Sửa đổi để Luật Xuất bản phù hợp với sự phát triển trong thời đại mới

VHO – Sáng 25.11, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản 2012 để đánh giá tác động tích cực cũng như thẳng thắn nhìn nhận các thiếu sót về hành lang pháp lý. Tại Hội nghị các ý kiến cũng chỉ ra, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực, Luật Xuất bản năm 2012 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cũng như phát sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn.

Sửa đổi để Luật Xuất bản phù hợp với sự phát triển trong thời đại mới - Anh 1

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản 2012

Luật Xuất bản được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20.11.2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2013. 

Mang lại sinh khí mới cho ngành Xuất bản Việt Nam

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Qua 10 năm thi hành Luật, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã có sự phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân. Hội nghị là dịp để nhìn lại định hướng xuất bản trong thời gian qua; đánh giá sự đồng bộ, mối quan hệ tác động đến ngành; các văn bản quy định chi tiết; đồng bộ Luật Xuất bản với các văn bản hướng dẫn chi tiết, các Điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, từ đó chỉ ra vấn đề mới, vấn đề phát sinh còn khoảng trống pháp lý trong thực tế, hướng đến việc sửa đổi Luật Xuất bản trong thời gian tới.

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết: Trong 10 năm qua, nhịp độ tăng trưởng của hoạt động xuất bản được duy trì với mức tăng bình quân khoảng 6-8%/năm, đưa tỉ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người (chưa tính xuất bản phẩm nhập khẩu) đạt 4,6 bản/người vào năm 2019 (tăng 1,35 lần so với năm 2012). Cho đến năm 2021, khoảng 40% các nhà xuất bản (trừ một số nhà xuất bản chuyên ngành hẹp) đạt 200 đầu sách trở lên/năm, trong đó có 13 nhà xuất bản đạt trên 1.000 đầu sách/năm. Số lượng xuất bản phẩm nộp lưu chiểu ngày càng tăng. Năm 2021, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid 19 nhưng ngành xuất bản vẫn xuất bản được gần 40.000 đầu sách, trên 462 triệu bản sách (chưa kể sách điện tử). Chất lượng xuất bản phẩm có chuyển biến tích cực. Nội dung và thể loại xuất bản phẩm ngày càng phong phú, hấp dẫn, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Các thành phần liên kết xuất bản đã phát huy tính tích cực, tạo sự năng động trong việc tìm kiếm bản thảo, mua bản quyền, tổ chức phát hành cũng như sự chủ động nắm bắt thị trường. Hiện nay, ngoài việc liên kết về in và phát hành, có 55/57 nhà xuất bản có thực hiện liên kết trong tổ chức bản thảo (chiếm 96%), trong đó có 32/57 nhà xuất bản có tỷ lệ liên kết cao trên 70%, 20/57 nhà xuất bản liên kết 100%. Số lượng các đơn vị liên kết tổ chức bản thảo cũng tăng lên từ khoảng 40 đơn vị năm 2013 đến nay đã có trên 200 đơn vị thường xuyên tham gia liên kết tổ chức bản thảo.

Về hoạt động phát hành, đến nay, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid và những tác động rất mạnh của các hình thức kinh doanh xuất bản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, internet nhưng số lượng cơ sở phát hành xuất bản phẩm, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản vẫn tăng lên. Tính đến tháng 10.2022, cả nước có 505 cơ sở phát hành được cơ quan quản lý nhà nước cấp Giấy xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm, trong đó có 55 cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương cấp giấy phép hoạt động, chiếm hơn 10%, 13.500 điểm phát hành sách…

Có thể nói Luật Xuất bản năm 2012 đã mang lại sinh khí mới cho ngành Xuất bản Việt Nam, đưa ngành phát triển theo chiều rộng, bước đầu có những ấn phẩm đồ sộ và giá trị cao.

Tìm cách thắt chặt lại các vấn đề còn tồn tại trong dây chuyền xuất bản

Nhiều ý kiến tại Hội nghị cũng chỉ ra rằng, qua 10 năm triển khai thực hiện, Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn đã tạo đà tăng trưởng cho hoạt động xuất bản, in và phát hành của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Xuất bản bộc lộ một số hạn chế, trở thành rào cản cho sự phát triển của ngành trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

"Những năm gần đây, chúng ta đã có nền tảng xuất bản xuyên biên giới song pháp luật vẫn còn thiếu nhiều quy định. Việc xuất bản ra nước ngoài cũng cần nghiên cứu thêm để bổ sung hành lang pháp lý. Hội nghị này là dịp để “xới xáo” các vấn đề, tìm cách thắt chặt lại các “mắt xích” trong dây chuyền xuất bản," Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Các đại biểu đã góp ý một số nội dung của Luật chưa phù hợp với thực tế; đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng thi hành pháp luật về xuất bản. Theo đại diện NXB Trẻ, về chính sách của nhà nước đối với hoạt động xuất bản, Điều 7 Luật Xuất bản quy định xuất bản là ngành đặc thù, là nơi làm ra sản phẩm tinh thần cho xã hội. Tuy nhiên, doanh thu của ngành thấp, hiện chỉ ở mức trên dưới 3.000 tỉ đồng/năm, trong đó một tỷ lệ lớn tập trung vào một vài nhà xuất bản, số còn lại doanh thu thấp, thu nhập nhân  viên không cao, sức cạnh tranh  yếu và việc  tích  lũy để  đầu tư cho phát triển hầu như không có. Vì vậy, đề nghị nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực đặc thù này.

Sửa đổi để Luật Xuất bản phù hợp với sự phát triển trong thời đại mới - Anh 2

Luật Xuất bản năm 2012 còn nhiều mặt hạn chế trong việc quản lý xuất bản điện tử

Theo Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng, trong Luật Xuất  bản 2012 có quy định một số chế độ, chính sách ưu đãi đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành nhưng phần lớn các chính sách ưu đãi đó không được thực thi do không  đồng bộ với các bộ luật khác của Nhà nước. Vì vậy, việc xây dựng Luật Xuất bản cần có sự đồng bộ với các bộ luật khác, đặc biệt là về vấn đề ưu đãi, về thuế, tiền thuê đất…

Về cấp phép hoạt động in xuất bản phẩm, ông Dòng đề nghị thay đổi bằng hình thức đăng ký in xuất bản phẩm, chỉ nơi nào đăng ký mới được phép in xuất bản phẩm, bỏ tiêu chuẩn người đứng đầu. Ông cũng đề nghị chỉ quy định những vấn đề liên quan đến giấy phép xuất bản, đăng ký in xuất bản phẩm còn việc liên kết trong quá trình sản xuất, cơ sở in được quyền lựa chọn đơn vị liên kết như chế bản, gia công sau in, để tận dụng năng lực trong toàn ngành..

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Luật Xuất bản năm 2012 đã dành hẳn chương V để quy định về việc xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử, xác định đây là hình thức mới ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất bản hiện nay. Tuy nhiên, các điều khoản trong luật còn chưa theo kịp sự chuyển biến mạnh mẽ của loại hình xuất bản này. Vì thế ông Lê Hồng Sơn đề xuất, phạm vi khái niệm xuất bản phẩm điện tử cần được bổ sung làm rõ. Ví dụ, trên thị trường hiện nay, ngoài dạng sách điện tử (online) đã xuất hiện những hình thái khác như sách nói (audio book), video book... Do đó, các hình thái sách này cũng cần sớm luật hóa để căn cứ thực hiện đúng quy định.

Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo thì cho rằng, trong tổng số 12 nội dung của Luật năm 2012 quy định chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với 3 lĩnh vực trong hoạt động xuất bản (xuất bản, in và phát hành) sau 10 năm chúng ta chỉ thực hiện được rất ít với quy mô và hiệu quả cũng rất hạn chế. Vì thế cần nghiêm túc xem lại nguyên nhân do đâu: do chậm cụ thể hóa hay do tổ chức thực hiện? Do chính sách đưa vào trong Luật thiếu tính khả thi hay do thiếu sự đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan?.. “Tìm đúng nguyên nhân thì chúng ta mới đề xuất được với Nhà nước những chính sách thiết thực và khả thi. Bên cạnh việc rà soát đánh giá các chính sách của Nhà nước với hoạt động xuất bản trong Luật hiện hành”, ông Hoàng Vĩnh Bảo nói. Đồng thời ông cũng đề xuất cần căn cứ vào tình hình thực tế và xu hướng hiện nay để đề xuất những chính sách mới cho phù hợp, tạo đột phá trong hoạt động xuất bản trong giai đoạn tới…

Đại diện Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt đề nghị: Tại các Điều 37, 38, 39 của Luật Xuất bản cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục, giấy tờ trong việc cấp xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm, Giấy phép hoạt động kinh doanh  nhập xuất bản phẩm khẩu… Quyền tác giả, quyền bản quyền và quyền sở hữu cần được chú trọng và cần quy định chế tài mạnh hơn. Thực tế, việc in lậu sách, quảng cáo bán sách giả hiện vẫn đang tồn tại gây ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu các công ty làm xuất bản chân chính…

Bà Nguyễn Kim Thoa, người sáng lập hệ thống Nhà sách Tân Việt cho rằng quyền tác giả và quyền sở hữu cần được chú trọng và cần có chế tài xử phạt mạnh hơn bởi việc in lậu sách, quảng cáo bán sách hiện gây ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu các công ty làm xuất bản chân chính

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định sau Hội thảo này, sẽ có những cuộc họp khác bàn sâu hơn để Luật Xuất bản phù hợp với sự phát triển trong thời đại mới.

THANH NGỌC; ảnh: HOÀNG MINH

Ý kiến bạn đọc