Người lính già và ký ức “khoét núi, ngủ hầm…”

THÚY HÀ - THU TRANG; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Tròn 70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, trở lại cứ điểm đồi A1, ông Phạm Bá Miều, người lính trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa không khỏi xúc động nghẹn ngào. “Những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, sống chết bên chiến hào cùng đồng đội, những ngày chiến đấu gian khổ để giành giật từng tấc đất trên cánh đồng Mường Thanh... mãi mãi tôi không bao giờ quên, và không ai có thể quên”, người lính già rưng rưng kể chuyện.

 “Lúc nghe tin giặc đầu hàng, Chiến dịch Điện Biên Phủ của ta toàn thắng, chúng tôi đang ở căn hầm đằng kia”, ông Miều chỉ tay về phía căn hầm cách cứ điểm đồi A1, nơi chúng tôi đang cùng ông đứng không xa. Nhìn lên bầu trời Điện Biên thẳm xanh hôm ấy, những chiếc máy bay diễn tập cho lễ kỷ niệm 70 năm, ông Miều run run: “Xúc động và nhớ đồng đội quá, các cháu à!”.

Người lính già và ký ức “khoét núi, ngủ hầm…” - ảnh 1
Du khách vây quanh ông Miều tại đồi A1 để nghe kể chuyện năm xưa

Thăm lại chiến trường ác liệt

Hướng về 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng các phóng viên Văn Hóa trở lại nơi này, ông Phạm Bá Miều, người cựu binh ở tuổi 94 không khỏi nghẹn ngào. “Những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, sống chết bên chiến hào cùng đồng đội, tấn công cứ điểm đồi A1; những ngày chiến đấu gian khổ với thực dân Pháp để giành giật từng tấc đất trên cánh đồng Mường Thanh... sẽ mãi mãi tôi không bao giờ quên”, ông Miều lần dòng ký ức 70 năm trước, cho biết.

Hôm ấy, cuối tháng 4, rất đông du khách đến thăm di tích đồi A1 vây quanh người lính già Phạm Bá Miều, bên hố bộc phá lịch sử để nghe ông kể chuyện năm xưa. Trước đó một ngày, trong căn nhà ở tổ 9 phường Tân Thanh (TP Điện Biên Phủ), ông Miều đã dành thời gian tiếp chuyện và kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày tự hào và bi hùng ấy. Lần giở từng trang ký ức, ông Miều kể, ông sinh năm 1930 tại xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy (Thái Bình). Làng của ông ở gần ngay điểm đóng quân của địch. Trận càn năm 1949, giặc Pháp tràn vào làng cướp bóc, bắn phá, khiến bao gia đình mất nhà mất cửa. Gia đình ông Miều phải ra ở nhờ mái hiên chùa làng. Lòng căm thù giặc của chàng thanh niên Phạm Bá Miều ngày ấy mỗi lúc một lớn. Ông quyết tâm nhập ngũ.

Bước chân đi lính khi nhà không còn, vợ không lấy được vì quá nghèo. Chàng thanh niên Phạm Bá Miều đã để lại dấu chân trường chinh ở khắp dải đất Cao - Bắc - Lạng đến Thượng Lào, Hạ Lào năm 1952. Cuối năm 1953, ông Miều quay trở về giải phóng Lai Châu. Tháng 3.1954, ông được cấp trên điều về Đại đoàn 316 tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) với chức vụ Tiểu đội trưởng. Tiểu đội trưởng Phạm Bá Miều khi đó đã được tiếp cận, quán triệt thực hiện kế hoạch chiến đấu, bản đồ tác chiến của địch và của ta; tham gia trận đánh mở màn trên đồi A1. Tiểu đội của ông đã tham gia đánh chiếm đồi A1 bằng bộc phá vào đêm 6.5.1954, góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Nhớ về những ngày lửa cháy trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đôi mắt ông Miều rực sáng, giọng nói đầy hào sảng. Cùng chúng tôi đứng trên đỉnh đồi A1, trỏ tay xuống từng vị trí ông cùng đồng đội chiến đấu năm xưa, người cựu binh kể, từ vị trí đơn vị ông đóng quân nhìn xuống vùng lòng chảo Điện Biên đồ sộ lắm. Cứ điểm quân sự Điện Biên Phủ khác hoàn toàn so với các cứ điểm mà ông đã từng chinh chiến. Trên đỉnh A1 là hầm chỉ huy của địch, có quan hai, quan ba, quân địch bố trí công sự, hệ thống giao thông hào kiên cố; vũ khí tối tân, hiện đại so với thời bấy giờ, toàn xe tăng, máy bay, vũ khí, đạn dược đầy đủ.

“Trong khi bộ đội ta lúc đó phần lớn chỉ có vũ khí thô sơ, cuốc chim và xẻng đào hầm. Mỗi tiểu đội có 2 hầm kèo kiên cố, mỗi nơi chứa 5-7 người, chúng tôi được lệnh ổn định cư trú ở đơn vị, quán triệt tinh thần chiến đấu. Sau nhiều ngày quan sát thực tế, chúng tôi nhận định trận đánh này sẽ rất khó khăn. Thế nhưng, tất cả các đơn vị đều sẵn sàng xung trận. Đào hầm công sự mất cả tháng, từ Tà Nèng đến sông Nậm Rốm. Sau đó chúng tôi tiếp tục đào hầm nhánh, hướng tiến vào A1. Giặc phá cũng nhiều nhưng với phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nêu rõ quyết tâm phải tiêu diệt địch trong vòng 5-7 ngày…”, ông Miều lần hồi ký ức. “Chuyển sang giai đoạn “đánh chắc, thắng chắc”, chúng tôi không đào hầm nữa mà chiến đấu chiếm chiến hạm của địch. Suốt 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi bám trận địa đồi A1 không rời. Đại đội chúng tôi lúc đó có 9 Tiểu đội, thay nhau đánh cả ngày cả đêm. Hai bên cùng tổn thất nhiều. Đặc biệt là trận ở sông Nậm Rốm, địch liều chết, quyết đánh và gọi xe tăng, máy bay chi viện cho cứ điểm A1. Chúng tôi được lệnh chặn quân tiếp viện. Sau trận đánh ấy, chúng tôi quay lại A1, đồng đội hy sinh nhiều. Cả tiểu đội yểm trợ cho chúng tôi của Trung đội bạn cũng hy sinh hết…”, người lính già nghẹn giọng.

Người lính già và ký ức “khoét núi, ngủ hầm…” - ảnh 2

“Sống rồi, chúng ta sống rồi...”. Vui, phấn khởi, sung sướng vì thắng trận, nhưng xen lẫn là cảm giác đau thương. Có những đồng đội vừa hôm qua thôi còn sát cánh chiến đấu, hôm nay khi giành được chiến thắng thì họ đã không còn nữa, mãi mãi nằm lại trên ngọn đồi này…

(CCB PHẠM BÁ MIỀU)

Trong dòng ký ức dội về cuồn cuộn, ông Miều như đang đứng ở chiến hào năm xưa: “Thực ra, khi chiến đấu, chúng tôi không nghĩ tới sống và chết, chỉ mong đến bao giờ thì giải phóng được Điện Biên. Có thời điểm, đang đánh giặc rất hăng thì có lệnh của chỉ huy là rút quân ra, pháo cũng rút ra. Sau đó chúng tôi mới hiểu đó là chiến thuật của ta để chuyển phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”, đồng thời, củng cố lực lượng, đưa anh em mới tăng cường cho đủ quân số. Quân ta lúc ấy rất mừng vì điều đó”. Những ngày cuối của chiến dịch, quân Pháp liên tục được tăng cường lực lượng xuống Điện Biên Phủ, tuyến phòng ngự của chúng ngày càng kiên cố. Sở chỉ huy chiến dịch của ta quyết định phân bố lực lượng, bao vây, cắt đứt liên lạc giữa các cứ điểm của địch và tiêu diệt từng cứ điểm một. Các hướng lên đồi khi đó địch bố trí trận địa rất chặt chẽ và kiên cố. Dưới đất xe tăng quần, trên trời máy bay thi nhau ném bom, nã đạn.

“Hai bên cứ giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào ở trên đồi A1 như thế. Nhưng quân ta đánh chắc lắm. Tới thời điểm địch co cụm lại, chúng tôi cảm tưởng địch những ngày đó thay nhau chịu trận thôi. Đến ngày giải phóng, tôi vào hầm của địch. Mọi thứ sinh hoạt, cứu thương, chiến đấu của địch đều trong hầm đó. Nếu ta không đánh, 1-2 ngày nữa chắc quân địch cũng chết trong ấy. Thế nhưng, chúng ngoan cố chống trả, liều chết đến cùng…”, ông Miều hồi tưởng.

Người lính già và ký ức “khoét núi, ngủ hầm…” - ảnh 3
Người lính già Phạm Bá Miều cùng nhóm phóng viên Văn Hóa tại đồi A1

Quên mình vì Tổ quốc

56 ngày đêm ác liệt đó, các chiến sĩ Điện Biên đã quên đi cái chết. Khi chúng tôi hỏi, động lực nào để các chiến sĩ Điện Biên đã anh dũng chiến đấu, quên mình như thế, ông Miều xúc động: “Những lá thư của Bác Hồ lúc đó là nguồn động viên vô cùng lớn với chúng tôi. Ngày 11.3.1954, trước ngày nổ súng tiến công trận Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sĩ. Người căn dặn: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”.

Bức thư thứ 2 Bác gửi ngày 15.3.1954, sau khi quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam. Người khen ngợi, cổ vũ và căn dặn toàn thể cán bộ, chiến sĩ: “Bác và T.Ư Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và T.Ư Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan, khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thường động viên các chiến sĩ rất kịp thời. Vì thế, chúng tôi luôn giữ tinh thần quyết chiến quyết thắng. Người cựu binh già gật đầu đồng ý khi chúng tôi muốn được cùng ông lên đồi A1. Sớm tháng 4, trong hào khí chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cùng chúng tôi đến từng điểm di tích trên đồi A1, vừa đi vừa kể chuyện. Bên hố bộc phá, ông nhớ lại, khoảng tháng 4.1954, Tiểu đội do ông làm Tiểu đội trưởng đã kết hợp với Đại đội công binh đào đường hầm ngầm từ chân đồi vào Sở chỉ huy của địch để đặt khối bộc phá này.

Đây được cho là “chìa khóa”, bước quan trọng để tiêu diệt cứ điểm đồi A1, quân ta rất quyết tâm. Khi đó, Điện Biên đang là mùa mưa, mưa tầm tã suốt mấy ngày liền, hàng trăm chiến sĩ trong đại đội thay nhau đào hầm ngầm, bất chấp những bất lợi từ thời tiết. 13 ngày sau, đường hầm ngầm mới hoàn thành để quân ta đặt khối bộc phá nặng 960kg. “Đêm 6.5.1954, chúng tôi được lệnh kích nổ khối bộc phá. Đồi A1 như rung chuyển, khối bộc phá tiêu diệt gần một đại đội của địch. Khí thế quân ta khi đó dâng cao hừng hực, khắp vùng lòng chảo vang lên tiếng hô xung kích. Quân địch còn lại hết sức choáng váng, chống cự yếu ớt. Thừa cơ, quân ta đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1. Tiếng nổ của khối bộc phá cũng là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ”, ông Miều xúc động nhớ lại. Chiều 7.5.1954, khi nhận được tin giặc đầu hàng, chúng tôi có 5 người đang ở bên nhau. Người thì hát, người thì khóc, người nhảy lên vì vui sướng. Còn tôi thì nói: “Sống rồi, chúng ta sống rồi...”. Vui, phấn khởi, sung sướng vì thắng trận, nhưng xen lẫn là cảm giác đau thương. Có những đồng đội vừa hôm qua thôi còn sát cánh chiến đấu, hôm nay khi giành được chiến thắng thì họ đã không còn nữa, mãi mãi nằm lại trên ngọn đồi này”, người lính già run run nhớ về đồng đội. Sau giải phóng Điện Biên, năm 1955, gia đình ông Miều ở Thái Bình cưới vợ vắng mặt cho ông. Người lính già kể chuyện: “Trước khi vào lính, tôi và vợ cùng là du kích ở làng. Chúng tôi tìm hiểu nhưng chưa đến được với nhau vì hoàn cảnh gia đình. Sau giải phóng Điện Biên, nghe tin tôi còn sống, ở nhà hai bên gia đình tổ chức đám cưới vắng chú rể. Nghe nói đám cưới rất vui, còn tôi thì chẳng hề hay biết. Đến khi về quê sau nhiều năm biền biệt trong quân ngũ, tôi mới biết mình đã có vợ…”. Vợ chồng ông Miều sau đó đã lên Điện Biên định cư, phát triển kinh tế.

Cùng chúng tôi đứng bên hố bộc phá năm xưa ôn lại ký ức, người cựu binh già mắt nhòe dấu thời gian, run run đọc những câu thơ về chiến sĩ Điện Biên mà ông nói đã mang theo suốt cuộc đời mình: “Chiến sĩ Điện Biên đồng chí ơi/ Xin anh sống mãi ở trên đời/ Để nghe anh kể ngàn thế kỷ/ Sang sảng hùng ca đất với người”…

Ý kiến bạn đọc