Nghê, chuyện của một chứng nhân lịch sử
VH- Khi tôi chọn tên sách Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa, tôi ngầm ám chỉ số phận hẩm hiu của con nghê, một trong những con vật linh đặc trưng và tiêu biểu nhất cho văn hóa Việt. Không chỉ thế, cho đến bây giờ, con nghê vẫn là một phần của lịch sử văn hóa Việt Nam, với tất cả những cung bậc thăng trầm của nó. Đặc biệt, hình ảnh con nghê trong thế kỷ XVI-XVII-XVIII là một nhân chứng quan trọng cho những biến đổi của xã hội Đại Việt đương thời.
Con nghê, một nhân chứng cho nền ngoại thương Đại Việt
Có một tác nhân quan trọng liên quan tới sự bùng nổ phong trào xây dựng đình làng ở Đàng Ngoài, đó chính là ngoại thương. Trước đây, từng có cách giải thích về sự phát triển của ba thế kỷ vàng của nghệ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam thời Mạc và Lê Trung Hưng là do mâu thuẫn xã hội, kết quả của phong trào đấu tranh của nông dân. Nếu kiến giải trên là đúng, thì ta hẳn thấy rất nhiều những cảnh giao đấu, cảnh can qua đ ầ u rơi máu chảy. Nhưng lạ thay, tuyệt nhiên ta chỉ thấy những cảnh sinh hoạt đời thường, cảnh vui chơi, tắm gội, du hý, trai gái vui đùa, đàn ca sáo nhị.
Trong hướng nghiên cứu những quá trình hội nhập quốc tế của vương quốc Đại Việt, Hoàng Anh Tuấn trong bài viết Quốc tế hóa lịch sử dân tộc - Toàn cầu hóa cận đại sơ kỳ và lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII, đã khơi lên một vấn đề rất đáng xem xét lại các quan điểm trước đây. Đây là thời kỳ bắt đầu thâm nhập Đông Á của người Bồ Đào Nha (vào Trung Quốc và Nhật Bản) và người Tây Ban Nha (vào Philippines). Tuy nhiên, sang thế kỷ XVII, tình hình chính trị, kinh tế và xã hội Đại Việt ngày càng bị chi phối mạnh bởi bối cảnh khu vực và quốc tế. Sau khi thiết lập được mạng lưới kết nối Nagasaki (Nhật Bản), Macao (Trung Quốc), Malacca, Goa (Ấn Độ), Lisbon (Bồ Đào Nha), người Bồ Đào Nha bắt đầu mở rộng quan hệ buôn bán và truyền giáo với vùng đất Đàng Trong (từ cuối thế kỷ XVI) và Đàng Ngoài (từ đầu thế kỷ XVII). Các công ty như Đông Ấn Anh (EIC) lập thương điếm kinh doanh tại Đàng Ngoài trong giai đoạn 1672 - 1697. Xứ Đàng Trong, công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) được sự ủng hộ của các chúa Nguyễn đã có quan hệ mật thiết với Đàng Trong suốt ba thập niên đầu thế kỷ XVII, trước khi chuyển ra Đàng Ngoài từ năm 1673 đến 1700. Ngoài ra, các thương nhân Tây Ban Nha, Pháp cũng có quan hệ với Đàng Ngoài từ cuối thế kỷ XVII.
Cuốn sách Những người châu Âu ở nước An Nam của C.B. Maybon đã mô tả chi tiết hoạt động thương mại và truyền giáo của phương Tây giai đoạn này. Qua nghiên cứu của Maybon, chúng ta hình dung được tâm trạng, những trải nghiệm của những thương gia phương Tây trong các cuốn sách như Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài của Jean - Baptise Tavernier hay Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688 của William Dampier. Từ những trang viết này, chúng ta có một nhận thức mới hơn về xứ sở Đàng Ngoài. Sự xuất hiện của các bà me Tây hay vợ hờ “hiring misses” đóng vai trò trung gian, cầu nối cho các thương vụ buôn bán với các công ty buôn bán nước ngoài.
Lần theo dấu chân nghê, ở đình Thổ Hà, tình cờ phát hiện ra đám giai Tây đang vui đùa, trêu ghẹo gái làng. Thật lạ lùng, nó lại xuất hiện ở trên các đầu dư của cột cái. Mà theo lệ xưa, ở bốn cột cái này là bốn cây cột linh thiêng nhất của làng. Tục xưa truyền lại, ở bốn cây cột này nhất thiết là cột của làng, nếu có tiền, muốn cung tiến thì làng chỉ dành cho các cột quân.
Con nghê trên đầu dư cột quân, sát gian thờ, đang ngoác miệng cười trước cảnh trai Tây đang vui đùa với gái làng. Ở đầu dư đối diện, hình ảnh một gã Tây với đặc trưng chiếc mũ phớt rộng vành, đang cưỡi nghê. Thực ra, ở đình Tiên Chưởng, cũng còn rất rõ với hoạt cảnh thuyền Tây về bến. Bức chạm này kể lại một tình tiết có thực thời đó, trùng hợp với những ghi chép trong các cuốn sách của người phương Tây từng đến Đại Việt.
Nghê, nhân chứng cho những thay đổi quan niệm về giới tính
Nho giáo thời Lê Sơ được chính quyền phong kiến tôn sùng. Nho giáo đề cao người quân tử, nhưng mẫu người quân tử đó sinh ra ở đời để Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ. Nho giáo không bàn đến quỷ thần đã đành, nhưng cũng lảng tránh khi bàn đến nhục dục, đến giới tính.
Xã hội Đại Việt thời Lê Trung Hưng đã diễn ra những thay đổi to lớn về giới. Cho nên, các mảng chạm khắc ở đình làng đã có nhiều mảng chạm rất phồn thực. Đình Phù Lão từ lâu đã nổi tiếng với những hoạt cảnh phồn thực, những cảnh nam nữ giao hoan rất táo bạo. Trên bảy hiên, ngay ở lối vào đình chạm một tiên nữ khỏa thân ngủtrên râu rồng. Chứng kiến cảnh tượng này, ngoài một gã trai đang lén nhìn trộm, còn có một chú nghê đang toét miệng cười. Gã trai kia vì muốn giữ im lặng để tha hồ ngắm tấm thân ngọc ngà của cô tiên nên đã giơ tay ra hiệu cho nghê im lặng. Rõ ràng, nghê là linh vật gần gũi với người Việt nhất, chia sẻ mọi vui buồn với con người. Bức chạm nghê ở đình Phù Lão kể lại một hoạt cảnh vui nhộn, khiến ta liên tưởng tới bài thơ Thiếu nữ ngủ ngày của Hồ Xuân Hương.
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào nguyên nước chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.
Chưa hết, trong đình còn chạm một cảnh một ông lão già và một cô gái trẻ đang cười sung sướng, chen giữa là một con nghê đang ngoác miệng cười hết cỡ. Thật táo bạo với hình ảnh cô gái trong dáng vẻ khỏa thân.
Không chỉ ở đình làng, ngay ở chốn thiêng của đạo Nho, nghê cũng làm chúng ta không khỏi bất ngờ. Cửa Đại Thành Môn bước vào sân Đại Bái, điện Đại Thành có tới sáu con nghê. Đây là dạng nghê cối cửa. Nhưng đó không phải là những con nghê chung chung mà đích thị là những con nghê đực. Đại Thành Môn có ba cánh cửa đón sĩ tử vào ra với nụ cười hân hoan của ba đôi nghê (hai đôi bằng gỗ, một đôi bằng đá). Khi bước qua bậc cửa, nếu ngoái đầu nhìn xuống ta sẽ bất ngờ với những cặp mông tròn căng, lộ rõ đôi hạt ngọc hoàn. Cũng thật lạ, nghê cối cửa mà ta từng thấy ở đình So, đình Đình Bảng, đình Đông Ngạc chỉ khoe những cặp mông tròn căng, quá lắm là cái đuôi ngúng nguẩy, chứ không thấy khoe đôi hạt cà như đám nghê ở cổng Đại Thành Môn này.
Những cặp nghê đực mách bảo cho ta cái ước vọng rất nông dân của người Việt, mong cho đông con nhiều cháu, dài dòng lớn họ, mong cho con đàn cháu đống và có nối dõi tông đường ra vào nơi đèn sách khoa cử, rạng danh chốn bia đá bảng vàng.
Cuốn sách Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa mang cái nhìn vi lịch sử (Microhistory), ẩn chứa những câu chuyện đời thường, thậm chí bông lơn, tếu táo. Đó là những câu chuyện nhỏ của một linh vật ngồi chầu rìa. Nhưng những câu chuyện ấy làm cho bức tranh lịch sử thời Trung Đại thêm sinh động, nó chứng minh rằng lịch sử Việt Nam không chỉ là lịch sử của các cuộc chiến tranh, không chỉ là những khát vọng chiến thắng, những câu chuyện về các vĩ nhân và anh hùng, nó đầy ắp những mơ ước nho nhỏ về ấm no và hạnh phúc.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế