Quảng Ngãi:

Lễ giỗ 456 năm ngày mất của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán

NHƯ ĐỒNG

VHO – Sáng 20.6, tại Khu di tích quốc gia Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán ở phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi Hội đồng Bùi tộc tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ giỗ 456 năm ngày mất của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán (1568 – 2024). Dự lễ có lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở VHTTDL và rất đông con cháu tộc họ Bùi khắp mọi miền đất nước.

Lễ giỗ 456 năm ngày mất của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán - ảnh 1
Con cháu tộc họ Bùi thắp hương tưởng nhớ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán

Trần Quốc công Bùi Tá Hán là người Châu Hoan, Nghệ An (SN 1496) trong một gia đình danh nho. Ông nổi danh là vị tướng trí dũng song toàn. Sau khi nhà Lê suy yếu và bị mất ngôi vào năm 1527, ông theo cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim, xướng nghĩa cần vương, khôi phục nhà Lê, lập nhiều công lao. Năm 1545, ông được triều đình nhà Lê phong làm Bắc quân Đô đốc, đem quân đi vỗ yên biên trấn Quảng Nam, là vùng đất từ Đà Nẵng đến Phú Yên ngày nay.

Ông được vua Lê sắc phong làm trấn thủ Thừa tuyên Quảng Nam, ban tước Trấn Quận công vào năm 1546. Từ đây, vùng đất Quảng Nam ngày càng ổn định và thịnh vượng. Là chỗ dựa vững chắc cho chúa Nguyễn sau này. Ông mất năm Mậu Thìn 1568. Nhân dân họ Bùi đã lập đền thờ của ông ở núi Ông, sau đó chuyển về rừng Lăng, nay thuộc phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi.

Lễ giỗ 456 năm ngày mất của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán - ảnh 2
Lễ giỗ 456 năm là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán

Ghi nhận công trạng của Bùi Tá Hán, các triều đại phong kiến sau này đã tôn vinh, ban nhiều sắc phong thần. Năm 1990, Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Hằng năm, vào ngày rằm tháng 5 âm lịch, con cháu tộc họ Bùi khắp cả nước tề tựu về ngày giỗ của ông.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng với đoàn tộc họ Bùi các tỉnh thành, các địa phương trong tỉnh, người dân đã thành kính dâng hương tại Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán. Ghi nhớ công ơn của Trấn Quốc công, một danh tướng nổi tiếng trong lịch sử. Người có công khai phá, ổn định đời sống cho Nhân dân vùng đất Thừa Tuyên Quảng Nam xưa và tỉnh Quảng Ngãi. Con cháu họ Bùi cả nước trở về trong ngày giỗ của với sự tự hào và gắn kết.

Từ khi Di tích đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán được công nhận đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã quan tâm đầu tư tôn tạo, tu bổ lại phần kiến trúc lăng mộ, đền thờ, mở rộng khuôn viên cảnh quan của di tích ngày một khang trang. Đồng thời, sưu tầm và trưng bày một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến cuộc đời và công trạng của ông, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích để xứng đáng với tầm vóc và công lao to lớn của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán đối với quê hương, đất nước. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng, tưởng niệm.

Lễ giỗ 456 năm ngày mất của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán - ảnh 3
Đại diện tộc họ Bùi trao phụ bản sắc phong thần của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán

Lễ giỗ 456 năm là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của ông đối với vùng đất Thừa tuyên Quảng Nam và quê hương Quảng Ngãi. Tại buổi lễ, đại diện con cháu tộc họ Bùi đã trao 4 phụ bản gồm 4 sắc phong liên quan đến Trấn Quốc công Bùi Tá Hán cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh bảo quản, trưng bày.

Danh xưng Trấn Quốc công tôn vinh Bùi Tá Hán là sự ghi nhận không chỉ của triều đình, còn là sự ngưỡng mộ, tôn kính của người dân xứ Quảng và cả dải đất Nam Trung bộ dành cho ông. Quảng Ngãi có dinh miếu thờ ông ở nhiều địa phương như Lý Sơn, Mộ Đức, Sơn Hà, Trà Bồng.

Lễ giỗ 456 năm ngày mất của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán - ảnh 5
Khu di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán được tỉnh Quảng Ngãi đầu tư, tôn tạo

Đặc biệt, Khu di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán ở phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi là nơi người dân trong tỉnh và cả nước đến viếng thăm, tưởng nhớ đến vị tướng tài năng về quân sự, một nhà cải cách đầy tâm huyết, hết lòng vì sự phát triển và ổn định cuộc sống bình yên, mang lại ấm no hạnh phúc cho Nhân dân. Mộ và Đền thờ của ông trở thành điểm gắn kết cộng đồng Nhân dân họ Bùi, kết nối con cháu trên mọi miền đất nước.