Tản mạn về biển hiệu
VHO - Tôi đi vào một khu phố nọ, những tòa nhà cao ngất tầng trời, rất sang trọng, rất đẹp, thấy chỗ này ghi hotel, chỗ kia ghi restaurant, nơi khác ghi sea food. Ra phía vườn hoa thấy chữ Rendezvous; có biển Riverside Park khá to.
Thoáng chốc, tôi ngỡ như mình đang lạc bước vào một xứ trời Tây nào. Nhưng không phải. Nó nằm ngay ở trong nước. Nơi đây có nhiều khách phương Tây đến ở. Cái biệt danh “phố Tây” hẳn từ đó mà ra. Và cũng có thể là từ các biển hiệu nữa. Phố tràn ngập các biển hiệu tiếng Anh, thi thoảng có chỗ ghi chữ tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật…
Mà cũng không chỉ “phố Tây” mới tràn ngập tiếng nước ngoài. Tại các vị trí với tầm nhìn đắc địa, toàn bộ biển hiệu cũng đều ghi bằng tiếng Anh. Tôi nhớ khi xét duyệt các tấm biển quảng cáo, quy định đi liền với nguyên tắc đầu tiên là phải có tên tiếng Việt lớn nhất, nếu có tên tiếng nước ngoài thì phải ghi nhỏ hơn, bên dưới. Có người nêu ý kiến, mình sống trong thời kỳ hội nhập, phải cởi mở, không nên bảo thủ, ghi tiếng nước ngoài để tiện trong giao dịch quốc tế. Các dự án mang tên tiếng Anh đã được phê duyệt, thì biển quảng cáo cũng phải mang tên tiếng Anh, còn thắc mắc nỗi gì! Bây giờ thế hệ trẻ đã biết tiếng Anh nhiều rồi, đọc được cả, có trở ngại gì đâu! Nghe có vẻ có lý nhưng ngẫm ra sự thực chỉ là cái cớ vì nó không đúng quy định về quảng cáo, biển hiệu. Tôi nghĩ đến vấn đề ngôn ngữ đối với một quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, có khi trong một cộng đồng nào đó người ta phải đấu tranh để được công nhận một ngôn ngữ nào đó là ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ chính thức hay ngôn ngữ quốc gia. Ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là thông tin, mà quan trọng hơn, nó gắn bó mật thiết với ý thức dân tộc, niềm tự hào dân tộc, bảo tồn văn hóa, bản sắc dân tộc. Vậy tại sao ta lại có thể “vô tư” dùng tiếng nước ngoài giữa chốn công cộng như vậy? Tiếng Việt không hề thiếu từ thể hiện, chẳng hạn Riverside Garden là Vườn ven sông; Rendezvouz là Điểm hẹn hò, rất hay, nếu cần cho người nước ngoài dễ tiếp nhận, thì cứ ứng dụng nguyên tắc tiếng Việt trên, tiếng nước ngoài dưới, kiểu song ngữ, có sao đâu? Nếu đổ lỗi cho biển quảng cáo phải ghi toàn bằng tiếng nước ngoài do tên dự án đã ghi như vậy, thì phải điều chỉnh ngôn ngữ từ ngay ở dự án, sao lại không? Cho nên tôi thiển nghĩ, trường hợp dùng thuần túy tên nước ngoài ở đây thực chất là để… cho oai, để thiên hạ thấy rằng doanh nghiệp có… tầm vóc.
Cũng có nghĩa tâm lý tự ti vẫn đè nặng lên ta. Cái tai hại của những biển tên tiếng nước ngoài như trên rất vô hình nhưng thật không kể hết. Nó cứ sờ sờ ra trước mắt mọi người. Nó phản ánh đầu óc sùng ngoại. Nó làm cho người ta xa dần với tiếng Việt. Nó tạo nên ý thức tự ti trong công chúng. Xin đừng thêm những “phố Tây”, biển hiệu Tây kiểu ấy nữa. Hãy cứ là người Việt tiếng Việt… cho thiên hạ được nhờ! Nhân đây, cơ quan chức năng, chính quyền cần kiểm tra, chấn chỉnh để quy định biển hiệu đi vào nề nếp, đặc biệt là cần phải tôn vinh tiếng Việt dù nơi đó là “phố Tây”.