Linh thiêng miếu Hùng Vương làng biển

LÊ VĂN CHƯƠNG

VHO - Xã Chí Công thuộc huyện Tuy Phong (Bình Thuận) có ngôi miếu Hùng Vương. Bước vào trong miếu, ban thờ đầu tiên đặt tượng Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh… Tiết Thanh minh là dịp bà con nơi đây tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc.

Linh thiêng miếu Hùng Vương làng biển - ảnh 1

 Bà con làng chài thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ

 Tại làng chài, những chiếc tàu cá công suất lớn bơm đầy nhiên liệu vừa tấp nập mở biển ra quần đảo Trường Sa sau 3 ngày cả làng tổ chức giỗ.

Bến đỗ ghe bầu


Xã Chí Công nằm trên Gành Son, gắn với rất nhiều câu chuyện lịch sử suốt mấy trăm năm qua. Thời trước, nơi đây có tên là làng Duồng. Lịch sử hơn 550 năm Thừa tuyên Quảng Nam (năm 1471 là đơn vị hành chính mới do vua Lê Thánh Tôn đặt, gồm 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) thường nhắc đến Gành Son, vì nơi này giống như một trạm nghỉ của những chiếc thuyền buồm, ghe bầu đi từ Thừa tuyên Quảng Nam vào Thuận Thành trấn.

Nằm trên một địa thế khá đặc biệt, xã Chí Công trải dải trên Gành Son và nằm nhoài ra phía biển khoảng 1 km. Miếu Hùng Vương thờ tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ việc ngôi làng này là nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành từng đến và ở tại chùa Phước An. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận còn ghi lại: Trên đường vào Nam, cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành đã đến Duồng (thôn Hà Thủy, xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Thuận Hải, nay là tỉnh Bình Thuận). Ở lại Duồng gần một tháng, được sự giúp đỡ của cụ Trương Gia Mô, Nguyễn Tất Thành vào dạy ở Trường Dục Thanh. Phan Thiết là nơi Nguyễn Tất Thành sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân lâu nhất trên đường từ Huế vào Nam để ra đi tìm đường cứu nước…

Trong tiết Thanh minh tháng 2 âm lịch của làng Chí Công thường có Hát bội. Thời Pháp thuộc, hội bình thơ của các Nho sĩ yêu nước đã tổ chức Hát bội và quyên góp tiền cho các phong trào hoạt động, ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt. Đoàn Thanh niên xã phát hành tờ báo với cái tên khá độc đáo là Mạnh. Tờ báo Mạnh thường có 4 câu thơ: “Mạnh bước đi theo ngọn cờ hồng/ Đồng tâm tiêu diệt kẻ thù chung/ Hy sinh đáp lại lời sông núi/ Quyết xứng danh tài trai Chí Công”.

Chính quyền bảo hộ Pháp thời ấy đã chú ý tới làng Duồng, đề cập nơi đây là một phố thị: “Cách Phan Rí 7km về hướng Đông Bắc, Duồng là một đô thị gồm 6 làng, được 5.000 dân cư. Ở Duồng có một sở muối (Thương Chánh) và ba trường công hương…”. Duồng từng có ông Nguyễn Văn Luận là con trai của Hàn lâm thị giảng học sĩ Nguyễn Văn Phương, người đã đứng ra dấy binh để chống Pháp và gây cho chính quyền thực dân nhiều tổn thất.

Linh thiêng miếu Hùng Vương làng biển - ảnh 2

 Một tiết mục Hát bội tại miếu Hùng Vương

Tưởng nhớ các vị anh hùng

Đầu tháng 4 dương lịch nhằm ngày 26.2 âm lịch năm Giáp Thìn 2024, làng chài Chí Công lại tổ chức tiết Thanh minh, đây là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, như Đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Thanh minh trong tiết tháng 3/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Nhưng ở xã Chí Công, tiết Thanh minh đã trở thành dịp để con cháu tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc từ hàng ngàn năm trước. Ở các địa phương khác, Thanh minh là dịp đi tảo mộ, còn ở xã Chí Công thì đây là một ngày lễ lớn.

Ngư dân Trần Văn An cho biết, ngay từ lúc còn bé, cha và ông nội anh đã dẫn các con vào miếu dự tiết Thanh minh. Ông nội anh thường chỉ lên bàn thờ đặt rất nhiều di ảnh và giảng giải về những người đã chiến đấu hy sinh thời chống Pháp, rồi qua thời chống Mỹ. Đặc biệt, ông hay nhắc đến ông Nghè Mô, năm 1895 đã từ quan vào vùng Nam Kỳ, sau đó ở lại làng Duồng để vừa làm thầy lang, vừa tìm cách tập hợp lực lượng để chống Pháp.

Những năm trước đây, nhà cửa ở xã Chí Công được xây dựng khá thô sơ. Còn hiện nay, phần lớn nhà cửa của bà con đã được xây dựng khang trang, nhà mới nằm xen kẽ giữa những ngôi nhà cổ kính được gắn bảng xây dựng từ năm 1950, 1956, 1961 (đa số là những hộ chuyên sản xuất mắm)… làm cho khách phương xa cảm thấy quá khứ vẫn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày ở Chí Công.

Miếu Hùng Vương từng nằm ở ngoài đầu Gành Son, thời trước là điểm thắp hương ngưỡng vọng của dân buôn ghe bầu, ngư dân đi biển ở các xứ khác ghé lại. Sau này miếu được chuyển về giữa làng. Tiết Thanh minh năm 2024 được tổ chức trang trọng tại miếu và điểm nhấn là chương trình Hát bội. Trên sân khấu, 36 làn điệu nói lối thường, nói lối ai, nói lối xuân, nói lối sảng, ngâm tương tư, vịnh tương tư, hát nam bình ai… cuốn hút khán giả giữa tiếng sóng gió biển rì rào. Trong suốt 3 ngày, bà con neo đậu toàn bộ tàu, thuyền, thúng để đón chào sự kiện vừa quan trọng, vừa linh thiêng và gắn bó với cả cuộc đời của mỗi thế hệ người dân làng biển.

Để phục vụ Tiết Thanh minh, ngoài ông Trưởng ban còn có tới 15 ông Phó ban để trực hương, đèn và chương trình hát tuồng. Ông Đỗ Bắc, 73 tuổi, chức vụ trong Ban nghi lễ là Chấp cảnh, trang nghiêm gõ vào chiếc chiêng nhỏ trên bàn thờ. Giữa âm thanh ồn ào của Hát bội, ông nhắc tới việc ngôi làng này nằm doi ra ngoài mặt biển, và từ trước tới nay, con cháu lớn lên cũng dựa vào biển. Ông một thời đi làm biển và bây giờ về già thì lo phần lễ nghi, góp phần giáo dục truyền thống, cầu cho con cháu ra khơi đánh bắt được bình an, may mắn. 

 Diện tích tự nhiên của xã Chí Công là hơn 2.500 ha, nhưng dân số lên đến 4.796 hộ và 22.915 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Kinh (99,9%), còn lại là các dân tộc khác cùng chung sống như Chăm, Hoa, Khmer... Cả xã có hơn 519 thuyền và 2.462 lao động. Ngoài ra, một bộ phận dân cư sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, buôn bán, làm rẫy, làm vườn, trồng rừng, chăn nuôi…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc