.2 năm Ất Tỵ 2025), được tổ chức quy mô cấp tỉnh, diễn ra từ ngày 20 - 23.3 (tức từ ngày 21 đến 24.2 âm lịch) tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc).

Trong đó, phần lễ gồm: Lễ mộc dục, lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị theo nghi thức cổ truyền từ ngày 20 - 23.3 (tức ngày 21-24.2 âm lịch năm Ất Tỵ); lễ dâng hương tại đền Bà Triệu ngày 21.3 (tức ngày 22.2 âm lịch năm Ất Tỵ).

Dâng hương tại lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng, lăng mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng, đền Đệ Tứ, miếu Bàn Thề, đình làng Phú Điền ngày 20.3 (tức ngày 21.2 âm lịch năm Ất Tỵ).

Ngày 21.3, khai mạc Lễ hội đền Bà Triệu - ảnh 1
Ngày 21.3, khai mạc Lễ hội đền Bà Triệu

Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2025 sẽ chính thức khai mạc lúc 8 giờ, ngày 21.3 (tức ngày 22.2 âm lịch năm Ất Tỵ) theo nghi thức truyền thống, trang trọng, thành kính và tôn nghiêm.

Cũng trong khuôn khổ lễ hội, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Thanh Hoá phối hợp với các đơn vị liên quan trưng bày pano ảnh giới thiệu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của khu di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu, Lễ hội Đền Bà Triệu và các di tích nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có uy thế trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.

Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu sau đó thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc ngày nay) vào ngày 22.2 năm Mậu Thìn 248.

Cuộc khởi nghĩa đánh quân Đông Ngô xâm lược của Bà Triệu tuy thất bại nhưng đã tạo nên mốc son sáng chói trong lịch sử, thể hiện tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Để tưởng nhớ công lao của Bà Triệu, người dân xã Triệu Lộc đã lập đền thờ, xây lăng mộ bà trên đỉnh núi Tùng, xây dựng đền thờ Bà Triệu trên núi Gai, dựng ngôi đình lớn ở giữa làng Phú Điền.

Qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều cho tu sửa đền miếu, ban sắc phong và quy định tế lễ với nghi thức quốc lễ.

Hằng năm, vào ngày giỗ Vua Bà (22.2 âm lịch), Nhân dân trong vùng và du khách đến dâng hương tại đền Bà Triệu, các điểm di tích và tổ chức nhiều nghi lễ, các hoạt động văn hóa, thể thao như rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà.

Trong đó, nghi thức rước kiệu (hay còn gọi lễ rước bóng) là nghi thức đặc sắc, quan trọng và linh thiêng bậc nhất, thu hút đông đảo người dân, du khách tham dự.

Điều đặc biệt khiến lễ rước kiệu trở nên độc đáo đó là hiện tượng “kiệu bay”.

Trải qua hơn 17 thế kỷ, Lễ hội Đền Bà Triệu là một trong những lễ hội lâu đời nhất, có sức lan tỏa sâu rộng nhất và giàu giá trị bậc nhất của xứ Thanh.

Năm 2014, Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.