Quảng Nam:

Tăng cường quản lý, phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa

KHÁNH CHI

VHO - UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường quản lý, phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa - ảnh 1
Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam

Theo đó, thực hiện Công văn số 3656 của Bộ VHTTDL về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn đề nghị:  

Sở VHTTDL, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa và các quy định về đầu tư, xây dựng trong việc triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, các dự án đầu tư, công trình trong khu vực bảo vệ di tích.

Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đúng quy trình, nội dung theo quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các sai phạm, vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích (nếu có); bảo đảm hài hoà giữa bảo tồn di sản văn hoá với phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

Tăng cường quản lý, phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa - ảnh 2
Quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam

Sở Tài chính, Sở VHTTDL, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn; bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định.

Góp phần giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đồng thời sớm tham mưu UBND tỉnh văn bản triển khai thực hiện Công điện số 77 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc.

Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 1230 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời báo cáo UBND tỉnh và Bộ VHTTDL về tiến độ và kết quả thực hiện.

Quảng Nam hiện có 458 di tích được xếp hạng bao gồm đầy đủ loại hình: lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh; trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 64 di tích cấp quốc gia và 390 di tích cấp tỉnh. Có 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc