Hà Nội:
Quy ước, hương ước vận động người dân mở lối thoát hiểm, phòng cháy nổ
VHO - Hội nghị Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước năm 2024 do Sở VHTT Hà Nội tổ chức mới đây tập trung các nội dung xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh với hệ thống các quy tắc ứng xử chuẩn mực. Đặc biệt, nhấn mạnh và bổ sung nội dung đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân.
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố trong thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư.
Điều đó góp phần phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương. Bên cạnh đó, phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh, phát huy hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH.
Nhiều Bí thư, Tổ trưởng Tổ dân phố chia sẻ tại Hội nghị những điểm mới được bổ sung vào quy ước, hương ước tại các tổ dân phố. Trong đó đáng chú ý là nội dung vận động nhân dân sinh sống trong nhà cao tầng mở cửa thoát hiểm tại “chuồng cọp”, lắp đặt lư hoá vàng tại sân nhà tập thể; hướng dẫn công dân sử dụng thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC)...
Hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc ứng xử do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Hương ước đã tồn tại khá lâu dài và có những bước phát triển thăng trầm trong đời sống xã hội từ xưa đến nay.
“Phép vua thua lệ làng”, cách nói ẩn dụ của ông cha ta là sự khẳng định giá trị, vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống cộng đồng.
Trong quá trình thực hiện hương ước, quy ước cơ sở thời gian qua, nhiều địa phương đã rà soát nội dung, đánh giá những mặt tích cực, hạn chế trong việc thực hiện để điều chỉnh, để xuất tạm ngừng, bổ sung hoặc thay thế nội dung.
Bà Hoàng Thị Kim Ninh (Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố số 7, địa bàn dân cư số 3, phường Thành Công, quận Ba Đình) cho biết “Trước đây, ở khu tập thể Thành Công, người dân có thói quen tiện ở đâu hoá vàng mã ở đó. Rất nguy hiểm là tình trạng một số người sử dụng chiếu nghỉ cầu thang để hoá vàng mã.
Vì vậy, trong quy ước, hương ước của tổ dân phố chúng tôi đã đưa vào các quy định về PCCC. Đồng thời, vận động xã hội hoá lắp đặt lư hoá vàng tại các khu dân cư. Thời gian đầu thực hiện có một số khó khăn, tuy nhiên, sau khi tuyên truyền, người dân nhận thấy lợi ích của việc làm nên đã ủng hộ”.
Trên địa bàn quận Thanh Xuân, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 3, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân Nguyễn Mạnh Dũng cho hay: “Chúng tôi tăng cường tuyên truyền, tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức PCCC và sử dụng bình chữa cháy. Đồng thời, vận động các hộ dân có nhà cao tầng, lắp đặt chuồng cọp mở các lối thoát hiểm và đưa nội dung này vào quy ước, hương ước”.
Những điểm mới được bổ sung này cho thấy tín hiệu đáng mừng, các hương ước, quy ước không chỉ dừng ở việc điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng mà đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc đồng hành, bảo vệ an toàn trong cuộc sống người dân, từ đó tập trung đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng.
Phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) có nhiều gia đình cho thuê cửa hàng để kinh doanh. Theo ông Nguyễn Hữu Trí (Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố số 1, phường Hàng Bạc), các hộ kinh doanh thường làm ban ngày, tối khoá cửa nên việc thực hiện vệ sinh môi trường, duy trì an ninh trật tự gặp khó khăn, đặc biệt vào các ngày cuối tuần có tổ chức phố đi bộ.
Vì vậy, cán bộ phường đã tuyên truyền để các hộ kinh doanh hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm. Tổ dân phố phối hợp với chính quyền đưa nội dung quy ước, hương ước vào quy định bắt buộc về điều kiện kinh doanh. Nhờ đó đã có nhiều chuyển biến, các hộ kinh doanh đã chấp hành quy định.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, người dân trên địa bàn quận thời gian qua đã góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, tôn vinh các lễ hội.
Cụ thể như việc người dân đã cùng chính quyền nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và đề xuất ghi danh di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, nghề xôi Phú Thượng; duy trì và phát triển nghề trồng đào, trồng quất, làm trà sen và khôi phục làng nghề mai một như giấy dó Yên Thái, cá cảnh Yên Phụ…
"Đặc biệt, người dân đã có những đóng góp thiết thực vào các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị xanh – sạch – đẹp – văn minh, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đó là minh chứng sống động cho việc thực hiện tốt các quy ước tổ dân phố đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Phát huy vai trò của hương ước, quy ước chính là phát huy những nét đẹp văn hóa nhằm xây dựng cộng đồng dân cư phát triển tốt đẹp hơn”, bà Bùi Thị Lan Phương chia sẻ.
Hội nghị tập huấn cùng nội dung sẽ tiếp tục triển khai ở các cụm: Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ…