Sửa đổi Luật Di sản văn hóa:

Tăng nguồn lực cho sự phát triển

HÀ PHƯƠNG

VHO - Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia văn hóa, di sản nhấn mạnh, một hành lang pháp lý được sửa đổi để bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa đang được trông đợi hơn bao giờ hết.

  Theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được các đại biểu cho ý kiến. Những thay đổi căn bản, cập nhật xu thế mới, hài hòa giữa bảo tồn và phát huy để di sản văn hóa thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển… đang là nội dung được quan tâm.

Tăng nguồn lực cho sự phát triển - ảnh 1
Di sản tư liệu sẽ được bổ sung những quy định cụ thể để bảo vệ, phát huy giá trị

Gỡ bỏ lúng túng

Di sản văn hóa hiện diện ở mọi nơi trong đời sống và ngày càng phát huy tiềm năng, trở thành tài sản vô giá cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, trước bối cảnh mới, yêu cầu phải cập nhật, sửa đổi hành lang pháp lý đã có từ hơn 2 thập niên qua để bắt kịp sự vận động, biến chuyển của xã hội; để điều chỉnh và cụ thể hóa những vấn đề còn vướng mắc, tạo thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản… đang được đặt ra vô cùng cấp thiết.

Thực tế cho thấy, một số quy định của luật hiện hành còn mang tính nguyên tắc chung chung, dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện. Trong chuyến khảo sát thực tế mới đây của nhóm phóng viên Văn Hóa về vấn đề bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia, chúng tôi nhận thấy không ít sự lúng túng của bảo tàng, di tích tại nhiều địa phương khi triển khai quy định bảo vệ, bảo quản theo chế độ đặc biệt đối với các bảo vật. Nhận thức giá trị quý hiếm của từng bảo vật, nhưng làm thế nào và như thế nào là chế độ đặc biệt, vẫn là câu hỏi không hiếm gặp. Theo Bộ VHTTDL, quy định mang tính nguyên tắc chung này sẽ cần phải rõ hơn. Tờ trình nêu rõ vấn đề: Quy định bảo vật quốc gia được bảo vệ, bảo quản theo chế độ đặc biệt nhưng chưa quy định cụ thể về việc bảo vệ, bảo quản sẽ được tiến hành như thế nào.

Một số quy định “chung chung” khác cũng sẽ được bổ sung rõ ràng về cơ chế thực hiện hơn, tháo gỡ lúng túng khi triển khai như: Quy định mua cổ vật thông qua thương lượng và đấu giá, quy định Nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua cổ vật; quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quy định nguồn lực xã hội hóa cho bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa… Cũng trong thực tiễn, nhiều vấn đề mới phát sinh nhưng luật hiện hành chưa điều chỉnh. Đơn cử, chưa quy định các hoạt động, cơ chế để thu hút, huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản. Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản rất thấp so với nhu cầu thực tế. Di sản tư liệu, di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh chưa có đầy đủ chương trình, đề án, kế hoạch để bảo vệ, phát huy giá trị. Hoạt động bảo tàng chưa được quan tâm, đầu tư kinh phí để xây dựng, cải tạo trụ sở, thậm chí cả cho việc mua sắm trang thiết bị thiết yếu để bảo vệ, bảo quản hiện vật…

Ngoài ra còn có những khoảng trống lớn trong hành lang pháp lý hiện hành cũng được kỳ vọng sẽ sớm tháo gỡ và lấp đầy khi Luật Di sản văn hóa sửa đổi được thông qua. Đó là việc thiếu vắng các quy định về di sản tư liệu; chưa có quy định về việc mua và đưa cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; quy định đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước; thiếu các quy định về chuyển đổi số di sản văn hóa; hợp tác công - tư…

Tăng nguồn lực cho sự phát triển - ảnh 2
Sẽ quy định cụ thể về chế độ bảo quản đối với bảo vật quốc gia tại LDSVH sửa đổi, ảnh Mộ thuyền Việt Khê, BVQG tại BTLSVN

Chuyển đổi số phải đáp ứng yêu cầu

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 102 điều; tăng 2 chương, 29 điều so với Luật hiện hành. Nhằm tháo gỡ những bất cập thực tiễn, dự Luật được Bộ VHTTDL nghiên cứu, hoàn thiện với nhiều nội dung cụ thể. Đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa là một trong những cơ sở thực tế khẳng định tính cấp thiết của việc cần sớm ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Từ năm 2013, UNESCO đã chính thức thông qua Hiến chương về Di sản số, trong đó khuyến khích các quốc gia xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa dưới dạng số nhằm mục tiêu tăng cường nhận thức, chia sẻ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Ở Việt Nam, trên nền tảng công nghệ số, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, Bộ VHTTDL cho biết, Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa cập nhật được những vấn đề về quản lý, hoạt động, bản quyền, lưu trữ… Do đó cần phải có những quy định mới để tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa theo nền tảng công nghệ số và hỗ trợ việc áp dụng thành tựu công nghệ kỹ thuật số… Đối với các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng, dự luật quy định việc được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở phạm vi trong nước để gia tăng giá trị di sản, chỉ cấm kinh doanh, mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; cấm kinh doanh, xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài.

Tờ trình của Bộ VHTTDL cho biết, dự luật cũng quy định một số biện pháp quản lý hiệu quả như: di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sưu tầm và trưng bày di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia; quy định hoạt động kinh doanh giám định di vật, cổ vật nhằm ngăn chặn hoạt động kinh doanh, mua bán trái phép di vật, cổ vật và làm mất mát di sản văn hóa… Nhằm phát huy giá trị bảo vật quốc gia, vấn đề đang được các bảo tàng, di tích sở hữu những tài sản vô giá này rất quan tâm, dự luật quy định rõ về yêu cầu bảo vệ bảo vật quốc gia; quy định về hoạt động bảo quản, sưu tầm, kiểm kê bảo vật; trưng bày bảo vật; bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia trong nhà truyền thống, nhà lưu niệm, nhà trưng bày; quy định đưa bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước và nước ngoài…

Những quy định này góp phần tháo gỡ nhiều bất cập đang đặt ra trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia tại nhiều địa phương trong cả nước.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu

Di sản tư liệu là một loại hình thuộc di sản văn hóa nhưng trước nay chưa được quy định bởi bất kỳ luật nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Lấp khoảng trống đó, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dành riêng một chương mới về bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản này.

Theo các chuyên gia di sản, với tầm quan trọng của di sản tư liệu, 11 điều được quy định tại Chương IV là rất cần thiết nhằm tháo gỡ những vướng mắc bấy lâu. Với những nội dung cụ thể, khi thông qua Luật, di sản tư liệu sẽ được bảo vệ và phát huy bởi một hành lang pháp lý chặt chẽ, chi tiết, từ phân loại, tiêu chí nhận diện di sản tư liệu đến kiểm kê, ghi danh di sản tư liệu; thẩm quyền, thủ tục ghi danh và hủy bỏ ghi danh di sản tư liệu; bảo quản di sản tư liệu; nghiên cứu di sản tư liệu và nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày di sản tư liệu thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng; phục chế di sản tư liệu. Dự luật cũng quy định rõ về quản lý, phát huy giá trị di sản tư liệu; việc lập đề án, dự án, kế hoạch và báo cáo định kỳ về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; đưa di sản tư liệu sau khi được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quy định về bản sao của di sản tư liệu…

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã cho thấy tầm nhìn bao quát, toàn diện, rõ những khoảng trống, vướng mắc để hoàn thiện cơ chế, chính sách; tạo điều kiện thuận lợi để phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân tộc, từng bước đưa di sản văn hóa trở thành tài sản, nguồn lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế quốc gia…