Như chưa hề có “bảo vệ đặc biệt bảo vật quốc gia”
VHO - Vụ việc xâm hại đặc biệt nghiêm trọng bảo vật quốc gia Ngai vua triều Nguyễn ở Điện Thái Hòa (Huế) không chỉ là hồi chuông mang tính cảnh báo nghiêm khắc, mà qua đó còn cho thấy một hiện tượng cũng cần “cảnh báo” không kém, đấy là nhiều địa phương chưa thực sự “đọc, hiểu” và triển khai đầy đủ, hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của Bộ VHTTDL về vấn đề này.

Theo quy định hiện hành, “bảo vật quốc gia là di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”, cũng chính vì thế, trong nhiều năm qua, với tư cách là Bộ quản lý nhà nước về di sản văn hóa, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản gửi các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương và các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia.
Trong đó luôn nhấn mạnh đến công tác bảo vệ với những cụm từ: “Tổ chức xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia... Có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia”.
Đối với bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích hoặc thuộc sở hữu tư nhân, Bộ VHTTDL yêu cầu “phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa cơ quan văn hóa với công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ; phân định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính. Kịp thời, chủ động báo cáo, thông tin tới cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan khi có những diễn biến trong thực tế ảnh hưởng đến công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia”.
Mới đây nhất, ngày 18.4.2023, Bộ VHTTDL có văn bản gửi các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia.
Tại văn bản này, Bộ VHTTDL đề nghị thực hiện một số nhiệm vụ để thực hiện tốt việc bảo vệ, bảo quản và phát huy có hiệu quả giá trị của bảo vật quốc gia. Đầu tiên là về bảo vệ bảo vật quốc gia, Bộ VHTTDL nhấn mạnh: Tổ chức xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia, trong đó lưu ý: Có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.
Đối với bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích hoặc thuộc sở hữu tư nhân, phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa cơ quan văn hóa với công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ; phân định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính.
Ngoài ra, “kịp thời, chủ động báo cáo, thông tin tới cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan khi có những diễn biến trong thực tế ảnh hưởng đến công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.
Trước đó, vào tháng 3.2021, Bộ VHTTDL có văn bản gửi các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia.
Cũng tại văn bản này, để bảo đảm thực hiện tốt nhất việc bảo vệ, bảo quản theo chế độ đặc biệt và phát huy có hiệu quả giá trị của các bảo vật quốc gia, Bộ VHTTDL đề nghị thực hiện một số nhiệm vụ: Tăng cường công tác bảo vệ đặc biệt, bảo quản và phát huy giá trị của các bảo vật quốc gia. Đối với bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích hoặc thuộc sở hữu tư nhân, phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa các cơ quan văn hóa, công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ, phân định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính.
Về bảo quản bảo vật quốc gia, phải ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp công trình và hạ tầng kỹ thuật kho bảo quản, khu vực trưng bày của bảo tàng và khu vực thuộc di tích, nơi lưu giữ bảo vật quốc gia để bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt.

Trước đó nữa, vào tháng 5.2019, Bộ VHTTDL có văn bản số 1909/BVHTTDL-DSVH về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia.
Theo đó, Bộ VHTTDL yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có bảo vật quốc gia quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng, đơn vị trực thuộc đang trực tiếp quản lý bảo vật quốc gia nghiêm túc thực hiện một số nhiệm vụ: Về bảo vệ bảo vật quốc gia: Tổ chức xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia sau khi trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó lưu ý có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.
Đối với bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích (như: Chuông, bia đá, tượng,…) phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa các cơ quan văn hóa, công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ, phân định rõ tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm chính, không giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích. Đồng thời kịp thời, chủ động báo cáo, đề xuất với cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan về các vấn đề ảnh hưởng đến việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia khi có những diễn biến thực tế tác động tới công tác này...
Tạm dẫn ra một số văn bản như trên để thấy rằng, công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng rất được Bộ VHTTDL quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục, đồng thời yêu cầu các địa phương phải báo cáo về vấn đề này. Lưu ý rằng, trong các văn bản gửi các địa phương về tăng cường bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia, Bộ VHTTDL luôn nhấn mạnh đến hai chữ “đặc biệt”.
Ví dụ, “kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia”; “bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia”... Yêu cầu thực hiện bảo vệ bảo vật quốc gia là vậy, nhưng trên thực tế thì thế nào? Chúng tôi đã có chuyến khảo sát thực tế trong việc bảo vệ bảo vật quốc gia tại một số bảo tàng, di tích từ Hà Tĩnh trở ra, và nhận thấy rằng, ở đấy dường như không hề có chế độ bảo vệ đặc biệt nào, nếu có thì họ áp dụng biện pháp “cửa đóng then cài”; “cho vào két sắt, khóa hai lớp”.
Rất nhiều địa phương gần như chưa áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt đối với bảo vật quốc gia vì họ chưa tổ chức xây dựng, hoàn thiện phương án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nghĩa là văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL chưa được địa phương thực hiện và hiệu quả. Hiện nay, mỗi nơi thực hiện phương án bảo vệ một kiểu, chung nhất vẫn là cất vào kho khóa kín, hoặc áp dụng biện pháp “không nhiệm vụ cấm vào”.
Vì thế, nếu các địa phương không tổ chức xây dựng, hoàn thiện phương án bảo vệ đặc biệt đối với bảo vật quốc gia và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia, thì sẽ rơi vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”.