Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi

VHO - Chiều ngày 20.3, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” (2019 - 2023).

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi - Anh 1

Hoạt động hô Bài Chòi tại chợ quê cầu ngói Thanh Toàn thu hút nhân dân và du khách tham gia

Quá trình thực hiện đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019- 2023” đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cùng sự đồng tình ủng hộ của lực lượng nghệ nhân, cộng đồng nhân dân; đặc biệt, có sự hưởng ứng tích cực của các trường học trên địa bàn. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và đạt được những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi tại tỉnh Thừa Thiên Huế - là một trong 9 tỉnh, thành miền Trung có loại hình di sản đã được UNESCO vinh danh từ năm 2017.

Hiện nay, nhiều địa phương tại Thừa Thiên Huế thường tổ chức thực hành di sản nghệ thuật Bài Chòi, như tại xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy); thị trấn Phú Lộc, xã Vinh Hưng, xã Vinh Mỹ, xã Giang Hải (huyện Phú Lộc); thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền); xã Hương Lộc (huyện Nam Đông)… Vào các dịp diễn ra Lễ hội “Chợ quê ngày hội”, các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, các ngày lễ hoặc dịp cuối tuần, không gian thực hành và trải nghiệm chơi Bài Chòi tại di tích cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh thường thu hút nhân dân và du khách tham gia. Đến nay thị xã Hương Thủy đã thành lập 6 câu lạc bộ Bài Chòi trên địa bàn nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch trong và ngoài nước, gắn với sinh hoạt của các Câu lạc bộ Bài Chòi.

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi - Anh 2

Các nghệ nhân am hiểu về thực hành di sản nghệ thuật Bài Chòi tại Huế không còn nhiều

Trong thời gian qua, Sở VHTT cũng đã phối hợp với các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều lớp tập huấn hát Bài Chòi, đặc biệt đưa di sản Bài Chòi vào trường học nhằm trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ trẻ…

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu Bài Chòi có nguy cơ mai một, thất truyền nhằm xây dựng kế hoạch bảo tồn phù hợp với đặc trưng, bản sắc của di sản nghệ thuật Bài Chòi tại Thừa Thiên Huế. Sở VHTT cùng các địa phương đã sưu tầm tư liệu, hiện vật trên địa bàn 9 huyện, thị xã và TP.Huế với hơn 300 câu hò đoạn trích về các quân Bài Tới; qua đó, đã biên soạn ấn phẩm “Hò Bài Chòi Huế” để giới thiệu đến bạn đọc những câu hò thường được các nghệ nhân sử dụng trong các dịp hội Bài Chòi ở Huế…

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi - Anh 3

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen cho 5 cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi

Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải, nhận định: Đề án đã đạt được những kết quả nhất định nhưng về lâu dài còn nhiều khó khăn, thách thức. Môi trường diễn xướng của di sản Bài Chòi chưa nhiều, chủ yếu chỉ hoạt động vào các dịp Tết, lễ; và số đông du khách ít am hiểu về di sản Bài Chòi. Hầu hết các nhóm, câu lạc bộ thực hành Bài Chòi dân gian trên địa bàn tỉnh là hoạt động tự nguyện. Công táctruyền dạy ởcác câu lạc bộ Bài Chòi còn hạn chế, chủ yếu truyền dạy lời hò giữa các thành viên trong gia đình, làng xã. Mô hình hoạt động của câu lạc bộ, nhóm Bài Chòi tại các làng xã mang tính chất tự thu tự chi; kinh phí chủ yếu dựa vào các khoản thu tại các buổi biểu diễn Hội Bài chòi vào dịp lễ hội hoặc do sự đóng góp của các thành viên trong câu lạc bộ… nên khả năng tổ chức hoạt động nhân rộng và phát triển nghệ thuật trình diễn Bài Chòi gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: để nâng cao hiệu quả công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trong thời gian tới, Sở VHTT cần tiếp tục xây dựng đề án đến năm 2030; trên cơ sở đánh giá những kết quả và kinh nghiệm của 5 năm vừa qua để đưa ra những nội dung mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản Bài chòi; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc sưu tầm, kiểm kê, hệ thống hóa về đi sản nghệ thuật Bài Chòi.

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi - Anh 4

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen cho 5 tập thể có thành tích trong thực hiện đề án

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, lan tỏa di sản nghệ thuật này trong cộng đồng; nâng cao hiệu quả chương trình đưa di sản Bài Chòi vào trường học; xây dựng đội ngũ nghệ nhân có chất lượng, đào tạo được đội ngũ kế cận để tiếp nối, phát huy giá trị cũng như tổ chức nhiều sân chơi, cuộc thi liên quan đến di sản Bài Chòi; đăc biệt đưa nghệ thuật Bài Chòi trở thành sản phẩm du lịch lịch đặc sắc để thu hút du khách nhằm bảo tồn, phát huy phù hợp đặc trưng, bản sắc của di sản nghệ thuật Bài Chòi Thừa Thiên Huế.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi giai đoạn 2019- 2023.

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc