Các ấn phẩm của Tủ sách Huế:

Thiếu sức lan tỏa khi chưa xã hội hóa và phát hành rộng rãi

SƠN THÙY

VHO - Đề án Tủ sách Huế đã lan tỏa đến nhiều thư viện cộng đồng nhưng chỉ dừng lại ở địa bàn Thừa Thiên Huế. Nhiều ấn phẩm chất lượng của Tủ sách Huế được xuất bản, tái bản nhưng không phát hành ra thị trường nên nhiều người muốn mua cũng khó tìm được sách hay. Điều này liệu có lãng phí?

Thiếu sức lan tỏa khi chưa xã hội hóa và phát hành rộng rãi - ảnh 1
Du khách và bạn đọc quan tâm đến các ấn phẩm của Tủ sách Huế

 Sau hơn ba năm ra mắt Tủ sách Huế đến nay đã có 11 ấn phẩm được đánh giá cao và tuyển chọn để xuất bản. Tuy nhiên, những ấn phẩm của Tủ sách Huế chỉ mới dừng lại ở quy mô các thư viện trường học, thư viện cộng đồng, các điểm đọc sách trên địa bàn tỉnh chứ chưa thể lan tỏa sâu rộng đến bạn đọc cả nước và quốc tế.

Những ấn phẩm quý

Ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Tủ sách Huế được ra mắt từ năm 2021 với mục đích xuất bản những ấn phẩm tiêu biểu về Huế. Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Bộ TT&TT, Bộ VHTTDL, các Sở, ngành, địa phương các cấp và cộng đồng, nhiều ấn phẩm đã được xuất bản không chỉ góp phần giới thiệu thông tin hay về Huế mà còn quảng bá đến bạn đọc những giá trị văn hóa du lịch của địa phương.

Có thể kể đến những ấn phẩm giá trị mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã được tuyển chọn để ấn hành và đưa vào Tủ sách Huế, như: Địa chí Thừa Thiên Huế - phần Văn hóa; Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam; Nghệ thuật Ca Huế trong xã hội đương đại; Điện Thái Hòa - Kiến trúc và nghệ thuật - Biểu tượng khát vọng của triều Nguyễn; Vua Hàm Nghi - Hồi ức con đường El Biar;... Và mới đây nhất là hai ấn phẩm Huế - Kinh đô diệu kỳ (tập 1 và tập 2). Hai ấn phẩm này với tuyển tập gồm 40 bài nghiên cứu, khảo cứu đặc sắc về văn hóa Cung đình Huế của các học giả thuộc Hội Đô thành hiếu cổ (Association des amis du vieux Hué) đã từng được in ấn trong Tập san Đô Thành Hiếu Cổ trước năm 1945 bằng tiếng Pháp. Đây là một công trình rất có giá trị, nên Tủ sách Huế chọn lựa, phối hợp với nhà xuất bản tổ chức biên tập, hiệu đính để nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trình bày đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, các độc giả yêu Huế và quan tâm, nghiên cứu về Huế.

Những cuốn sách của Tủ sách Huế thực sự được đánh giá cao, có tính học thuật, nghiên cứu khoa học, mang nhiều thông tin có giá trị. Nhiều nhà nghiên cứu, bạn đọc yêu Huế rất muốn tiếp cận hoặc mua sách để lưu giữ hoặc làm quà tặng nhưng không có. Nếu những cuốn sách này được lan tỏa xa hơn, rộng hơn thì cơ hội quảng bá cho Huế còn lớn hơn nhiều. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin: Các ấn phẩm của Tủ sách Huế được in khoảng 500 bản/ấn phẩm, có sách in đến 1.000 bản. Các ấn phẩm được phát về phục vụ bạn đọc miễn phí tại thư viện các địa phương, thư viện tư nhân có không gian đọc cho cộng đồng, các trường đại học, cao đẳng, trường THPT, THCS; các điểm đọc sách cộng đồng ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, trong đó có nhiều cuốn sách hay nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, kể cả bạn đọc ở những địa phương khác nhưng gần như những ấn phẩm của Tủ sách Huế là không bán nên bạn đọc khó tiếp cận. Vấn đề xã hội hóa để xuất bản và phát hành đã được Sở rất quan tâm, vì điều này cũng sẽ góp phần tiết kiệm cho nguồn ngân sách, và một phần cũng phát hành rộng rãi hơn, lan tỏa sách hay của Huế đến cộng đồng.

Thiếu sức lan tỏa khi chưa xã hội hóa và phát hành rộng rãi - ảnh 2
Đến nay, Tủ sách Huế đã có 11 ấn phẩm giá trị nhưng chưa được phát hành rộng rãi

Cần sớm xã hội hóa

Đại diện các Sở, ngành được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ triển khai và phát triển Tủ sách Huế cũng thừa nhận rằng, nguồn kinh phí từ ngân sách rất hạn hẹp và không thể dành ngân sách lâu dài cho việc xuất bản ấn phẩm. Chính vì thế việc tìm nguồn lực cho Tủ sách Huế đã được tính toán thông qua việc thành lập Quỹ phát triển Tủ sách Huế. Quỹ được hình thành từ nguồn vận động quyên góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; đóng góp Quỹ từ nguồn thu phát hành xuất bản phẩm để xây dựng và phát triển Tủ sách Huế…

Thời gian gần đây, một số ấn phẩm hay về Thừa Thiên Huế do các cơ quan, đơn vị ở Huế thực hiện, là sách tham khảo không bán nhưng đã được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội với giá rất rẻ. Như “Bộ địa chí Thừa Thiên Huế” (gồm 4 cuốn) được rao bán chỉ với giá chưa đầy 400.000 đồng/ bộ; ấn phẩm “Sắc phong triều Nguyễn” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được rao bán với giá 169.000 đồng/quyển; bộ sách “Di sản văn hóa Huế - Nghiên cứu và bảo tồn” được rao bán với giá 299.000 đồng/bộ… Theo các đơn vị chuyên môn, đây là hiện tượng làm sách giả, lấy bản gốc photocopy phần nội dung và in bìa ngoài giống với sách thật rồi rao bán với giá rẻ.

“Lâu nay, việc xuất bản các ấn phẩm của Tủ sách Huế chủ yếu là nguồn của Nhà nước. Để phát triển lâu dài cần có nguồn tài trợ xã hội hóa và các bên liên quan, nhân lên số lượng ấn hành các ấn phẩm Tủ sách Huế để lan tỏa thông tin hay về Huế đến bạn đọc”, ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tỉnh và các đơn vị phụ trách đề án Tủ sách Huế phải có cơ chế rõ ràng trong việc liên kết xuất bản với các đơn vị xuất bản. Theo ông Phan Thanh Hải, có một số ý kiến lo sợ “mất bản quyền” khi xã hội hóa xuất bản ấn phẩm của Tủ sách Huế. Tuy nhiên, theo đây không phải là vấn đề mấu chốt. Xã hội hóa xuất bản ấn phẩm của Tủ sách Huế nhưng trước hết phải đảm bảo đủ số lượng sách cho các thư viện, trường học, không gian đọc trên địa bàn tỉnh rồi mới phát hành rộng rãi theo nhu cầu của các đối tác, đơn vị liên kết. Nếu họ in nhiều bản, sách bán được nhiều thì có nghĩa là Tủ sách Huế đến với độc giả nhiều hơn, sức lan tỏa và quảng bá rộng hơn.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam nhận định, Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu cả nước về phát triển Tủ sách liên quan đến văn hóa, lịch sử của tỉnh nhà. Đến nay, cả nước chưa có tỉnh, thành nào thành lập Tủ sách riêng của địa phương mình; một số tỉnh chỉ mới triển khai bộ sách địa chí. Ý tưởng phát triển Tủ sách Huế là đúng đắn và khả thi, nếu biết khai thác một cách hiệu quả. Về việc xã hội hóa xuất bản ấn phẩm Tủ sách Huế, bà Hoa Phượng cũng cho biết đơn vị sẵn sàng tham gia, nhưng tỉnh phải có các giải pháp, cơ chế phù hợp. Theo Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ, đối với những sách hàn lâm, nghiên cứu khoa học thì có thể dùng ngân sách nhà nước cấp phối hợp với các nhà xuất bản để cùng triển khai. Ngoài ra, có thể xã hội hóa bằng cách các nhà xuất bản, công ty sách tự bỏ kinh phí để làm những sách phổ biến kiến thức lịch sử và văn hóa Huế trên nguồn tư liệu mà Huế đã có.

“Cái chúng tôi cần là cơ chế, bởi các nhà xuất bản và các công ty sách khi tham gia công tác xã hội hóa thì phải chủ động hoàn toàn. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí”, bà Hoa Phượng nói. Theo bà Phượng, việc thẩm định ấn phẩm cho Tủ sách Huế còn quá chậm, mất công sức và thời gian của các đối tác. Tủ sách Huế được giao cho ba đơn vị Sở VHTT, TT&TT và Viện Nghiên cứu Phát triển nên việc phối hợp vận hành chưa hiệu quả, còn vướng mắc. Tỉnh nên đưa về một đầu mối phụ trách nhưng vẫn đảm bảo được hội đồng về thẩm định, xét duyệt ấn phẩm cho Tủ sách Huế. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc