Thúc đẩy công nghiệp văn hóa từ lễ hội pháo hoa

NGUYÊN ĐỨC - TẠ DŨNG

VHO - Trong kế hoạch hoạt động du lịch 2025, lễ hội Pháo hoa quốc tế (DIFF) được xem là một điểm nhấn quan trọng. Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) cho rằng chương trình này là một dự án đầu tư thúc đẩy công nghiệp văn hóa địa phương mang tính thực tiễn cao.

Tính đến nay, DIFF Đà Nẵng đã tổ chức được 12 lần. Những lần đầu tiên, lễ hội được tổ chức trong 2 ngày. Từ năm 2017, với sự tham gia của Sun Group, lễ hội đã thay đổi, kết hợp với nhiều hoạt động quảng bá văn hóa và du lịch. Tập đoàn này nhận diện, DIFF không đơn giản chỉ là một lễ hội, mà là một chiến lược công nghiệp văn hóa.

Định vị công nghiệp văn hóa

Năm 2008, Đà Nẵng tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa lần đầu tiên, với mục tiêu tạo sự kiện lớn, định vị thương hiệu văn hóa, cơ hội kinh tế, thu hút đầu tư… Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định cho phép Đà Nẵng tổ chức cuộc thi hàng năm, cũng là địa phương duy nhất trong các nước được tổ chức thi pháo hoa quốc tế không dùng ngân sách.

Thúc đẩy công nghiệp văn hóa từ lễ hội pháo hoa - ảnh 1

Từ đó, sự kiện pháo hoa đã được Đà Nẵng duy trì hàng năm bằng các gói tài trợ xã hội hóa, tạo tiếng vang lớn, thu hút nhiều đội thi của các quốc gia tham gia. Cuộc thi pháo hoa trở thành sự kiện văn hóa du lịch quy mô của Đà Nẵng, dần trở thành lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đến năm 2014, ảnh hưởng suy thoái kinh tế, công tác tài chính lễ hội gặp khó khăn, địa phương đã phải bàn bạc, thống nhất lại khâu tổ chức và từ năm 2016, chính thức giao lễ hội cho một doanh nghiệp đảm trách. Đó là Sun Group, nhà đầu tư đứng sau nhiều thành công của du lịch Đà Nẵng.

Doanh nghiệp này đã chấp nhận “gánh lỗ” cho sự kiện pháo hoa suốt 3 năm với tinh thần đồng hành cùng địa phương “tạo nên một điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu lục, xây dựng thương hiệu thành phố pháo hoa mang tầm quốc tế cho Đà Nẵng”.

Thúc đẩy công nghiệp văn hóa từ lễ hội pháo hoa - ảnh 2

Qua phương án tổ chức của Sun Group, cuộc thi pháo hoa đã trở thành lễ hội pháo hoa quốc tế, kéo dài 2 tháng với nhiều sự kiện cuối tuần sôi động, hấp dẫn. Đại diện tập đoàn này khẳng định, họ không phải tổ chức một lễ hội đơn giản, mà thực sự cùng TP. Đà Nẵng xây dựng công nghiệp văn hóa.

Doanh nghiệp này phân tích, khái niệm công nghiệp văn hóa giờ đây đã quen thuộc và có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Châu Á đã ghi nhận những sự kiện mang dáng dấp công nghiệp văn hóa, như các chương trình “Tống Thành thiên cổ tình”, “Ấn tượng Lệ Giang” ở Trung Quốc; “Miso show” ở Hàn Quốc…, hình thành hẳn những vùng văn hóa ở Trung Quốc, Thái Lan… Tại nước ta, công nghiệp văn hóa cũng là vấn đề được đặt ra và Đà Nẵng rất có vị thế với các sản phẩm hướng đến công nghiệp văn hóa, mà lễ hội pháo hoa là tiêu biểu.

Theo đại diện Sun Group, ngay khi khởi nghiệp tại Đà Nẵng vào năm 2017, tập đoàn đã luôn coi văn hóa là giá trị nòng cốt, để xây dựng các sản phẩm du lịch vừa tăng trải nghiệm cho du khách, vừa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, điển hình như khu du lịch Sun World Bà Nàn Hills với hàng loạt sự kiện lễ hội, show diễn hoành tráng; dự án Đà Nẵng Downtown với những hoạt động giải trí sôi động và trình diễn nghệ thuật đặc sắc.

Thúc đẩy công nghiệp văn hóa từ lễ hội pháo hoa - ảnh 3
DIFF đã trở thành thương hiệu văn hoá của Đà Nẵng

Tuy nhiên, để thực sự hướng đến tầm vóc công nghiệp văn hóa giá trị, tập đoàn này quyết định đầu tư vào lễ hội DIFF Đà Nẵng. Những giá trị thu được sau nhiều lần tổ chức đã nâng tầm lễ hội này “trở thành “thỏi nam châm” hút khách và là động lực thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế của địa phương.

Do đó, tập đoàn Sun Group chấp nhận thách thức, tổ chức DIFF liên tiếp 3 năm, chỉ tạm dừng do dịch bệnh trong những năm 2020 – 2022. Năm 2023, cùng với sự hồi phục du lịch, Sun Group lại tiếp tục tổ chức sự kiện, bền vững với tinh thần phải định vị được giá trị công nghiệp văn hóa ở Đà Nẵng.

Mở ra những cơ hội lớn hơn

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, sự kiện DIFF 2024 đã đạt hơn 1,5 triệu lượt khách tham gia, tăng 60% so với kỳ DIFF 2023. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành trong tháng 6.2024 đạt 16.344 tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2023. Đây là con số hồi phục giá trị, làm cơ sở để Sun Group cùng TP. Đà Nẵng kiên định với lễ hội ở góc cạnh đầu tư chiều sâu.

Đại diện tập đoàn này khẳng định, năm 2025 sẽ đánh dấu nỗ lực nâng tầm DIFF Đà Nẵng với nhiều điểm mới mẻ, nhằm nâng cao chất lượng và quy mô của lễ hội này. Doanh nghiệp còn lên kế hoạch mở nhiều hoạt động trong hệ sinh thái Sun Group tại Đà Nẵng, như Sun World Bà Nà Hills, Đà Nẵng Downtown… để tăng thêm các sản phẩm, dịch vụ tương hỗ cho sự kiện pháo hoa.

Thúc đẩy công nghiệp văn hóa từ lễ hội pháo hoa - ảnh 4
Sân khấu DIFF luôn sôi động, hấp dẫn du khách

Đại diện Sun Group cho rằng, để thuận lợi cho du lịch Đà Nẵng và nền công nghiệp văn hóa tại Đà Nẵng phát triển đột phá hơn, địa phương cần có những góc cạnh đánh giá và đầu tư mới trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần thúc đẩy dự án tổ hợp pháo hoa, tạo “hệ sinh thái” pháo hoa, từ xây dựng một quảng trường hoặc khán đài pháo hoa quy mô, đến thiết chế các hệ thống thương mại dịch vụ tương hỗ, để DIFF trở thành lễ hội bốn mùa của Đà Nẵng, trở thành một điểm đến pháo hoa quốc tế thực thụ.

Thứ hai, địa phương cần đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa, để thu hút nguồn lực đầu tư vào các sản phẩm du lịch văn hóa sở tại, tạo điều kiện về các thủ tục hành chính, hỗ trợ quảng bá truyền thông trong nước và quốc tế về xây dựng công nghiệp văn hóa Đà Nẵng.

Thứ ba, tăng cường và đổi mới công tác quảng bá xúc tiến du lịch địa phương, theo hướng tập trung vào các thị trường quốc tế tiềm năng mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch địa phương cùng xuất hiện tham gia, nâng tầm vị thế thương hiệu và cạnh tranh, từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội lớn để Đà Nẵng thành công hơn với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc