Văn hóa đọc:

Nhịp cầu tri thức nối liền các vùng đất

ĐÌNH TOÁN - THANH MAI

VHO - Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy văn hóa đọc đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cũng nhờ những chính sách này, phong trào đọc sách đã lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở các đô thị lớn mà trên khắp mọi miền Tổ quốc, trở thành nhịp cầu tri thức gắn kết các vùng miền trên dải đất hình chữ S.

Nhịp cầu tri thức nối liền các vùng đất - ảnh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh về vai trò của văn hóa đọc với học sinh, sinh viên DTTS tại Ngày sách và văn hóa đọc của Ủy ban năm 2022

 Điểm sáng về phục vụ thư viện lưu động

Thời gian qua, công tác phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS, miền núi ở nước ta đã có nhiều bước tiến, giúp phát triển đời sống văn hóa tinh thần cũng như vật chất cho bà con. Với đặc thù về điều kiện địa lý và địa bàn cư trú của đồng bào các DTTS, một trong những hướng đi được các thư viện triển khai mạnh mẽ là tăng cường phục vụ thư viện lưu động. Mô hình này không chỉ là cầu nối tri thức mà còn trở thành người đồng hành với bà con miền núi, mang lại những đổi thay tích cực trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, với người khiếm thị, những chuyến xe thư viện lưu động còn mang lại cơ hội cho họ được nghe sách nói, chạm vào những cuốn sách chữ nổi và hỗ trợ về công nghệ để tiếp cận kiến thức.

Tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và một số nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, nhìn chung, các thư viện tỉnh đã phát huy tốt công năng của xe thư viện để phục vụ các đối tượng bạn đọc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa sách đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trung bình mỗi năm, Thư viện Hòa Bình phục vụ 20 cuộc; Thư viện tỉnh Sơn La 75 cuộc; Thư viện tỉnh Lào Cai 120 cuộc; Thư viện tỉnh Yên Bái 183 cuộc; Thư viện tỉnh Điện Biên 60 cuộc… Các thư viện cũng đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để tăng số chuyến xe lưu động, đưa sách đến với bà con vùng cao.

Không chỉ tập trung vào học sinh, thư viện lưu động cũng đã mở rộng phục vụ cho các đối tượng bạn đọc đặc thù. Với Thư viện tỉnh Yên Bái, chương trình còn cung cấp sách về sức khỏe, dinh dưỡng và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Nhờ đọc sách, nhiều bà con đã biết đến những kiến thức khoa học, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Ở khu vực phía Nam, nhằm khơi dậy niềm say mê nghiên cứu, lĩnh hội tri thức qua việc đọc sách đến mọi tầng lớp nhân dân, tỉnh Bình Thuận đã tập trung nguồn lực, tổ chức nhiều chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện. Là nơi có đông đồng bào các dân tộc Chăm, Chơ Ro, Nùng, Mường… sinh sống, với mô hình này, Thư viện tỉnh Bình Thuận đã triển khai hiệu quả tại các đơn vị, trường học như phục vụ sách, tài liệu, hướng dẫn sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin; tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến sách, các cuộc thi phát triển văn hóa đọc. Nhiều sự kiện với chủ đề hay được luân phiên tổ chức nhằm tạo sự hứng thú, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách cho các em học sinh như “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay - Mua sách thật”, “Sách - Người bạn, người thầy vĩ đại”...

Cần thêm chính sách đặc thù

Bên cạnh những kết quả đã thu được, việc phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS, miền núi cũng còn gặp không ít khó khăn. Trong đó, do khoảng cách về địa lý, một số bản làng nằm ở vùng sâu, vùng xa khiến việc tiếp cận sách, báo, tạp chí gặp nhiều trở ngại. Hệ thống thư viện, tủ sách ở các bản làng còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu bạn đọc. Hiện nay, nhu cầu tham khảo sách báo của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng đa dạng, tuy nhiên, sách đến được với đồng bào chưa nhiều. Một số nơi thực hiện bổ sung đầu sách theo kiểu “cho gì, đọc nấy”, không tiến hành khảo sát nhu cầu nên chưa đáp ứng được nguyện vọng của bà con.

Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa đọc còn hạn chế. Một bộ phận nhỏ các ngành, các cấp chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS và khu vực miền núi. Chính sách đãi ngộ đối với cán bộ thư viện ở những khu vực này cũng chưa cao. Cán bộ thư viện nhiều nơi, bên cạnh phụ trách các phòng đọc cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, còn phải kiêm nhiệm những công việc khác, khó tập trung vào chuyên môn.

Theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc cho đồng bào ở những vùng còn khó khăn, trước hết, chúng ta cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước và chính quyền thông qua việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phát triển văn hóa đọc. Đặc biệt, cơ quan quản lý cần ban hành chính sách đặc thù về phát triển văn hóa đọc cho đồng bào các DTTS và người dân sinh sống ở khu vực miền núi, những nơi có điều kiện khó khăn.

Cùng với đó, các địa phương cần chủ động phát triển thêm các phòng đọc sách, tủ sách pháp luật ở điểm bưu điện - văn hóa xã; tủ sách biên phòng, câu lạc bộ đọc tại nhà văn hóa thôn, bản… Chính các mô hình thư viện, tủ sách cơ sở là “cánh tay nối dài” thực hiện việc rút ngắn khoảng cách giữa sách, tài liệu và người đọc. Cùng với nguồn lực của nhà nước, các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa, bổ sung nguồn lực cho các thư viện vùng cao, với sự chung tay hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tình nguyện viên và cộng đồng trên cơ sở tìm hiểu nhu cầu đọc sách của bà con.

Cũng theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, khi đã có được hệ thống cơ sở vật chất cùng nguồn tài nguyên phong phú, các thư viện, phòng đọc cần đổi mới hình thức tuyên truyền, giới thiệu sách để thu hút bạn đọc đến thư viện. Việc tuyên truyền cần được thực hiện theo hướng sáng tạo, dễ nhớ, dễ hiểu, lồng ghép yếu tố văn hóa, văn nghệ; tổ chức các buổi giao lưu văn hóa với sách, kể chuyện dân gian để tạo sự hứng khởi trong bà con. Nhờ sức hút từ những mô hình hay, cách làm hiệu quả, bà con sẽ truyền tai nhau đến và sử dụng dịch vụ của thư viện, phòng đọc.