Phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất: Khích lệ những cây bút, nâng tầm vị thế ngành VHTTDL
VHO_ Lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất đã được Bộ VHTTDL tổ chức vào chiều 26.12 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng BTC giải phát biểu phát động.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Trưởng BTC Giải đề nghị các phóng viên, nhà báo tham gia tích cực Giải báo chí để góp phần làm lan tỏa những thành tựu của ngành VHTTDL
Cùng dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo TƯ; Bộ TT&TT; Hội Nhà báo VN; lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL và đại diện gần 70 cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương.
Góp phần lan tỏa, tạo thành công cho Giải thưởng
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; với tinh thần “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, ngay từ đầu năm 2022, ngành VHTTDL đã phát động và triển khai chủ đề công tác năm: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.
Tinh thần đó đã được lan tỏa sâu rộng, tạo động lực cho toàn ngành triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác và đạt được nhiều thành tựu nổi bật mang tính bước ngoặt trong thời gian qua. “Những thành tựu mà ngành VHTTDL đạt được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Ban, Bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ làm văn hóa, thể thao và du lịch trên toàn quốc; sự hỗ trợ hiệu quả từ các cơ quan thông tấn báo chí; sự phối hợp, đồng hành nhiệt huyết, tâm huyết của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong suốt thời gian qua…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định. Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” sẽ là hoạt động thường niên của ngành VHTTDL, được phát động và tổ chức từ năm 2022. Giải thưởng lần thứ nhất được trao nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Văn hóa, ngày 28.8.2023.
Giải thưởng nhằm giới thiệu, quảng bá những kết quả, thành tựu của công tác VHTTDL; phát hiện những điển hình tiên tiến trong ngành; cổ vũ, động viên cán bộ toàn ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển VHTTDL. Đây cũng là cơ hội để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực VHTTDL. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà báo quan tâm, tổ chức sản xuất, xuất bản những tác phẩm báo chí tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuộc sống; Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; Xây dựng và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ hệ giá trị gia đình; Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở gắn với công tác tổ chức cán bộ, phản ánh toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới tư duy và phương thức hoạt động của toàn ngành VHTTDL.
“Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập, từ đó đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình...”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Lãnh đạo Bộ cũng bày tỏ mong muốn các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các địa phương, đơn vị; các cơ quan thông tấn báo chí đồng hành, lan tỏa, tích cực tuyên truyền, gửi tác phẩm tham dự để góp phần tạo nên thành công cho Giải thưởng.
Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Phan Thanh Nam, Phó BTC Giải phát biểu tại lễ phát động
Ông Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa, Phó BTC cho biết, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất nhằm lựa chọn, trao giải cho tác giả hoặc nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về VHTTDL và gia đình. Bên cạnh đó, sẽ trao giải cho cơ quan báo chí tiêu biểu có nhiều tác phẩm tham dự đoạt giải. “Đây là hoạt động tạo điều kiện để các nhà báo trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực VHTTDL…”, ông Phan Thanh Nam nhấn mạnh. Tác giả tham gia giải thưởng là công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Giải thưởng được trao cho các tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc, phản ánh người thật, việc thật; có tính phát hiện, chính xác, kịp thời về những tập thể, cá nhân, hành động tích cực, điển hình tiên tiến, phê phán thói hư, tật xấu trong xã hội…
“Các tác phẩm phản ánh, tuyên truyền những mô hình mới, cách làm hay, gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, những điển hình tiên tiến trong thực hiện các chủ trương, đường lối về phát triển văn hóa, con người; thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Hướng đến 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam; Định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ hệ giá trị gia đình”, ông Phan Thanh Nam nhấn mạnh.
Mỗi tác giả, nhóm tác giả tham dự không quá 5 tác phẩm; mỗi tác phẩm được đăng, phát không quá 5 kỳ; được thể hiện bằng tiếng Việt. Thể loại được xét trao giải gồm: Phản ánh, phóng sự, điều tra, bút ký, chương trình tọa đàm (trừ các chương trình phát thanh và truyền hình trực tiếp)...; đăng, phát trên các loại hình báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, báo ảnh kể từ ngày 15.6.2022 đến hết ngày 15.6.2023. Sẽ có 3 giải đồng hạng được trao cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự Giải, đạt kết quả cao, trị giá 15 triệu đồng/giải. Mỗi loại hình báo chí cũng sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 25 triệu đồng, 3 giải Nhì trị giá 15 triệu đồng/giải, 5 giải Ba trị giá 10 triệu đồng/giải; 10 giải Khuyến khích trị giá 5 triệu đồng/giải.
Hồ sơ tham dự gửi về: Báo Văn Hóa, 124 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, thời gian đến hết ngày 30.6.2023.
Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập, từ đó đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình... (Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY) |
Nâng tầm vị thế của ngành
Các nhà báo đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Nhà báo Nguyễn Thị Toan (Ban Văn nghệ, Báo Tiền Phong) cho biết, văn hóa lâu nay vẫn bị hiểu khá hời hợt với khía cạnh “cờ, đèn, kèn, trống”. Thực tế, vai trò và vị thế của văn hóa được Đảng, Nhà nước khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng, Nghị quyết, chương trình, chiến lược phát triển văn hóa... trong đó xem văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước. Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” ra đời có muộn nhưng chắc chắn tạo ra động lực mới. Đây không chỉ là dịp ghi nhận sự đóng góp của những người làm báo với sự nghiệp phát triển VHTTDL, mà hơn hết các tác phẩm báo chí sắc sảo sẽ góp phần lan tỏa những thành tựu của ngành. Dịp này, những người làm báo sát sao với ngành VHTTDL sẽ tập trung mổ xẻ những bất cập, vướng mắc, đề xuất giải pháp thiết thực để Bộ VHTTDL tham mưu, hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển VHTTDL.
Với nhà báo Đoàn Hải Yến (Ban Văn nghệ, ĐTHVN) thì Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất đã xác định rõ tác phẩm dự Giải phải bảo đảm tính chân thực, người thật, việc thật, sự kiện thật, có tính chính xác, khách quan. Nội dung tác phẩm có tính thuyết phục, hiệu quả xã hội cao; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới, phát triển sự nghiệp VHTTDL và gia đình. Với tiêu chí đặt ra cùng với sự hào hứng của các nhà báo, phóng viên theo dõi ngành, chắc chắn sẽ có các tác phẩm báo chí có sức thuyết phục và sự lan tỏa, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Ở góc độ của mình, nhà báo Hà Thanh Giang (TTXVN) chia sẻ, “tôi rất vui mừng vì từ nay đã có một giải thưởng dành riêng cho “cánh” phóng viên văn hóa. Thực tế cho thấy là hầu như tất cả các ngành, lĩnh vực khác đều đã hình thành hệ thống giải thưởng riêng từ lâu, nhưng dù hơi muộn nhưng tôi thấy rất hân hoan chào đón giải thưởng này, coi đây là động lực để cố gắng hơn nữa khi thực hiện các bài viết, lựa chọn chủ đề cũng như cách thức thể hiện. Tôi sẽ gửi tác phẩm dự thi, thử sức cùng các anh, chị em đồng nghiệp của mình như một cách làm thiết thực nhất để vổ cũ cho giải thưởng này. Bởi tôi nghĩ, tôn vinh các tác phẩm báo chí viết về văn hóa cũng là cách tôn vinh những thành tựu của toàn ngành; động viên, cổ vũ những phóng viên theo dõi ngành, tạo cơ hội cho họ được thể hiện mình qua những trang viết, bức ảnh, phóng sự...
Đông đảo phóng viên, nhà báo tham dự lễ phát động
Là người theo dõi lâu năm về lĩnh vực VHTTDL, nhà báo Trần Thu Hà (Báo Sài Gòn giải phóng) cho biết, Giải thưởng là sự khích lệ những cây bút đã theo dõi và bám sát hoạt động của VHTTDL. Đặc thù của văn hóa không chỉ có các vấn đề thời sự nóng bỏng mà đôi khi là những câu chuyện về con người, vùng đất, về một câu chuyện, bộ phim, một hành vi ứng xử trong xã hội… Chính biên độ rộng như thế mà các bài viết về văn hóa cũng rất nhiều sắc màu. Người làm báo ở lĩnh vực này không chỉ cần tư duy nhạy bén để có thể nhìn nhận nhanh chóng, chuyển tải tiếng nói mang tính định hướng dư luận mà còn cần nền tảng kiến thức vững chắc. Có nhiều người nhận xét rằng phóng viên văn hóa dường như có độ “trễ” hơn so với phóng viên theo dõi các lĩnh vực khác; phần nào, nhận định này có lý bởi lẽ vấn đề liên quan tới văn hóa, con người, phong tục tập quán, hành vi ứng xử… luôn cần có độ lùi, cần có sự điềm tĩnh để soi chiếu, phản ánh chân thực, dễ tiếp cận với độc giả.
Còn nhà báo Lê Thúy Tình (Báo Điện tử Vietnamnet) thì nhận thấy những tin tức về giải trí chỉ nhất thời, người đọc rồi cũng sẽ quên khi một nhân vật giải trí khác xuất hiện. Nhưng những nhân vật về văn hóa lại có sức lan tỏa hơn thế, họ truyền cảm hứng sống và cống hiến cho lĩnh vực này. Với tiêu chí của giải thưởng này, những phóng viên mảng văn hóa tin rằng, những bài báo hay, những bài báo mang tính phát hiện, viết về gương điển hình tiên tiến trong ngành VHTTDL không những sẽ lan tỏa mạnh mẽ mà hơn thế nữa, nó còn được ghi nhận. Từ đó, người cầm bút có động lực hơn nữa để đầu tư cho tác phẩm của mình cũng như những người làm trong ngành văn hóa cảm thấy được cổ vũ, động viên. Họ sẽ ngày càng chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển VHTTDL.
Nhà báo Hà Tùng Long (Nông thôn Ngày nay/Dân Việt) cho hay, Giải thưởng này nằm trong sự mong chờ của rất nhiều nhà báo, phóng viên chuyên theo dõi lĩnh vực VHTTDL&GĐ. Đây là “sân chơi” rất có ý nghĩa đối với các nhà báo, phóng viên theo dõi trong các lĩnh vực này. BTC cần ưu tiên cho những bài viết có tính góp ý xây dựng, đề xuất giải pháp lên hàng đầu. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có sự lựa chọn, nghiên cứu, tham khảo để nâng cao vai trò quản lý nhà nước cũng như sự phát triển của ngành VHTTDL. BTC cần có khâu tổ chức thật khoa học, chỉn chu để chuyển tải những thông điệp thiết thực, ý nghĩa của giải thưởng. Theo nhà báo Phan Hồng Trang (Ban Văn hóa Văn nghệ, Báo Nhân dân), Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất có ý nghĩa vô cùng thiết thực, ghi nhận những cống hiến của báo chí nói chung, các nhà báo theo dõi lĩnh vực VHTTDL nói riêng. Giải thưởng là sự cổ vũ rất lớn đối với những người tâm huyết hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu VHTTDL, thường xuyên có những bài viết chất lượng cao. Có giải thưởng, các nhà báo có thêm động lực để tiếp tục cống hiến. Giải thưởng cũng lan tỏa những hoạt động nổi bật của ngành VHTTDL, phát hiện điển hình tiến tiến, mô hình hay và đóng góp những giải pháp, kiến nghị để xây dựng, tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong ngành.
Về phía mình, nhà báo Ngân Lượng (Bản tin văn hóa toàn cảnh, Truyền hình Thông tấn xã) thì cho rằng, những nhà báo lĩnh vực văn hóa rất vui khi lần đầu tiên có giải thưởng toàn quốc dành cho các phóng viên tác nghiệp mảng được xem như “chỉ ăn chơi, nhảy múa” này. Lâu nay dường như những giải cao nhất trong hệ thống các giải thưởng quốc gia, toàn quốc ít thuộc về những tác phẩm báo chí thuộc lĩnh vực VHTTDL, mà thường được dành cho những tuyến bài lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế... Do đó, báo chí văn hóa, thể thao, du lịch có phần “tủi thân” và “khiêm tốn” với những lĩnh vực khác. Chính vì thế, giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” thật sự có ý nghĩa ghi nhận, khích lệ động viên lớn với những đóng góp của đội ngũ truyền thông trong lĩnh vực không kém phần quan trọng này.
Phạm vi và đối tượng giải thưởng có cả tác giả là người nước ngoài là quy định đáng chú ý, cho thấy có sự khuyến khích sự đa dạng, phong phú nhiều góc nhìn của các tác phẩm tham dự.
PHƯƠNG ANH - THÚY HIỀN - NGỌC NHIÊN; ảnh: TRẦN HUẤN