Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười

VHO - Từ ngày 20 – 22.11 (tức từ ngày 8 đến 10.10 âm lịch), tại di tích đền Cả, phường Trung Lương, Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) tổ chức khai hội đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười năm 2023. Hàng ngàn người dân địa phương và du khách thập phương đã về tham dự lễ hội.

Sáng 22.11, TX Hồng Lĩnh tổ chức khai mạc lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười. Lễ hội gắn với các hoạt động và nghi lễ truyền thống nhằm góp phần bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, quảng bá tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh ở TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười - Anh 1

Lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh đánh trống, chiêng khai mạc lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười năm 2023.

Đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười hay còn gọi là đền Mỏ Hạc Linh Từ, theo tư liệu lịch sử thì được các bậc tiền nhân kiến tạo cách đây trên 700 năm, vào thời Nhà Lý. Đền có quy mô kiến trúc đồ sộ, được xây theo lối chữ “Nhất”; bao gồm: hậu cung (hay còn gọi là cung cấm), thượng điện, trung điện và hạ điện. Là ngôi đền lớn nhất của cả tổng nên được gọi là đền Cả. Còn tên gọi Dinh đô quan Hoàng Mười là gọi theo nhân vật thờ chính tại đền.

Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười - Anh 2

Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười - Anh 3

Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười hay còn gọi là Đền Mỏ Hạc Linh Từ, các bậc tiền nhân kiến tạo cách đây trên 700 năm, vào thời nhà Lý.

Đền được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau gữa ba con sông (sông Lam, sông La và sông Minh), ở vị trí 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất như hình mỏ Hạc (một con vật linh thiêng thường cưỡi trên lưng rùa để chầu trước các điện thờ). Chính vì vậy, thường được nhân dân gọi là đền Mỏ Hạc hay Mỏ Hạc Linh Từ, nghĩa là vùng đất linh thiêng của đền. Theo tín ngưỡng thờ đa thần của người Việt, đền Cả được Nhân dân phối thờ nhiều vị thần; trong đó có cả thiên thần, nhân thần và nhiên thần. Cụ thể: Ngoài vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười thì đền còn thờ thần Tam Lang (thần rắn) và bà Lê Thị Ngọc Dung, con gái nuôi của Vua Lê Thái Tổ. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Ngô Tiệp và Lê Thị Ngọc Dung cầm đầu toán tiên phong quay trở về cửa biển Xuân Hội, Nghệ An xứ, nhưng bị quân Minh dùng một lực lượng lớn chặn đánh. Mặc dù chiến đấu quyết liệt nhưng cuối cùng Lê Thị Ngọc Dung đã hy sinh anh dũng trên trận tiền. Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước vào năm 1427 vua Lê Lợi xưng vương đã truy phong cho các tướng sĩ hy sinh vì đại nghĩa. Và bà Ngọc Dung được phong là Biển Quốc Đoan Trang, Chính Thục Từ Hòa, Chính Phương Nương Đại Vương.

Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười - Anh 4

Lễ hội  góp phần bảo tồn, quảng bá tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh ở TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Thủ nhang Phạm Hồng Quang, Đền Cả Dinh Đô Quan Hoàng Mười cho biết: “Do biến cố thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thiên tai tàn phá làm ngôi Đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, khoảng năm 1968 đến 1972 vị trí ngôi Đền tọa lạc tại điểm xung yếu trên tuyến vận tải đường thủy Sông La – Sông Lam – Kênh nhà Lê qua cống Trung Lương nên đã bị bom đạn tàn phá. Vào những năm 1978-1980, Đền Cả còn bị lũ cuốn trôi và chỉ còn lại nền, chân móng cột nanh, bàn thời cộng đồng do người dân địa phương lập. Đền Cả Dinh Đô Quan Hoàng Mười trong những thập niên qua đã bị phế tích. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn, gìn giữ các di tích văn hóa, thể theo nguyện vọng của nhân dân và sự chấp thuận của Sở VHTT&DL tỉnh Hà Tĩnh, UBND Thị xã Hồng Lĩnh, UBND Phường Trung Lương đã tổ chức khởi công, khôi phục ngôi Đền và kêu gọi phát tâm công đức”.

Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười - Anh 5

Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười - Anh 6

Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến lễ đền

Tại Lễ khánh thành vào tháng 11.2024, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã trao Chứng nhận Đền đạt tiêu chuẩn Tam Tứ Phủ (Tín ngưỡng Thờ Mẫu) theo nghi lễ truyền thống Việt Nam. Đồng thời, Đồng thầy Thủ nhang Phạm Quang Hồng cũng được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao bằng Chứng nhận Tôn vinh Nghệ nhân ưu tú Văn hóa dân gian.
Hàng năm theo tục lệ của địa phương, để tưởng nhớ công lao của Đức Quan Ông Hoàng Mười và các vị thần được thờ tại đền đã có công trong việc trấn gữ và bảo vệ mọi người khỏi nạn giặc dã thiên tai, Nhân dân trong vùng đã mở lễ hội để tôn vinh công trạng, đồng thời cầu cho đồng bào an lạc, mùa màng tốt tươi.Lễ hội thường được tổ chức cả tháng 10 âm lịch, chính lễ vào ngày trùng thập (10.10)...

Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười - Anh 7

Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười - Anh 8

Lễ rước cấp thủy trong khuôn khổ Lễ hội Đền Cả - Dinh Đô Quan Hoàng Mười 

Năm nay, lễ hội được tổ chức gắn với nhiều hoạt động văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn, ý nghĩa như: Hội thi gói bánh chưng dâng thánh. Hội thi thu hút 120 cán bộ, hội viên phụ nữ, nông dân và đông đảo người dân các phường, xã trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh với 6 đội tham gia (theo điều lệ hội thi, trong thời gian 120 phút, mỗi đội thi phải hoàn thành gói 200 bánh chưng; nguyên liệu để gói bánh chưng từ lá dong, gạo nếp, nhân thịt lợn, hành và đậu xanh được các đội lựa chọn kỹ, chuẩn bị chu đáo.... Sau khi bánh chưng được gói, nấu chín, ban tổ chức hội thi sẽ căn cứ vào thời gian hoàn thành, kỹ thuật gói, chất lượng và hình thức để chấm điểm, đánh giá và trao giải thưởng cho các đội). Đặc biệt tại Đền Cả diễn ra nhiều lễ độc đáo như lễ rước cấp thủy,thể hiện tín ngưỡng cầu nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, gửi gắm ước vọng của nhân dân địa phương về một năm mùa màng tươi tốt, làm ăn thuận lợi; lễ rước bộ (lễ cung rước Quan Hoàng Mười vân du); nghi lễ kiệu thỉnh thập vị Hoàng tử Vương quan...
Tại lễ hội, còn có chương trình trình diễn "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" với sự tham gia của các nghệ nhân, thanh đồng, đạo quan đến từ các tỉnh, thành phố và của tỉnh Hà Tĩnh. Tại lễ khai mạc, Ban Tổ chức lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười đã trao giải hội thi gói và nấu bánh chưng dâng Thánh do Hội Nông dân TX Hồng Lĩnh tổ chức.

                                                                   PHẠM TƯỚC

Ý kiến bạn đọc