Lần đầu tiên thi viết danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc
VHO- 100 thí sinh là những người yêu nghệ thuật thư pháp, sinh viên khoa tiếng Hàn đến từ các Trường Đại học của Việt Nam sẽ cùng tham gia cuộc thi chưa từng có tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám vào ngày 27.10. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án Cuộc thi viết và trưng bày “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc”.
TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và TS. Seung Yong Uhm, Viện trưởng Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc chủ trì họp báo
Dự án do Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, Viện Nguồn lực văn hoá Hàn Quốc, Trung tâm Hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2022).
“Từ khoá trong hoạt động này chính là “sáng tạo”. Công chúng và du khách sẽ trải nghiệm, khám phá điều đó qua cuộc thi viết hứa hẹn nhiều bất ngờ, với 100 thí sinh cùng thể hiện tài năng viết danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc…”, TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết.
Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét văn hoá truyền thống tương đồng, trong đó có nghệ thuật thư pháp. Ý tưởng cùng khám phá vẻ đẹp của nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc và chia sẻ những câu nói sâu sắc, triết lý sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giới trẻ Việt Nam và Hàn Quốc đã được Viện Nguồn lực văn hoá Hàn Quốc đề xuất và nhận được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý văn hoá Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, Viện Nguồn lực văn hoá Hàn Quốc đã chia sẻ ý tưởng này và phối hợp với Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đồng tổ chức các sự kiện của dự án với sự cộng tác của Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các Trường Đại học tại Việt Nam: Đại học Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học KHXH & NV- Đại học Quốc gia TP. HCM…
TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam
Cuộc thi là sự kết hợp giá trị tinh túy của hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc, đó là chữ Hangeul (bộ chữ riêng của Hàn Quốc được sáng lập năm 1443) và danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Hoạt động này được Bộ VHTTDL Hàn Quốc chọn là một trong những sự kiện chính trong Chương trình hợp tác văn hoá giữa Việt Nam và Hàn Quốc năm 2022…”, TS. Seung Yong Uhm, Viện trưởng Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc cho biết.
Theo TS. Lê Thị Minh Lý, kết nối thư pháp Hàn Quốc với tư tưởng Hồ Chí Minh là ý tưởng tuyệt vời của TS. Seung Yong Uhm, một người yêu Việt Nam và dành tâm huyết nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Ý tưởng sáng tạo nhằm kết nối hai nền văn hóa vốn có nhiều nét tương đồng giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc, kết nối di sản văn hóa với vấn đề thời đại. Ở đó vừa có sự sáng tạo vừa có sự tìm tòi khi tìm ra nét tương đồng giữa thư pháp Việt Nam và thư pháp Hàn Quốc.
Tại cuộc thi viết danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc, các tác phẩm đạt giải sẽ được đưa về Hàn Quốc để các nghệ nhân tài năng của TP. Boryeong thể hiện trên bản khắc gỗ. Cùng với đó, từ ngày 28 đến ngày 30.11.2022, triển lãm danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm sẽ trưng bày những tác phẩm đạt giải thể hiện trên điêu khắc gỗ, viết trên giấy cùng Văn phòng Tứ Bảo là các hiện vật quý liên quan đến nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc.
TS. Seung Yong Uhm, Viện trưởng Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc
Khẳng định đây không phải là một sự kiện giao lưu văn hóa thông thường, mà là một chương trình văn hóa được sáng tạo dựa trên giá trị, TS. Seung Yong Uhm, Viện trưởng Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc cho biết thêm, chương trình lấy cảm hứng từ Thạch Nghiên, một di sản văn hóa có giá trị của TP. Boryeong, một trong Văn phòng Tứ bảo, thể hiện nét văn hóa chung giữa Việt Nam và Hàn Quốc. “Tôi đã cố gắng tái hiện giá trị đó theo một cách sáng tạo, nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ, khi khai thác cách viết truyền thống – thư pháp – để chia sẻ những giá trị và tinh túy của hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc: chữ Hàn Hangeul và danh ngôn Hồ Chí Minh…, theo TS. Seung Yong Uhm.
Ông nói, thông qua sự kiện giao lưu văn hóa này, ông mong muốn truyền bá rộng rãi tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ tới nhân dân Hàn Quốc, mà còn tới cả các thế hệ trẻ Việt Nam. TS. Seung Yong Uhm cũng hy vọng sự kiện sẽ tạo động lực giúp văn hóa Hàn Quốc ngày càng trở nên gần gũi và được nhân dân Việt Nam yêu mến. Sau cuộc thi, Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc cũng sẽ nghiên cứu để tạo thêm sức lan toả về tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như những giá trị từ cuộc thi đến với người dân ở xứ sở Kim chi.
Lãnh đạo Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc và các đại biểu, nhà báo tại buổi họp báo giới thiệu sự kiện
Chuyên gia về Hồ Chí Minh đã lựa chọn gần 100 câu nói sâu sắc, triết lý sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những câu phù hợp với ngữ cảnh cuộc thi và cuối cùng lựa chọn 15 câu để mở ra trong cuộc thi tới đây. Thí sinh sẽ tự chọn câu danh ngôn để thể hiện bằng thư pháp Hàn Quốc. Chỉ trong thời gian ngắn thông báo, cuộc thi đã thu hút đông đảo thí sinh tham gia, trong đó có nhiều bạn trẻ.
TS. Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh là người trực tiếp lựa chọn những câu danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cuộc thi. Bà cho biết, các câu nói sâu sắc, triết lý sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lựa chọn trong “Hồ Chí Minh toàn tập”. "Chúng tôi đã lựa chọn rất kỹ lưỡng. Nếu nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh thì đó là văn hóa Việt Nam, văn hóa Hồ Chí Minh. Tư tưởng ấy, văn hóa sẽ sống mãi. Bác Hồ luôn nói rất dễ hiểu, đi vào lòng người. Vì vậy, cần lan tỏa cuộc thi này, lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa Việt Nam rộng rãi hơn, đặc biệt đến thế hệ trẻ".
Cuộc thi viết “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc” sẽ trao 15 giải. Trong đó có 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng; 2 giải Nhất mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 4 giải Nhì mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 8 giải Ba mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.
BẢO ANH; ảnh: H.Q.H