Phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới
VHO - Ngày 8.10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới", thu hút sự tham dự của hơn 150 nhà nghiên cứu, đại diện các ban ngành trung ương, địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với việc cụ thể hóa thực hiện “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Học viện Chính trị khu vực III phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới”.
Hội thảo được tổ chức với mục đích làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn nhận diện, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững trong tình hình mới.
Đây cũng là một trong những hội thảo quan trọng trong Kế hoạch xây dựng Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 23, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Với 53 tham luận, hội thảo tập trung vào các vấn đề về phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu xứ Quảng trong xây dựng, phát triển văn hóa, phát huy mặt mạnh của con người Quảng Nam…
Làm rõ căn cứ, cơ sở khoa học trong việc nhận diện, khẳng định những giá trị đặc trưng cơ bản về văn hóa, con người Quảng Nam; đánh giá khái quát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, những thành tựu, kết quả nổi bật, hạn chế và kinh nghiệm.
Tập trung bàn và đề xuất, gợi mở các giải pháp tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, con người Quảng Nam phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo định hướng phát triển xanh, bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Quảng Nam có nguồn lực văn hóa được kết tinh bởi vốn tài nguyên hình thành từ hệ thống giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu bản sắc.
Hiện Quảng Nam có 458 di tích được xếp hạng; trong đó, có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 67 di tích cấp quốc gia, 387 di tích cấp tỉnh cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
Tỉnh Quảng Nam còn có sự phong phú, đa dạng của các loại hình văn hóa phi vật thể, trong đó, nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, nguồn lực văn hóa đang được nhận diện với các ngành công nghiệp văn hóa. Trong số 13 ngành công nghiệp văn hóa, tiềm năng, lợi thế của Quảng Nam hiện diện ở nhiều ngành; trong đó, hiện diện nổi bật ở ngành du lịch văn hóa.
Đây được xác định là nguồn lực quan trọng vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần cho nhân dân trong tỉnh và khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Quảng Nam, vừa là “con đường” ngắn nhất quảng bá hình ảnh Quảng Nam với nhân dân cả nước và hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được xem là tài sản quốc gia, là một trong những đặc trưng nhận diện của du lịch Việt Nam.