Thừa Thiên Huế:

Ngành Văn hoá, Thể thao định vị trước những yêu cầu phát triển mới

PHAN THANH HẢI, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế

VHO - Niên kỷ 2024 chuẩn bị kết thúc, cũng là thời điểm đất nước ta bước vào một giai đoạn mới, xây dựng một kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, cả dân tộc vươn mình sánh vai các cường quốc bạn bè thế giới.

Ngành Văn hoá, Thể thao định vị trước những yêu cầu phát triển mới - ảnh 1
Ngành Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế trong phạm vi thực hiện những nhiệm vụ năm 2024, phần nào góp sức làm sáng tỏ và vinh danh những giá trị văn hóa dân tộc, những cơ hội khẳng định của sức mạnh trí tuệ nhân dân

Đây là lựa chọn cần thiết, định vị lại tầm vóc quốc gia, vững vàng đưa những thế hệ tương lai vào cung đường phát triển mạnh mẽ. Ý chí và toàn lực của dân tộc, của nhân dân, theo đó, đang thể hiện đầy đủ và toàn diện. Quan trọng là, lựa chọn này đồng nghĩa với yêu cầu nhìn lại những gì đã trải qua từ hành trình cả nước mà những giá trị gốc rễ văn hóa, đạo đức của toàn xã hội, chính là điểm mấu chốt để khẳng định và tự cường.

Chiến lược phát triển văn hóa quốc gia, vì thế, phải là một trong những vấn đề cần được đánh giá, phân tích tỏ tường để mạnh dạn cơ cấu lại, kiên định rõ hướng đi tới, những yêu cầu phải bảo toàn, xây dựng và kiến thiết sao cho lộ trình tiếp theo được vững chắc, đầy đủ và minh bạch.

Ngành Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế trong phạm vi thực hiện những nhiệm vụ năm 2024, phần nào góp sức làm sáng tỏ và vinh danh những giá trị văn hóa dân tộc, những cơ hội khẳng định của sức mạnh trí tuệ nhân dân.

Riêng trong năm nay, ngành đã tham gia, cùng toàn tỉnh tham mưu xây dựng đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, với những giá trị bản sắc về văn hóa, di sản và du lịch. Đây là một dấu ấn quan trọng, thể hiện sức mạnh đoàn kết và hành động của toàn ngành.

Ngành đã tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 15; Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2024; phối hợp tổ chức Liên hoan Múa quốc tế - Huế 2024, cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật cộng đồng đặc sắc khác.

Ngành đã chủ trì thẩm định, trình các hồ sơ, dự án tu bổ di tích thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế, di tích văn hóa dân gian; hoàn chỉnh một số hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh và quốc gia; hoàn thiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế”, trình hồ sơ ghi danh di sản “Tri thức may, mặc áo dài Huế”…

Ngành đã tham mưu trình HĐND tỉnh các nghị quyết hỗ trợ nghệ sĩ, nghệ nhân; tổ chức các hoạt động lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể; báo cáo nghị quyết xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc quốc gia và vùng Đông Nam Á…

Song hành văn hóa, ngành Thể thao cũng đã tổ chức thành công các giải thi đấu cộng đồng, thể thao nhân dân, tham gia và đạt nhiều giải thưởng trong các giải đấu quốc gia và quốc tế, trong đó có 35 huy chương quốc tế…

Những kết quả này, hòa nhập vào lịch trình phát triển, bảo tồn văn hóa địa phương những năm qua, cho phép ngành Văn hóa – Thể thao Thừa Thiên Huế rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng, để tiếp tục định hình những yêu cầu phát triển trong thời gian tới, hòa vào khí thế phát triển chung.

Yêu cầu cần nhận chân của công tác phát triển văn hóa địa phương thời gian tới, là góp phần tích cực vào công cuộc đầu tư công nghiệp văn hóa, tôn vinh các di sản truyền thống của cả nước, nhằm định vị rõ văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, không chỉ tạo giá trị kinh tế mà còn xây dựng một hình ảnh Việt Nam tự tin, sáng tạo và đầy bản lĩnh.

Công cuộc ấy, đang thể hiện rõ nét qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa 2025 – 2035.

Ở đây, phải nhận diện, Thừa Thiên Huế là vùng đất đặc thù về lịch sử văn hóa, đã có một chiều dày phát triển trong hành trình văn hóa dân tộc, là nơi quy tụ những giá trị di sản, những thành quả trí tuệ dân tộc, nhân dân cần có sự quan tâm, bảo tồn xứng đáng.

Sách lược xây dựng, bảo vệ văn hóa Huế là phải cân bằng, chọn lọc, chỉ ra những điểm cần bảo tồn, về vật chất với quần thể các di tích đang xuống cấp bởi thời gian, thiên tai, bởi sự thay đổi thời đại, lối sống; về những giá trị văn hóa phi vật thể đang bị bào mòn, biến dạng bởi ảnh hưởng kinh tế thị trường, kinh tế số, thương mại điện tử…

Những tác động từ những hoạt động đời sống mới qua xã hội số, kinh tế số, công dân số đã làm nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhân bản bị xóa nhòa, trong khi những loại giá trị bề ngoài, ảo tưởng, lợi dụng tâm linh, tâm lý xã hội lại bành trướng phát triển; thậm chí hình thành một bộ phận người trẻ xa rời những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, thỏa hiệp cái tôi quá mức, bất chấp đạo đức cộng đồng, lệch chuẩn lối sống...

Vì thế, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa phải trở thành nhu cầu thiết yếu, tác động tiến trình phát triển tiếp theo của địa phương, làm sao vừa củng cố các giá trị văn hóa, vừa khơi gợi tốt các nguồn lực xã hội.

Mong muốn của ngành Văn hóa địa phương, là qua chương trình sẽ làm rõ hơn những vấn đề thiết yếu về công tác bảo tồn, tôn vinh, lan tỏa các di sản văn hóa truyền thống; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, khai thác nguồn lực kinh tế như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, du lịch văn hóa, phần mềm và trò chơi điện tử…

Khía cạnh thể thao có thể tăng cường các hoạt động cộng đồng, các chương trình thi đấu quốc tế, nêu cao hình ảnh con người Việt Nam, tài năng trẻ Việt Nam…, thu hút các nguồn lực đầu tư kinh tế thể thao, phát huy những giá trị văn hóa thể thao đặc thù, liên quan đến truyền thống như vật, võ cổ truyền…

Quan trọng hơn, qua chương trình, địa phương tăng các điều kiện hình thành những không gian sáng tạo, những “vườn ươm” ý tưởng, để các thế hệ trẻ tích cực tham gia và phát triển tài năng.

Đây chính là chiến lược quan trọng để Thừa Thiên Huế tham gia tích cực, hiệu quả vào Chương trình hành động chung, góp sức tạo sức mạnh chung, cả dân tộc bước vào thời kỳ mới với tâm thế vững vàng.