"Một năm là cả bốn mùa xuân"
VH- Cứ mỗi độ xuân về, như đã thành lệ thường, nhân dân ta đều ngóng chờ thơ Bác. Bởi thơ Người , không chỉ là lời chúc phúc đầu năm, mà hơn thế nữa, như một lời hịch hiệu triệu non sông hay dự báo thời cuộc cho năm tới. Xuân này, chúng ta kỷ niệm năm mươi xuân - Xuân Bác Hồ viết nhiều thơ xuân nhất (1968 -2018).
Điều đặc biệt là chùm thơ xuân ngày ấy (gồm 6 bài) được viết ở những thời khắc khác nhau, với những nội dung và cách biểu đạt khác nhau, nhưng tất cả đều khởi nguồn từ niềm tin và niềm vui chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Tháng 12.1967, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và thế giới, đã quyết định mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968).
Ngày mùng 1 tết dương lịch, Bác có thư gửi chúc mừng đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân ngày đầu năm mới. Trong thư Bác đã điểm lại những thắng lợi của quân và dân ta ở cả hai miền trong năm 1967 và tin rằng năm 1968 quân và dân ta thừa thắng xông lên, nhất định giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Người cũng trân trọng gửi lời chúc mừng nhân dân thế giới và kiều bào ta ở nước ngoài. Kết thúc thư, Người chúc năm mới đồng bào và chiến sĩ cả nước ta bằng bài thơ:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam-Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!(1)
Thật tài tình! Chỉ với một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, vừa ngắn gọn, dễ hiểu, Bác Hồ đã cho chúng ta cả một bài ca chiến thắng, một dự đoán thiên tài về sự tất thắng của quân và dân ta trong trận đánh lịch sử mừng xuân này.
Từ đầu năm dương lịch 1968, Bác sang chữa bệnh ở Trung Quốc. Xa tổ quốc nghìn trùng, suốt đêm giao thừa Bác ít ngủ. Ngay sáng mùng 1 Tết, Bác đã đọc cho đồng chí Vũ Kì - Thư kí của Người - chép bài thơ:
Đã lâu không làm bài thơ nào,
Nay lại thử làm xem ra sao?
Lục khắp giấy tờ, vần chửa thấy,
Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao. (2)
Quả đúng như Bác mong mỏi, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã diễn ra vào đúng thời điểm Giao thừa của Tết âm lịch - tức đêm ngày 30, rạng ngày 31.1.1968. Các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam đã đồng loạt tấn công ở cả 64 thành phố, thị xã, các sào huyệt và cơ quan đầu não của địch...
Tại thành phố Huế, quân ta đánh chiếm 40 mục tiêu quan trọng, nhân dân đã nổi dậy thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều nơi. Bác Hồ đã gửi thư khen đồng bào, chiến sĩ miền Nam và làm thơ khen 11 nữ dân quân Huế đã chiến đấu vô cùng anh dũng:
Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường,
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.
Bác khen các cháu dân quân gái,
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.(3)
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 đã làm cho người Mỹ hoảng sợ, thế giới vô cùng kinh ngạc và khâm phục. Thắng lợi đó đã làm lung lay ý chí xâm lược, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris. Tin thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam càng khẳng định sức mạnh lớn của quân dân ta trong những thử thách vô cùng quyết liệt của cuộc chiến đấu có một không hai này. Cuối xuân, Bác viết bài thơ bằng chữ Hán “Mậu Thân Xuân tiết” (Tết Mậu Thân):
“Tháng tư hoa nở một vườn đầy,
Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi.
Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá,
Hoàng oanh vút tận trời.
Trên trời mây đến rồi đi,
Miền Nam thắng trận
báo về tin vui”(4)
Cũng dịp đầu xuân Mậu Thân 1968, Bác Hồ còn có hai bài thơ nữa - thơ rất riêng của Người về việc từ bỏ thói quen đã đồng hành cùng Người gần như suốt cả cuộc đời, đó là hút thuốc lá.
Từ năm 1966, khi sức khoẻ của Bác Hồ đã suy giảm nhiều so với những năm trước, thấy Người ho nhiều, để giữ gìn sức khoẻ cho Người, các bác sĩ đã đề nghị “hai chớ” (chớ hút thuốc, chớ uống rượu). Kiêng rượu thì không khó, vì xưa nay Bác không nghiện, chỉ thi thoảng uống li rượu thuốc vào bữa ăn tối. Song bỏ thuốc thì là cả một vấn đề, vì Bác đã hút trên 50 năm. Bác đã từng nói vui: “Người Pháp hay hài hước, có người đã bảo rằng: Bỏ thuốc lá rất dễ, nên có người đã bỏ tới 50 lần!”. Để thực hiện lời khuyên của bác sĩ, Bác Hồ định ra kế hoạch bỏ thuốc lá, rồi nghiêm túc thực hiện. Người giao thuốc cho đồng chí Vũ Kỳ quản lý, mỗi ngày chỉ hút ba lần và hút giảm dần: tuần đầu mỗi lần hút 2/3 điếu, tuần thứ hai hút 1/2 điếu, tuần thứ ba hút 1/3 điếu, tuần thứ tư chỉ một vài hơi. Người bỏ luôn cả cà phê sáng. Người bảo: Cà phê ngon, nhưng uống thì Bác lại nhớ thuốc lá. Khi bỏ thuốc, Người cũng thôi uống rượu.
Vui niềm vui của riêng mình, giữa mùa xuân chiến thắng ấy, Bác Hồ đã “tự mình đề thơ làm chứng” về quá trình rèn luyện này. Đó là bài Nhị vật bằng chữ Hán:
“Thuốc không, rượu chẳng có
mừng xuân,
Dễ khiến thi nhân hoá tục nhân,
Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt,
Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần”. (5)
Từ bỏ một thói quen đã lâu năm mà nỗi nhớ đi cả vào trong mộng thì quả là bỏ không phải là điều dễ dàng. Nhưng, Người đã quyết tâm và thực hiện thành công. Đó là kết quả của ý chí và sự kiên trì. Và niềm vui phấn chấn tinh thần ấy lại được Người viết tiếp trong bài thơ “Vô đề” bằng chữ Hán:
“Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa xuân” .(6)
Ngoài 6 bài thơ xuân trên, tháng 5 năm 1968, khi cảm ơn lời chúc mừng sinh nhật của bầu bạn nước ngoài và nhân dân cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm mấy câu thơ:
“Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước ! Ta cùng con em ta”. (7)
Năm Mậu Thân 1968, Bác Hồ 78 tuổi, đã thuộc “lớp người xưa nay hiếm”, vậy mà Người quên tuổi tác, quên bệnh tật, tất thẩy chỉ đau đáu một nỗi niềm: Lo cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để Bắc Nam sum họp một nhà.
“Xin lắng nghe... Phút giao thừa đang chuyển Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến” (Tố Hữu - Bài ca Xuân 68) |
Xuân Mậu Tuất - 2018
TS Chu Đức Tính
1,2,3,4,5,6,7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H, 2011, Tr : 417, 422, 434, 451, 435, 459.