Quảng Ngãi: Bảo tồn văn hóa, lịch sử dân tộc Cor từ hoạt động ngoại khóa cho học sinh

VHO- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Cor cho học sinh, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) tổ chức buổi Sinh hoạt chuyên đề “Em yêu đất Quế” ở bộ môn Lịch sử, Địa lí Trung học cơ sở cấp tỉnh. Một không gian văn hóa, lịch sử vùng đất Quế đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc được chính các em học sinh và thầy cô giáo tái hiện sống động.

Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy là trường học đầu tiên trong huyện thành lập Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Cor trong học sinh. Câu lạc bộ có 30 thành viên gồm các em học sinh có niềm yêu thích, đam mê với văn hóa dân tộc và một số thầy cô giáo nhà trường đã được tập huấn đánh cồng chiêng, múa cà đáo. 

Quảng Ngãi: Bảo tồn văn hóa, lịch sử dân tộc Cor từ hoạt động ngoại khóa cho học sinh - Anh 1

Tiết mục múa cà đáo của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy

Tại buổi sinh hoạt vào cuối tuần, tất cả thầy cô giáo và học sinh nhà trường đồng phục trang phục của dân tộc Cor. Các em học sinh là thành viên Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Cor của trường luyện tập và biểu diễn tiết tục đánh cồng chiêng, múa cà đáo. Hai bài chiêng Chào khách và Tiễn khách cùng điệu múa cà đáo hòa nhịp là các bài chiêng cơ bản trong văn hóa cồng chiêng của dân tộc Cor. Em Hồ Thị Uyên Thùy, Học sinh trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy hào hứng chia sẻ: “Hôm nay con rất vui khi được tham gia hoạt động này, con muốn nhà trường sẽ phát huy, tổ chức nhiều các hoạt động như vậy để bảo tồn văn hóa dân tộc”.
Cô Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy cho biết, trong nhiều năm nay, nhà trường rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Trong hoạt động giảng dạy nhà trường đã hướng dẫn giáo viên lồng ghép các nội dung về văn hóa dân tộc trong các tiết dạy ở các bộ môn liên quan, các tiết học trải nghiệm, nhà trường cũng đã tổ chức rất nhiều các hoạt động bảo tồn văn hóa cho học sinh như tổ chức Tết Ngã rạ có các món ăn truyền thống như gói các loại bánh đặc trưng của đồng bào, tổ chức đánh cồng chiêng, múa cà đáo, mời nghệ nhân về dạy cồng chiêng, múa cà đáo cho học sinh..…. Đây được xem là nền tảng để nhà trường nhân rộng và làm tốt công tác bảo tồn văn hóa trong học đường.

Quảng Ngãi: Bảo tồn văn hóa, lịch sử dân tộc Cor từ hoạt động ngoại khóa cho học sinh - Anh 2

Học sinh với trang phục của đồng bào Cor

Thực hiện Nghị quyết 02 của Huyện ủy Trà Bồng về Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, Ngành giáo dục huyện Trà Bồng đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến bảo tồn văn hóa dân tộc trong giáo viên, học sinh như mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho giáo viên, chỉ đạo các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng trong nhà trường, tổ chức các hoạt động, sinh hoạt chuyên đề về văn hóa, góp phần giúp học sinh có hiểu biết, tự hào với văn hóa dân tộc từ đó có ý thức học tập, giữ gìn.

Quảng Ngãi: Bảo tồn văn hóa, lịch sử dân tộc Cor từ hoạt động ngoại khóa cho học sinh - Anh 3

Sinh hoạt chuyên đề “Em yêu đất Quế” giúp các em học sinh nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Bà Đinh Thị Sơn, Phó Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng cho hay: “Phòng đã mở 3 lớp tập huấn về đánh cồng chiêng, múa cà đáo, để phát huy hơn, phòng sẽ động viên, khuyến khích các trường tổ chức các hoạt động bảo tồm văn hóa, tăng cường kiểm tra các hoạt động cuả các trường trong bảo tồn văn hóa dân tộc”.
Ngoài phần biểu diễn các tiết mục múa cồng chiêng, cà đáo, các em học sinh còn được tham gia các tiết mục văn nghệ tái hiện lịch sử vùng đất Quật khởi, thi rung chuông vàng về những vấn đề lịch sử, văn hóa, kinh tế của địa phương huyện Trà Bồng, Thuyết trình về Cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi 28/8/1959; Giới thiệu Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia “Điện Trường Bà - Trà Bồng” và đặc sản của Trà Bồng bằng các hình thức thể hiện sinh động.
“Trong khuôn khổ buổi Sinh hoạt chuyên đề “Em yêu đất Quế” đã quy tụ các thầy cô giáo đang giảng dạy bộ môn Lịch sử ở tất cả các huyện thành phố trong tỉnh về tham gia sinh hoạt, học tập kinh nghiệm để nhân rộng trong toàn tỉnh. Với cách làm hay, sáng tạo này góp phần giúp các em học sinh có hứng thú trong học tập, tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc, từ đó sẽ dần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc”, bà Sơn chia sẻ.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc