Sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 24 năm đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới
VHO - Sẽ có nhiều hoạt động, sự kiện đặc sắc với chủ đề “Di sản văn hóa Hội An - Truyền thống, kết nối, sáng tạo và phát triển” được thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức chào mừng 24 năm ngày được đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4.12.1999-2023).
Nhiều hoạt động tổ chức chào mừng 24 năm ngày đô thị cổ Hội An được công nhận DSVHTG
Đây cũng là những hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11), 6 năm nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (7.12.2017-2023).
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, với chủ đề “Di sản văn hóa Hội An - Truyền thống, kết nối, sáng tạo và phát triển” đây còn là dịp để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về giá trị của Di sản văn hóa (DSVH) Hội An; thành quả đạt được trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Hội An từ sự nỗ lực phấn đấu của hệ thống chính trị và nhân dân Hội An, cùng sự hỗ trợ, cộng tác hiệu quả của bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng vì sự nghiệp bảo tồn DSVH trong thời gian đến. Nâng cao sức hấp dẫn của DSVH Hội An, góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch Hội An theo hướng bền vững.
Cũng nhân dịp này, lãnh đạo thành phố Hội An sẽ có buổi gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các chủ di tích, các cộng tác viên bảo tồn di sản và các đối tượng liên quan đến hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Hội An. Qua đó trao đổi, lắng nghe ý kiến đóng góp để công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Hội An đạt nhiều kết quả hơn.
Tôn vinh nghề thủ công, nghệ thuật dân gian nhân sự kiện Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO
Đặc biệt, năm 2023 được xem là dấu mốc quan trọng đối với thành phố Hội An khi chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Với quan điểm xuyên suốt về việc phát triển từ thành phố di sản đến thành phố sáng tạo, Hội An nhận định những giá trị truyền thống, văn hóa bản địa, phong tục, tập quán, các DSVH vật thể và phi vật thể lâu đời mà các thế hệ đi trước để lại chính là nền tảng và động lực để thế hệ sau này tiếp tục bảo tồn, phát huy và sáng tạo.
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, thành phố cũng sẽ tổ chức chương trình công bố sự kiện Hội An gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO với chuỗi hoạt động đa dạng, thiết thực tại khu phố cổ và các làng nghề, cơ sở nghề thủ công.
Đặc biệt, tối ngày 7.12 sẽ diễn ra giao lưu nghệ thuật bài chòi nhằm kỷ niệm 06 năm Nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại khu vực Bùng binh An Hội với sự giao lưu, tương tác giữa các nghệ sĩ, nghệ nhân bài chòi và du khách sẽ mang đến một buổi tối đầy ý nghĩa cho những người giữ gìn bộ môn nghệ thuật đặc sắc này tại địa phương.
Bên cạnh đó, còn có các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên sông; triển lãm ảnh nghệ thuật “Hội An – Thành phố sáng tạo”; trưng bày các tác phẩm về sự sáng tạo trên các lĩnh vực văn nghệ dân gian, làng nghề, nghề thủ công… trong cộng đồng dân cư ở các xã phường..
Sau khi Hội An trở thành thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian của UNESCO, bài chòi cũng như các thể loại nghệ thuật dân gian khác sẽ tiếp tục được thành phố quan tâm, mở rộng và phát triển cùng thế hệ trẻ trong thời gian sắp tới.
Cùng với đó còn có nhiều hoạt động phụ trợ như sắp đặt không gian giới thiệu nghề thủ công của Hội An như: mộc, gốm, tranh tre dừa, lồng đèn…; các điểm biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống hát dân ca bài chòi, hò khoan – bả trạo, hát bội…; giới thiệu các loại hình nghệ thuật sáng tạo mới và các sản phẩm OCOP.
Giao lưu nghệ thuật bài chòi sẽ diễn ra vào tối ngày 7.12
Dịp này còn có các hoạt động như: Giới thiệu, trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách “Thúng Chai ở Hội An”, “Hình ảnh Giao lưu văn hoá Việt - Nhật tại Hội An”; Trưng bày ấn phẩm về Hội An và hoạt động “Tìm hiểu Di tích qua trang sách” cho thiếu nhi Hội An; Giới thiệu thử nghiệm hoạt động “Đường sách phố cổ” nhằm khơi gợi, phát huy truyền thống văn hóa đọc cho người dân Hội An; góp phần thu hút khách tham quan chất lượng cao đến tham quan và lưu trú.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trải nghiệm, bảo vệ môi trường như: Giải chạy việt dã truyền thống “Vì Di sản Văn hoá thế giới Hội An” dự kiến có hơn 500 vận động viên tham gia thi chạy ở nhiều cự ly của nam, nữ; “Ngày hội cây xanh phố cổ” trồng cây xanh dọc các tuyến đường trong khu phố cổ; Cuộc thi hình ảnh đẹp “Hội An - Nụ cười du lịch” nhằm giới thiệu hình ảnh “Hội An - Nhân tình thuần hậu”, thân thiện, mến khách.
Các hoạt động trải nghiệm vẽ, trang trí trên các sản phẩm thủ công làm từ mo cau, trên gốm, mặt nạ trên giấy dành cho người dân và du khách tại Bảo tàng Văn hoá Dân gian Hội An.
Trải nghiệm vẽ, trang trí các sản phẩm thủ công tại Bảo tàng văn hóa dân gian
Các lực lượng, đơn vị chức năng sẽ phối hợp kiểm tra, xử lý dứt điểm việc buôn bán các hàng quán tự phát ở các vỉa hè, đặc biệt là các xe đẩy, tình trạng bu bám cò mồi trên các tuyến đường trong khu phố cổ. Tuyên truyền, vận động các chủ di tích, các điểm tham quan mở cửa phục vụ tham quan du lịch. Ra quân dọn vệ sinh, kiểm tra sắp xếp trật tự kinh doanh buôn bán tại các vỉa hè, cảnh quan, môi trường, trang trí trên các tuyến đường trong và ngoài khu phố cổ nhằm tạo không gian xanh, sạch, đẹp phục vụ tham quan du lịch.
KHÁNH CHI