Kỳ vọng đường sách TP Thủ Đức

THẢO MY

VHO - Sau hơn 4 tháng hoạt động, đường sách TP Thủ Đức (TP.HCM) đã trở thành dấu ấn văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân, là nơi trao đổi, gặp gỡ của học sinh, sinh viên cũng như điểm đến thú vị cho du khách.

  Kỳ vọng đường sách TP Thủ Đức - ảnh 1

Theo đó, dù doanh thu không cao như “đàn anh” là đường sách Nguyễn Văn Bình (TP. HCM), tuy nhiên với sự “non trẻ” thì doanh thu hơn 4 tỉ đồng sau 130 ngày “chào đời” đã là một con số đầy khả quan.

Cụ thể, từ khi đi vào hoạt động và tính đến ngày 30.4 vừa qua, doanh thu của các đơn vị đạt hơn 4.5 tỉ đồng với hơn 61.262 cuốn sách được bán ra. Theo đó, doanh thu sách thiếu nhi đạt gần 900 triệu (chiếm 20% tổng doanh thu) và số cuốn sách thiếu nhi bán ra đạt 31.244 cuốn (chiếm 51%). Cũng theo thống kê, lượng khách đến với đường sách TP Thủ Đức đa phần là thiếu nhi đi cùng gia đình hoặc học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, đường sách TP Thủ Đức cũng diễn ra đa dạng, sôi nổi hoạt động với tần suất mỗi ngày một sự kiện. Trong đó có 20 chương trình giao lưu, giới thiệu sách; 9 chương trình hội thi văn hóa, văn nghệ; 28 chương trình du hành vui cùng sách, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường; 21 chương trình nghệ thuật,biểu diễn âm nhạc; 2 chương trình truyền cảm hứng; 5 chương trình sân chơi thiện nguyện, trao quà tình nghĩa; 22 hoạt động khéo tay hay làm, tương tác khoa học; 7 sự kiện sân chơi tương tác định hướng lối sống xanh, bảo vệ thiên nhiên; 7 sự kiện triển lãm tư liệu, hình ảnh và bìa sách; 3 sự kiện liên quan đến sinh hoạt đoàn, đội; tham quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; 1 hội sách khuyến đọc.

Ngoài ra, đường sách luôn có những chương trình hoạt động định kỳ như: Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, nơi học tập, trải nghiệm và tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chương trình Tư vấn pháp luật miễn phí vào sáng thứ Bảy; Khu vực đọc sách cộng đồng và khu vực trò chơi dân gian phục vụ miễn phí mỗi ngày; Các sân chơi giao lưu âm nhạc miễn phí dành cho bạn đọc vào một số buổi tối trong tuần; Chuyến tàu công nghệ và Toa tàu Khởi nghiệp Thanh niên; Đêm nhạc Acoustic; Biểu diễn Lân Sư Rồng; Sân chơi tương tác, sáng tạo cùng lego dành cho bé…

Tiếp nối thành công ấy, trong đợt hoạt động vui hè cùng sách năm 2024 tổ chức từ ngày 31.5 đến hết ngày 31.8, đường sách TP Thủ Đức tiếp tục tổ chức nhiều chương trình đặc sắc như: Hội sách chào hè, các lớp học kỹ năng, sân chơi văn học nghệ thuật, trải nghiệm hoạt động bảo vệ sức khỏe, môi trường… Chị Thúy Hồng (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Từ ngày đường sách TP Thủ Đức đi vào hoạt động, nơi đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của gia đình vào dịp cuối tuần. Nhất là trong mùa hè này, mình cũng như không ít phụ huynh khác sợ con em sẽ đang lạm dụng thời gian cho việc sử dụng điện thoại thông minh, chơi game, mạng xã hội. Vì vậy, đường sách TP Thủ Đức là một điểm đến phù hợp nhất để các con dễ dàng tìm đến sách, tìm đến các sân chơi bổ ích”, chị Thúy Hồng cho hay.

Có thể thấy, sau khi đường sách Vũng Tàu tạm dừng, hiện cả nước chỉ còn 5 đường sách hoạt động, đó là đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM), đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đường sách TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), phố sách Hà Nội và đường sách TP Thủ Đức (TP.HCM). Trong đó, đường sách TP Thủ Đức được xem là “anh em” với đường sách Nguyễn Văn Bình. Chính vì thế, câu chuyện làm thế nào để đường sách TP Thủ Đức hoạt động hiệu quả như “đàn anh” là vấn đề mà không ít người quan tâm hiện nay. Trước câu hỏi này, đại diện đường sách TP Thủ Đức, ông Lê Hoàng cho biết, trong hơn 130 ngày từ khi đi vào hoạt động, đường sách TP Thủ Đức cũng gặp khó khăn bước đầu, nhưng với sự nỗ lực của các đơn vị tại đường sách cũng như sự tham gia chung tay tổ chức hoạt động sự kiện của các cơ quan ban ngành đoàn thể đã góp phần đưa đường sách đến gần hơn với người dân, đặc biệt là thế hệ bạn đọc trẻ; các sự kiện đa dạng thể loại và thành phần tham gia. “Đường sách TP Thủ Đức ngày càng khẳng định là một thiết chế văn hóa ngoài trời, không gian văn hóa, văn minh, là điểm đến tin cậy, không gian an toàn đối với học sinh, gia đình, thầy cô với hàng ngàn đầu sách hay và đa dạng những tiện ích dành cho mọi lứa tuổi”, ông Lê Hoàng nhấn mạnh.

Có thể thấy, đường sách TP Thủ Đức được kỳ vọng sẽ trở thành một thiết chế văn hóa mới, một không gian văn hóa, tri thức, giáo dục, dịch vụ văn minh thông qua sự lan tỏa của sách và phát triển văn hóa đọc. Nơi đây sẽ trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, sân chơi giải trí, điểm đến văn hóa tinh thần được yêu thích của người dân thành phố Thủ Đức và khu vực lân cận. Tuy nhiên, là đường sách ở địa phương, việc duy trì và phát triển hoạt động cũng như thu hút bạn đọc đến với đường sách TP Thủ Đức rõ ràng sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức. Vì thế, để đường sách TP Thủ Đức có “sức sống” lâu dài và trở thành “điểm hẹn văn hóa” cần sự chung tay, góp sức cũng như luôn đổi mới, sáng tạo của các đơn vị đang hoạt động trên “sân chơi” này. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc