Nghinh Môn cổ thời Nguyễn ở Thanh Hóa bị xuống cấp
VHO- Nghinh Môn thời Nguyễn - đền Thánh Cả ở thôn Vạn Thắng, xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), một trong những di tích có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật đang có dấu hiệu xuống cấp, cần có phương án bảo quản, tu bổ.
Nghinh Môn thời Nguyễn - đền Thánh Cả lđang có dấu hiệu xuống cấp
Đền Thánh Cả là một ngôi đền cổ, thờ Tứ vị Thánh Nương, có kiến trúc đặc sắc, nằm trên một gò đất bồi thuộc thôn Vạn Thắng, xã Đa Lộc. Đền có hậu cung, tiền đường 5 gian. Hai bên tả - hữu có dải vũ và nơi thờ Thành Hoàng làng. Khu Nghinh Môn trước đền còn lại gần như nguyên vẹn, có cấu trúc 3 tầng mái cong, tường hai bên đắp voi, ngựa đối xứng. Các cột nanh có câu đối chữ Nho, là một hệ thống văn tự còn lưu lại. Trên tầng 3 của Nghinh Môn mặt ngoài có 3 từ: “ Thượng đẳng từ” , mặt trong có 2 từ: “ Linh từ”. Hiện đền Thánh Cả không còn diện mạo đầy đủ như xưa nhưng với sự tồn tại của cổng Nghinh Môn - một công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu của thời Nguyễn, góp thêm tư liệu cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về đặc điểm kiến trúc cả giai đoạn lịch sử này trong nền kiến trúc dân tộc. Năm 2010, đền Thánh Cả đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh.
Một số hình ảnh Nghinh Môn - đền Thánh Cả xuống cấp:
Bờ tường và mái vòm bị nứt
Chân tường Nghinh Môn bị lở
Người dân địa phương mong muốn thời gian tới, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương sớm có phương án bảo quản Nghinh Môn cổ này để lưu giữ lại một di tích lịch sử có ý nghĩa to lớn đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
NGUYỄN LINH