Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2.9:
Lấy mũ cối Mỹ giã gạo làm mỳ Quảng trên căn cứ Hòn Tàu
VHO - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, hai chiến khu cực kỳ quan trọng trên chiến trường miền Nam lúc bấy giờ là Đặc khu Sài Gòn – Gia Định và Đặc khu Quảng Đà.
Đây là 2 đặc khu bám sát 2 Trung tâm đầu não lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam lúc bấy giờ là Sài Gòn và Đà Nẵng. Điều này Trung ương Đảng và Khu ủy đã nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, tính chất quan trọng chiến lược của hai nơi này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Được thành lập từ tháng 10.1967, Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định đồng chí Hồ Nghinh làm Bí thư Đặc khu Quảng Đà. Từ khi mới thành lập, nhiều cơ quan, đơn vị của Đặc khu ủy Quảng Đà vẫn bám trụ hoạt động ở nhiều địa phương.
Từ năm 1971, Mỹ-ngụy thất bại liên tiếp trên các chiến trường, để chỉ đạo sát hơn với phong trào, tháng 12.1971, Hội nghị Đặc khu Quảng Đà đã quyết định chuyển toàn bộ các cơ quan của đặc khu từ khu A7, giáp ranh giữa Đại Lộc và huyện Giằng, xuống khu vực núi Hòn Tàu (Quảng Nam).
Đây là một dãy núi diện tích chỉ gần 100km2, giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn địa thế hiểm trở, nhiều hang động chứa được lượng người lớn, làm nơi sinh hoạt, hội họp.
Cuối năm 1969, ở Quảng Đà có 441 thôn thì bị địch san bằng 353 thôn, phần lớn nhân dân vùng đồng bằng giải phóng bị dồn vào vùng địch kiểm soát, vùng ven đô hầu như trắng đất, trắng dân.
Đặc Khu ủy Quảng Đà phải phân tán một số đơn vị tập trung trên căn cứ Hòn Tàu, đưa cán bộ, chiến sĩ về bổ sung bám địa bàn hoạt động.
Mặt dù đây là địa điểm thuận lợi gần đường giao thông nối liền với Khu ủy 5, đóng ở Phước Trà, Hiệp Đức. Từ đây có thể lên tuyến đường Trường Sơn, về các huyện đồng bằng một cách thuận tiện, tuy nhiên, căn cứ Hòn Tàu lại nằm ở khu vực đồi núi hiểm trở, không có điều kiện canh tác lương thực, thực phẩm. Việc để thiếu lương thực, thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến chiến lược bám trụ, bám sát thắt lưng địch là thành phố Đà Nẵng.
Để giải quyết bài toán khó khăn về lương thực, Đặc Khu ủy Quảng Đà chủ trương cho cơ quan, đơn vị điều một số cán bộ, chiến sĩ thành lập bộ phận sản xuất.
Các đơn vị bộ đội xuống đồng bằng đánh địch, bám trụ cũng phải cử một bộ phận ở lại căn cứ lập trại sản xuất với khẩu hiệu "có đất có ăn", "sản xuất cũng là mũi tiến công", hoặc mang về các “chiến lợi phẩm lương thực” để nuôi quân.
Ông Bảy, một cựu quân y, hiện nay đang sống tại thôn Tân Khai, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) nhớ lại, những lúc xuống đồng bằng đánh trận, khi rút quân các anh em mỗi người một tay tranh thủ mang lương thực về căn cứ dự trữ, đặc biệt là hình ảnh các chiến sĩ vừa mang súng vừa “cắp nách một con heo” mang về chiến khu.
Nhân dân một lòng chăm sóc, cưu mang cán bộ, bộ đội tìm mọi cách vượt qua các trạm kiểm soát của địch tiếp tế cho cán bộ, bộ đội. Đồng bào các huyện miền núi ăn độn củ rừng dành lương thực phục vụ kháng chiến.
Nhờ vậy, đến năm 1970, Quảng Đà mới tạm giải quyết được những khó khăn, cơ sở chính trị vùng ven, nội đô khôi phục dần, lực lượng du kích ở các vùng giáp ranh, căn cứ lõm hoạt động trở lại.
Mặc dù câu chuyện lương thực thực phẩm cơ bản đã được giải quyết. Tuy nhiên, đối với các chiến sĩ đa phần là người con của Quảng Nam – Đà Nẵng. Từ nhỏ lớn lên ai cũng được ăn mỳ Quảng, các loại bánh từ bột gạo khác từ bàn tay chai sạn, thô ráp nhưng đầy ấm áp tình yêu thương của mẹ già.
Rồi những món ăn dân dã, đồng quê này đã ngấm sâu vào trong máu, trong tâm thức của các chiến sĩ. Mỗi lần nhớ mẹ, nhớ quê là nỗi nhớ những món ăn như mỳ Quảng, bánh xèo…lại trỗi dậy.
Đó như là một thứ “thuốc tiên” hiệu nghiệm để xua đi các cảm giác nhớ nhà da diết. Nhưng bằng cách nào để làm mỳ, làm bánh xèo khi điều kiện trên căn cứ không có một dụng cụ để xay bột làm bánh, đó chính là cái cối xay bột.
Ông Lê Công Hai, một chiến sĩ trên căn cứ năm xưa xúc động kể lại: với sự mưu trí, sáng tạo, các anh đã nghĩ ra với một chiến lợi phẩm mà các anh thu được của quân Mỹ là chiến mũ cối bằng sắt M1, nó như một cái cối sắt giúp các anh có thể giã bột nhuyễn để làm bánh xèo, làm sợi mỳ Quảng.
Mũ M1 được chế tạo theo tiêu chuẩn một cỡ duy nhất phù hợp cho mọi người. Độ sâu của mũ khoảng 18cm, chiều rộng 24cm và chiều dài 28cm, khối lượng mũ khoảng 1,3 kg. Phần chính của mũ là một vỏ kim loại, đôi khi được gọi là " nồi thép ", phần ngoài của vỏ được sơn theo sắc phục của các đơn vị sử dụng.
Đó là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với những cán bộ, chiến sĩ sống, chiến đấu tại căn cứ Hòn Tàu. Nó đã giúp các cán bộ, chiến sĩ vừa no cái bụng, vừa thưởng thức món đặc sản mà lẽ ra phải chờ đến ngày đất nước được độc lập thống nhất mới được thỏa lòng mong ước, nó là động lực mãnh liệt thôi thúc các anh không kể ngày đêm dầm mưa dãi nắng, lội suối băng rừng tiến về đồng bằng giải phóng quê hương.