Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy kiểm tra công tác tổ chức Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2025
VHO - Chiều nay 5.2, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã kiểm tra công tác tổ chức Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã kiểm tra các địa điểm tổ chức sự kiện của Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2025 và có buổi làm việc với lãnh đạo Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy biểu dương những nỗ lực của Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong công tác chuẩn bị Ngày hội. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị Ban quản lý cần tiếp tục rà soát, kiểm tra, đôn đốc để Ngày hội được tổ chức thành công.

Tại buổi làm việc, ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã báo cáo về công tác chuẩn bị cho Ngày hội.
Theo ông Trịnh Ngọc Chung, Ngày hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc của cộng đồng 54 dân tộc, mang đến không khí Tết cổ truyền dân tộc phục vụ khách du lịch những ngày đầu xuân tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
“Hiện tại, công tác chuẩn bị, hậu cần, kịch bản chương trình đã được tính toán kỹ lưỡng, sẵn sàng cho khai mạc Ngày hội.”, ông Trịnh Ngọc Chung cho biết.

Theo đó, Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2025 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14 đến ngày 16.2 (tức ngày 17, 18, 19 tháng Giêng âm lịch) tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Ngày hội sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban ngành, đoàn thể và khoảng 200 đồng bào của 28 cộng đồng dân tộc thuộc 14 địa phương đại diện cho các dân tộc, vùng miền cùng đông đảo du khách.

Tại Ngày hội, sẽ diễn ra Chương trình bài ca mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Ất Tỵ, mừng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc tại Ngày hội, tặng quà cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc (nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…); tham gia các nghi thức, lễ hội của đồng bào các dân tộc và trồng cây lưu niệm tại làng dân tộc Mường.

Bên cạnh đó, tại Ngày hội cũng sẽ tái hiện nghi thức, lễ hội truyền thống, trình diễn di sản đặc sắc của đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” như:
Tái hiện nghi thức mở cửa tháp đầu năm mới của dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận; Tái hiện Lễ ăn mừng đầu lúa mới của dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận; Tái hiện Lễ hội Khai hạ và giới thiệu trình diễn Lịch Tre - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình…

Cùng với đó là chương trình “Hội xuân” tại Khu các làng dân tộc.
Người dân và du khách hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng với chủ đề “mỗi người trồng một cây xanh” tại không gian các làng dân tộc.

Du khách cũng được giới thiệu ẩm thực, các món ăn ngày Tết: bánh chưng, bánh tét, xôi nếp nương, gà quay, lợn quay, lạp sườn, rượu cần... (tại không gian các nhà dân tộc Thái, Mường, Lào, Mông, Dao, Tày, Nùng, Khơ Mú, Khmer).

Ngoài ra còn có các chương trình dân ca, dân vũ, dân nhạc về mùa xuân, các ca khúc hát về mùa xuân, ca ngợi quê hương đất nước, về Đảng, về Bác tại các làng dân tộc.
Hoạt động trò chơi dân gian “Hội xuân”: nhảy sạp, đi cà kheo, đánh đu... giao lưu tại không gian các nhà dân tộc phía Bắc: Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú cùng các dân tộc Tây Nguyên, Nam Bộ được kỳ vọng sẽ cộng hưởng tạo không khí vui tươi, phấn khởi.

Trong dịp này, khi đến Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách cũng được đắm chìm trong sắc phớt hồng hoa Tam giác mạch, sắc trắng của hoa mơ hoa mận, sắc đào Tây Bắc.