Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Dự án Luật Di sản (sửa đổi) sẽ tạo bước thay đổi căn bản ​

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Góp ý kiến cho dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 17.4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, dự án Luật đã được soạn thảo công phu, nghiêm túc.

Dự án Luật Di sản (sửa đổi) sẽ tạo bước thay đổi căn bản  ​ - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý cho dự thảo Luật

Về sự cần thiết phải sửa đổi Luật, Chủ tịch Quốc Hội nhấn mạnh, Luật Di sản văn hoá ban hành lần đầu tiên cách đây đã 23 năm sau đó đã được sửa đổi, bổ sung nhưng cũng đã cách đây 15 năm. Do đó việc sửa đổi Luật lần này là phù hợp.

“Nội dung của dự thảo Luật đã thể chế hoá hoá được chủ trương của Đảng về văn hoá nói chung và về di sản văn hoá nói riêng, nhất là sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì; tổng kết kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hoá; Hội thảo văn hoá 2022 về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

Dự án Luật Di sản (sửa đổi) sẽ tạo bước thay đổi căn bản  ​ - ảnh 2
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến tại phiên họp

Chúng ta cũng đã sửa đổi một số luật, gần đây là Luật Đất đai, Luật Lưu trữ và nhiều dự án Luật khác nhằm tạo điều kiện cho việc sửa đổi Luật Di sản văn hoá lần này cho đồng bộ hơn”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, dù mới là lần đầu xin ý kiến Quốc hội nhưng dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới. Ông cũng kỳ vọng dự án Luật sẽ tạo bước thay đổi căn bản trong việc quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Dự án Luật Di sản (sửa đổi) sẽ tạo bước thay đổi căn bản  ​ - ảnh 3
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hồng Thanh góp ý cho dự thảo Luật

Cơ bản tán thành các nội dung thẩm tra và các ý kiến tại phiên họp, góp ý về chính sách của nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển. Vì thế cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật, với tinh thần kiến tạo phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư, kinh tế văn hóa…

Dự án Luật Di sản (sửa đổi) sẽ tạo bước thay đổi căn bản  ​ - ảnh 4
Phiên họp diễn ra vào sáng 17.4

Cũng như nghiên cứu bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền… Ban soạn thảo cũng nên nghiên cứu, cân nhắc xem có nên tách riêng một chương quy định về loại hình di sản tư liệu hay không.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính tương thích, đồng bộ dự thảo Luật này với các luật trong hệ thống pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…

Ý kiến bạn đọc