Viết tiếp bài Miếu Tiên cô , chuyện lạ có thật ở Nghệ An:

Sẽ xem xét xếp hạng di sản tư liệu về tấm bia Ngự chế

VŨ TOÀN

VHO - Hôm qua 24.9, chúng tôi đã trao đổi với bà Phan Anh, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở VHTT Nghệ An), về vấn đề bài báo Miếu Tiên cô, chuyện lạ có thật ở Nghệ An (Báo Văn Hóa số 4092, ra ngày 23.9).

 Sẽ xem xét xếp hạng di sản tư liệu về tấm bia Ngự chế - ảnh 1
“Ngôi miếu Tiên cô” cần được thay thế bằng một nhà bia sau khi khoanh vùng bảo vệ. Trong ảnh: Thầy S. đang đọc chữ Hán trên tấm bia mà ông cho là sự tích về Tiên cô

 Bà Phan Anh cho biết: “Tôi đã đọc bài báo. Hiện cán bộ của Phòng đang kiểm tra thông tin bài báo phản ánh. Sau kiểm tra, Phòng sẽ làm việc với địa phương là Phòng Văn hóa huyện Diễn Châu để có phương án xử lý”.

Chúng tôi nêu giả thiết, nếu thực tế nêu trong bài báo là đúng thì hướng xử lý của Phòng Di sản văn hóa sẽ như thế nào? Bà Phan Anh nói: “Theo phân cấp quản lý nhà nước, Phòng Di sản văn hóa sẽ có văn bản đề nghị UBND huyện Diễn Châu nghiên cứu, đưa ra biện pháp xử lý thích hợp.

Nếu tính chất vụ việc vượt quá thẩm quyền cấp huyện chúng tôi sẽ tham mưu với lãnh đạo Sở có phương án tiếp theo nhằm giải quyết hiệu quả bài báo nêu. Phòng Di sản văn hóa cũng đã trao đổi vấn đề này với Ban Quản lý Di tích Nghệ An, là đơn vị cấp hai của Sở”.

Trước đó, tại Ban Quản lý Di tích Nghệ An, bà Trần Thị Kim Phượng, Trưởng ban, đã thẳng thắn nêu một số chính kiến về một số nội dung bài báo phản ảnh, kể cả việc “mình sai thì phải sửa”.

Theo bà Phượng, mấy năm gần đây, Ban tổ chức lễ hội đền Cuông thường đến “miếu Tiên cô” thắp hương trước khi lễ hội diễn ra. Do sơ suất, một số nhân viên Phòng truyên truyền cứ nghĩ “có thể đây là dấu tích thờ Mẫu Liễu Hạnh có từ đền Tuần xưa” nên không để ý đến sự hiện diện của “ngôi miếu Tiên cô”.

Sau khi đọc kỹ bài báo Miếu Tiên cô, chuyện lạ có thật ở Nghệ An”, chúng tôi sực nhớ đến tư liệu tại Cục lưu trữ Trung ương IV tại Đà Lạt đang lưu giữ một mộc bản triều Nguyễn, sách Ngự chế Bắc tuần thi tập, quyển 2, mặt khắc 14, 15 ghi lại bài thơ “Thiết cảng” (Kênh sắt) của vua Thiệu Trị.

Tác giả Thơm Quang, cán bộ Cục lưu trữ cũng có bài viết “Chuyến thăm Nghệ An của vua Thiệu Trị” đăng trên Cổng thông tin điện tử Sở KH&CN Nghệ An, ngày 15.7.2024. Bài báo cho hay: Ngày Ất Dậu, mùa Xuân tháng 2 năm Nhân Dần (1842), vua Thiệu Trị cùng đoàn tùy tùng có chuyến ngự giá từ Kinh đô Huế ra Bắc.

Trong lộ trình đó, vua đã dừng chân tại Nghệ An để nắm bắt sự tình và mục đích tận mắt nhìn con người, cảnh vật xứ Nghệ… Đến tháng 10, vua Thiệu Trị cho khắc các bài thơ ngự chế khi Bắc tuần ở các địa phương, trong đó có bài “Thiết cảng” (Kênh sắt).

“Như vậy, ngôi “miếu Tiên cô” như bài báo phản ánh đã thần thánh hóa câu chuyện “húy thị” không đúng với hiện diện của tấm văn bia do vua Thiệu Trị soạn từ năm 1842”, bà Phượng nêu chính kiến.

Cũng theo bà Phượng, tấm văn bia Ngự chế này có thể xếp hạng di sản tư liệu (loại di sản này vừa mới bổ sung trong Luật Di sản văn hóa, đang chờ Quốc hội thông qua).

Sắp tới, Ban Quản lý Di tích Nghệ An phối hợp Phòng Di sản văn hóa sẽ có cuộc làm việc với UBND huyện Diễn Châu để bàn ba nội dung: Một, khoanh vùng để bảo vệ tấm văn bia Ngự chế.

Hai, xây nhà bia thay vì “ngôi miếu Tiên cô” hiện nay. Nhà bia có bốn cột. Bậc tam cấp cao khoảng 1m.

Ba, có một tấm biển dẫn tích. Tấm biển này ghi cụ thể sự tích tấm văn bia Ngự chế. Nội dung văn bia, kể cả phần phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ từ văn bia.

Bà Phượng tâm huyết: “Tấm văn bia Ngự chế là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ bởi đây là tấm văn bia Ngự chế duy nhất có trên đất Nghệ An. Người đi trên quốc lộ 1A và du khách tham gia lễ hội đền Cuông dễ dàng rẽ lên núi Mộ Dạ để chiêm bái thay vì chuyện thắp hương, mua lễ, làm lễ tại “miếu Tiên cô” như mấy năm trước. Nó không đúng. Nó phản cảm”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc