Đưa công nghiệp văn hoá trở thành đòn bẩy chiến lược phát triển bền vững ở Ninh Bình:
Kỳ vọng du lịch cất cánh
VHO - Ngày 9.5, tại Ninh Bình, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình, Báo Tiền Phong phối hợp với Sở Du lịch Ninh Bình tổ chức Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hoá trở thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh”.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Xuân Bắc, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker; Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam Park Eun Jung.
Hội thảo còn có đại diện các Cục, Vụ, Viện; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá, hàng không, du lịch trong và ngoài nước; đại diện các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan báo chí trung ương, địa phương.
Về phía tỉnh Ninh Bình có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương.
Về phía Ban tổ chức có Tổng biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng và Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo.

Khai thác nhiều hơn chiều sâu văn hoá
Hội thảo hôm nay được tổ chức trong bối cảnh tỉnh Ninh Bình đang quyết liệt triển khai các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, trong đó xác định du lịch và công nghiệp văn hóa là hai lĩnh vực trọng tâm, có tính đột phá tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Đây là dịp quan trọng để tỉnh Ninh Bình cùng nhìn lại quá trình phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian qua, phân tích tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng mạnh mẽ.
Đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa những giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của Ninh Bình, đưa du lịch và ngành công nghiệp văn hoá thực sự trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững.
Tại Hội thảo, với mục đích tiếp tục nhận diện, khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò của vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa, thông qua phát triển công nghiệp văn hoá tạo động lực cho du lịch Ninh Bình cất cánh, các đại biểu tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh; đánh giá thực trạng phát triển.
Đồng thời, nhận định những kết quả đạt được, những tồn tại về phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian vừa qua; phân tích nguyên nhân thành công và hạn chế.
Đưa ra bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển nhanh, bền vững với phát triển du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa Ninh Bình.
Những gợi mở giải pháp cho Ninh Bình thúc đẩy ngành công nghiệp văn hoá của Ninh Bình để tạo động lực cho sự phát triển của ngành du lịch góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa cùng với du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Gợi mở các kiến nghị chính sách của tỉnh với Trung ương; kiến nghị cơ chế, chính sách cụ thể của các địa phương với tỉnh.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn nhấn mạnh: “Ninh Bình là vùng đất cổ, có tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng trên nền cảnh quan đặc sắc, kết tinh bề dày lịch sử văn hóa nhân loại và Việt Nam, nơi từng là Kinh kỳ - Đô hội. Dựa trên lợi thế đó, Ninh Bình đã nhập cuộc vào ngành công nghiệp không khói một cách mạnh mẽ để Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, mạch nguồn cảm hứng và cơ hội để tỉnh thăng hoa phát triển”.
Năm 2024 Ninh Bình đón trên 8,7 triệu lượt khách, vượt 16% kế hoạch; doanh thu du lịch đạt hơn 9.100 tỉ đồng, tăng trên 40% so với năm 2023. Giá trị GRDP ngành dịch vụ năm 2024 đạt hơn 22.000 tỉ đồng, tăng 9,5% so với năm 2023.
Để du lịch Ninh Bình cất cánh cần có chiến lược phát triển toàn diện, đồng bộ. Không chỉ là khai thác tài nguyên mà phải gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Vì thế, Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 07 xác định rõ mục tiêu đến 2030 đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 8% GRDP.
“Chúng tôi mong muốn Hội thảo sẽ mang đến những ý kiến đóng góp của chuyên gia, từ đó, định hướng chính sách, chiến lược phù hợp để Ninh Bình trở thành một trong tâm văn hóa - du lịch đặc sắc, là cơ sở khoa học để hoàn thành mục tiêu đến 2035 Ninh Bình trở thành thành phố thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo...”, ông Nguyễn Cao Sơn nói.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng: “Để du lịch Ninh Bình tiếp tục phát triển bền vững, có chiều sâu và mang lại giá trị kinh tế cao, đạt được những thành tựu mới, chúng ta cần một “cú hích”, một đòn bẩy chiến lược và đó chính là công nghiệp văn hóa”.
Lấy ví dụ về Hàn Quốc, một đất nước tiêu biểu trong khu vực và trên thế giới đã dùng công nghiệp văn hoá với những chiến dịch “Hallyu- làn sóng Hàn Quốc” đã đưa âm nhạc, điện ảnh, phim truyền hình, thời trang, ẩm thực… phủ sóng toàn cầu, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến xứ Kim chi mỗi năm.
Theo ông Phùng Công Sưởng, tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của Ninh Bình được các chuyên gia nhận định là rất lớn. Chúng ta có các làng nghề truyền thống như: Thêu ren Văn Lâm, chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, có di sản hát chèo, nghệ thuật ca trù, có những truyền thuyết dân gian gắn với vua Đinh - vua Lê có thể trở thành kịch bản sân khấu hóa đặc sắc.
Thậm chí, những thước phim điện ảnh Hollywood Kong từng quay tại đây là cơ sở để hình thành các tour du lịch theo dấu phim trường, điều mà nhiều quốc gia đang làm rất thành công.
Khi công nghiệp văn hóa được lồng ghép và phát triển song hành cùng du lịch, chúng ta không chỉ khai thác giá trị cảnh quan, mà còn giới thiệu những câu chuyện, bản sắc, linh hồn của vùng đất đó. Đó chính là cách để Ninh Bình khác biệt, độc đáo và ghi dấu trong lòng du khách.

Làm thế nào để thương hiệu du lịch có sức cạnh tranh, vươn tầm quốc tế?
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm đánh giá cao tỉnh Ninh Bình tổ chức sự kiện này với sự phối hợp hiệu quả của các tổ chức quốc tế, các cơ quan chuyên môn của Bộ VHTTDL, các doanh nghiệp và đối tác liên quan. Đặc biệt, Báo Tiền Phong rất tích cực ở vai trò bảo trợ, đồng tổ chức hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh”.
Hội thảo không chỉ là hoạt động chuyên môn có ý nghĩa thực tiễn mà còn góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Đây cũng là dịp để các đại biểu, chuyên gia cùng suy nghĩ sâu sắc hơn về cách phát triển du lịch hiệu quả, có chiều sâu và mang đậm bản sắc Việt.
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, những năm gần đây, du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, du lịch Ninh Bình cần tiếp tục bứt phá về chất, yếu tố văn hóa phải được xác định là hạt nhân của mọi chiến lược, nhất là du lịch văn hóa.
“Câu chuyện của Ninh Bình không phải là địa phương có gì, mà là làm thế nào để thương hiệu du lịch có sức cạnh tranh, lan tỏa, vươn tầm quốc tế?”, Thứ trưởng Phan Tâm đặt vấn đề.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta cần nhìn văn hóa như một tài nguyên đặc biệt, có thể tái tạo, sinh lợi lâu dài, có giá trị kinh tế, tinh thần, tạo giá trị độc đáo cho sản phẩm du lịch”.

Để công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy đưa du lịch cất cánh, địa phương cần tạo chính sách thuận lợi để thu hút kinh tế tư nhân, đồng thời chú trọng chuyển đổi số, số hóa di sản, bảo tàng ảo.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng lưu ý vấn đề chuyển đổi số trong văn hóa là tất yếu, để giá trị di sản vượt phạm vi địa phương. Chuyển đổi số ở đây là chuyển đổi cách con người tiếp cận, trải nghiệm và tương tác với di sản văn hoá.
Ông nói: “Ngành Du lịch Ninh Bình không chỉ tập trung đo đếm lượng khách, doanh thu, mà cần xây dựng bộ đo về chỉ số phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm của du khách, hiệu quả khai thác tài nguyên…”.
Bộ VHTTDL sẽ luôn đồng hành cùng tỉnh Ninh Bình để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá gắn với phát triển du lịch. Bộ sẽ hỗ trợ địa phương về mặt chính ách, kết nối nguồn lực đầu tư, tư vấn chuyên môn và kêu gọi sự tham gia của các tổ chức văn hoá, mạng lưới sáng tạo trong và ngoài nước vào các dự án cụ thể của tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã khai thác hiệu quả tiềm năng di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp để phát triển du lịch. Các cấp, ngành, địa phương luôn chú trọng đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Ninh Bình đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt tập trung vào việc khai thác tài nguyên di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực của địa phương.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng, du lịch Ninh Bình đón nhiều khách nhưng doanh thu không cao. Điều này khiến những người trong ngành trăn trở, tìm ra cách nâng tầm du lịch, đặc biệt theo hướng gắn liền với các giá trị văn hóa, di sản.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào các sản phẩm du lịch kết hợp với nghệ thuật, điêu khắc, có ứng dụng công nghệ thông tin…Việc này góp phần nâng tầm du lịch, hướng tới hiệu quả về doanh thu, tạo sự phát triển bền vững cho tỉnh”, ông Mạnh cho biết.

Với sự tham dự của gần 200 đại biểu, nhiều chuyên gia, diễn giả, Hội thảo chia làm 2 phần. Phần 1 có chủ đề: "Lợi thế vàng của Ninh Bình để thúc đẩy du lịch". Tại phần này, các đại biểu, diễn giả tập trung phân tích tiềm năng, lợi thế phát triển của Ninh Bình, kinh nghiệm phát triển của các địa phương trong nước và của quốc tế.
Phần 2 có chủ đề "Công nghiệp văn hoá là động lực thúc đẩy du lịch". Phần này có 2 talkshow: "Di sản văn hoá, thiên nhiên- Chìa khoá định vị công nghiệp văn hoá Ninh Bình" và "Hiện thực hoá mục tiêu đón 3 triệu khách quốc tế và đảm bảo sự tăng trưởng bền vững".