Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Lồng ghép tuyên truyền, đẩy lùi tiêu cực

VHO- Đẩy mạnh phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL, thực tiễn cho thấy giải pháp thường trực vẫn luôn là đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép các hoạt động định hướng, phổ biến giáo dục pháp luật.

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Lồng ghép tuyên truyền, đẩy lùi tiêu cực - Anh 1

 Chấn chỉnh hành vi phản cảm, đưa hoạt động lễ hội dần đi vào nền nếp

Nhằm đẩy lùi tiêu cực trong các lĩnh vực “nóng”, thu hút sự chú ý của dư luận như quản lý lễ hội, bản quyền tác giả, nghệ thuật biểu diễn…, Bộ VHTTDL thường xuyên có những định hướng, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản gửi địa phương đề nghị có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các tồn tại, hạn chế cần khắc phục .

 Công tác thanh, kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tiễn là giải pháp quan trọng để các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm. Cùng với giải pháp đẩy lùi tiêu cực, những điển hình được tạo sức lan toả cũng sẽ góp phần quan trọng đưa hoạt động trên từng lĩnh vực đi vào nề nếp, hình thành môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh.

Sát thực tiễn, chấn chỉnh vi phạm

Thực tiễn cho thấy giải pháp thường trực vẫn luôn là đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép các hoạt động định hướng, phổ biến giáo dục pháp luật. Đơn cử, trong lĩnh vực lễ hội, nhằm đẩy lùi tiêu cực, phản cảm, Bộ VHTTDL chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản gửi địa phương đề nghị có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: việc kinh doanh dịch vụ hàng hóa trong khuôn viên di tích; biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn, trục lợi; đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống; xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch; tăng giá dịch vụ bán hàng, trông giữ xe vào di tích và lễ hội; đốt đồ mã, vàng mã nhiều tại các di tích, đền, phủ...

Tại các địa phương, Sở VHTTDL kịp thời hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nếp sống văn minh và phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, các biểu hiện tiêu cực, biến tướng trong các lễ hội, các vi phạm thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm sau khi tổ chức lễ hội, khen thưởng kịp thời cho các đơn vị, cá nhân làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Điển hình là các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Nam, An Giang, Bình Dương, Đồng Tháp...

Trên các lĩnh vực khác, để tăng cường phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL, nhiều hoạt động kết hợp, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong ngành được triển khai tích cực; góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, ngăn chặn các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục.

Năm 2023, Vụ Pháp chế tham mưu cho Bộ VHTTDL có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, chỉ đạo tập trung phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật mới thông qua năm 2022 và năm 2023, các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)... cùng các Nghị định liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Vụ tiếp tục tham gia xây dựng lập đề nghị 2 dự án Luật, bao gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); phối hợp với Cục Bản quyền tác giả xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, an toàn, lành mạnh để tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, từ đó hạn chế các vi phạm pháp luật.

Đề xuất phương hướng trong thời gian tới, Vụ Pháp chế nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành. Tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch được ban hành trong năm 2022, 2023. Tiếp tục hoàn thành Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2022-2026…

Đẩy lùi tiêu cực

Những chuyển biến tích cực thông qua việc triển khai các giải pháp phổ biến, tuyên truyền pháp luật liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành thể hiện rõ nét trong bức tranh quản lý và tổ chức lễ hội. Qua từng năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương đang dần đi vào nề nếp, những hiện tượng tiêu cực, vi phạm quy định pháp luật từng bước được đẩy lùi. Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, những mùa gần đây, đối với một số lễ hội trước đó thu hút chú ý bởi các hiện tượng phản cảm, chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, bạo lực, hay duy trì những tập tục không phù hợp, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh như: Hội Phết xã Hiền Quan, Hội chọi trâu huyện Phù Ninh (Phú Thọ); Hội chọi trâu huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc); tục cướp chiếu tại lễ hội Đúc Bụt thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc); chen lấn, xô đẩy để cướp cờ, xin ấn tại Lễ hội Đền Trần (Nam Định)…, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh và có giải pháp khắc phục, đồng thời cử các đơn vị chuyên môn trực tiếp trao đổi với địa phương để đưa ra các giải pháp, phương án thay đổi hình thức tổ chức cho phù hợp, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách.

Việc thành lập các đoàn thanh, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội hằng năm cũng đã góp phần đảm bảo cho các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh; giám sát, nhắc nhở và yêu cầu các địa phương, BQL di tích, BTC lễ hội chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, đưa các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có lối sống, nếp sống văn minh trong lễ hội.

Cùng với việc ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn, Bộ VHTTDL tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang thông tin điện tử… SởVHTTDL các tỉnh/thành tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo công tác tuyên truyền trên hệ thống bảng, biển, hệ thống loa truyền thanh, trang thông tin điện tử tại các di tích, danh lam thắng cảnh... về quy định thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và lễ hội; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và lễ hội; đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi những tập tục mang yếu tố bạo lực, phản cảm không phù hợp với đời sống xã hội.

Thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, Bộ VHTTDL chỉ đạo Thanh tra Bộ ban hành văn bản gửi Thanh tra các Sở VHTTDL về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vào thời điểm mùa lễ hội, trước, trong và sau Tết Nguyên đán; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát tại địa phương về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nếp sống văn hóa, lễ hội, di tích. Bên cạnh công tác kiểm tra định kỳ, thường xuyên, Bộ VHTTDL còn tăng cường kiểm tra đột xuất tại các điểm di tích có lễ hội lớn, lễ hội dài ngày, lễ hội có tính chất phức tạp tại một số địa phương như: Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...; chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động tổ chức lễ hội hằng năm theo phạm vi quản lý. 

 Tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra, phòng chống vi phạm

Thanh tra Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 12/KH-TTr ngày 10.3.2023 về triển khai công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023.

6 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, công tác xử lý vi phạm hành chính, phổ biến quy định pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cho lực lượng Thanh tra ngành văn hóa, thể thao và du lịch tại tỉnh Lào Cai, Khánh Hòa. Thực hiện Kế hoạch năm 2023 đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, Thanh tra Bộ VHTTDL đã thành lập 23 đoàn thanh tra chuyên ngành; xử phạt vi phạm hành chính đối với 18 tổ chức vi phạm quy định pháp luật về du lịch, thể thao, quảng cáo, tổng số tiền xử phạt 1.127,5 triệu đồng… PHƯƠNG THẢO

MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc